VƯỢT QUA SỐ PHẬN

NGƯỜI KHUYẾT TẬT, KHÁT VỌNG VÀ YÊU THƯƠNG !

 

 

Tôi được sinh ra ở mảnh đất miền Trung nhiều nắng gió. Nơi đó, tôi có một cuộc sống nghèo khó với một gia đình đông đúc nhưng đầy tình yêu thương.

Từ nhỏ tôi đã mang trong người căn bệnh cong vẹo cột sống. Đó là căn bệnh không gây đau đớn nhưng sẽ khiến bạn trở nên xấu xí một cách đáng sợ. Tôi là một cô bé có cá tính mạnh mẽ, nghịch ngợm như một thằng con trai, sự vô tư của một đứa bé khiến tôi không quá mặc cảm tự ti, tôi sống hòa đồng và mọi người cũng không e dè với tôi. Tôi đã có quãng thời gian sống vui vẻ trong tình yêu thương của thầy mẹ, anh chị em và bạn bè. Tôi không nghĩ rằng cuộc đời lại dành cho mình nhiều thử thách tới vậy. Thầy tôi qua đời, để lại gánh nặng trên vai mẹ là một món nợ khổng lồ và một đàn con nhỏ dại. Bao nhiêu dự định còn dang dở người chưa kịp thực hiện. Thế giới trong tôi sụp đổ.

Cuộc sống nơi miền quê nghèo đầy khó khăn, anh trai và chị gái tôi phải xa quê hương làm việc để giúp mẹ nuôi đàn em nhỏ. Tôi trở thành chỗ dựa cho mẹ và thay thầy, thay anh dạy dỗ các em. Tôi phải làm mọi việc như mọi người như đi gặt, đi cấy, đi làm đồng, đi vào rừng kiếm củi mặc dù lưng của tôi ngày càng vẹo nặng.

Tôi yêu những cánh rừng thông nơi tôi ở, tôi nuôi mơ ước trở thành một cán bộ lâm nghiệp, có thể gắn bó cả đời với những cánh rừng xanh. Tôi muốn trở thành một cây thông dẻo dai, không sợ nắng, không sợ gió, muốn vi vu giữa đại ngàn và bởi vì trong tôi tràn đầy nhựa sống.

Kỳ thi đại học năm đó, tôi thi đậu vào khoa Lâm Nghiệp của trường Đại Học Nông Lâm Huế, với một ước mơ cháy bỏng là mở một trang trại chăn nuôi và trồng rừng. Từ đây tôi nhận được cái nhìn xoi mói và những lời bàn tán của nhiều người. Dường như trong con mắt của nhiều người “bạn không hoản hảo về thân thể, bạn không làm được, bạn nên để người khác chăm sóc mình.”

 Ai cũng hỏi tôi tại sao tôi lại chọn ngành lâm nghiệp mà không phải là ngành khác như là kế toán, sư phạm vì nó phù hợp với sức khỏe của tôi. Nhiều người đã tỏ ra coi thường và chế nhạo khi tôi nói với họ rằng, tôi “lỡ yêu” lâm nghiệp mất rồi nên không thể làm khác được. Tôi nhận được nhiều lời động viên của người khác nhưng cũng không ít người kỳ thị tôi.

Cuộc sống sinh viên xa nhà với nhiều khó khăn, tôi đã không còn là một cô bé con ngây thơ, được bao bọc trong tình yêu thương của gia đình và Xứ Đạo nhỏ. Những ánh mắt tò mò của mọi người đã khiến tôi tủi thân biết bao, những kỳ thị dành cho một cô sinh viên khuyết tật mà lại học lâm nghiệp… nhưng tất cả không thể cản được bước chân tôi tới trường. Tôi bỏ qua tất cả mà nung nấu ý chí để thực hiện ước mơ, bởi tôi yêu những cánh rừng hơn tất cả.

Cuộc sống sinh viên khó khăn, nhiều vất vả nên lưng của tôi ngày càng vẹo nặng, rồi trở nên đau đớn. Tôi một mình vào Sàigòn để tìm bệnh viện chữa bệnh. May mắn cho tôi, khi tôi tìm được một giáo sư bác sĩ đầu ngành về cột sống. Ông thương một cô bé nhỏ nhắn mà mạnh mẽ, từ Miền Trung xa xôi một mình đi tìm bác sĩ chữa bệnh nên ông đã đồng ý mổ cho tôi. Năm đó tôi học năm 3, tôi quyết định bảo lưu việc học và nắm lấy cơ hội của cuộc đời mình, và cũng là niềm hy vọng của thầy tôi lúc sinh thời, thầy đi tìm hỏi rất nhiều bệnh viện mong có thể chữa được bệnh cho tôi. Tôi sung sướng khi nghĩ mình sẽ được mổ, mình sẽ trở thành một người bình thường. 

Tôi là một bệnh nhân nặng nhất mà giáo sư từng gặp. Mặc dù vậy ông vẫn quyết tâm mổ cho tôi. Tỉnh dậy sau cuộc giải phẫu hơn 10 giờ đồng hồ, tôi không thể cử động chân tay, mọi thứ mờ ảo trước mắt, lúc đó chỉ có nỗi đau đớn cùng cực là rõ ràng nhất… Thế nhưng tôi được thông báo rằng mình bị liệt 2 chân. Cuộc giải phẫu đã mang lại cho tôi một cột sống thẳng hơn nhưng lại lấy đi của tôi đôi chân và niềm hy vọng. Niềm hy vọng của tôi tan biến.

Mẹ tôi đã rất lo lắng và sợ hãi vì nghĩ rằng từ một đôi chân chỉ cần chạm xuống đất là đi, là chạy là nhảy mà giờ không thể cử động được mẹ sợ tôi tuyệt vọng mà chết. Nhưng nhìn vào ánh mắt mẹ, nhìn những giọt nước mắt lăn dài cố giấu của mẹ, tôi biết mình phải đứng dậy bằng mọi giá, vì mẹ tôi không chỉ có mình tôi, mẹ còn phải lo lắng và chăm sóc cho cả một gia đình đông đúc, và hơn hết, tôi chính là niềm an ủi và hy vọng của mẹ.

Từ đó, mẹ theo tôi đi hết bệnh viện này tới bệnh viện khác để cùng tôi tập luyện vật lý trị liệu. Hơn một năm tập luyện, với vô số lần vấp ngã, với bao mồ hôi, nước mắt và máu thì tôi đã bước xuống được khỏi chiếc xe lăn trước sự ngỡ ngàng của mọi người trong thôn xóm và của các bác sĩ lúc tôi vào lại Sài Gòn để tái khám. Các bác sĩ không tin khi thấy tôi một chân bước một chân lết vào tái khám vì lúc phẫu thuật xong họ không tìm ra nguyên nhân vì sao tôi bị liệt, và họ nghĩ rằng tôi sẽ phải ngồi xe lăn cả đời.

Sau hơn một năm tập luyện, khi đã đi lại được với một cây gậy, tôi quyết định quay lại trường để hoàn thành chương trình học, tôi muốn tự mình hoàn thành việc mà mình đã bắt đầu. Rồi tôi cũng tốt nghiệp và đi xin việc như mọi người. Một người khuyết tật đi xin việc gặp biết bao khó khăn và kì thị. Họ không nhận một người khuyết tật làm về ngành lâm nghiệp dù cho tôi có năng lực và lòng yêu nghề như thế nào đi nữa. Tôi không còn dành thời gian để đi xin việc nữa mà quyết định mở trang trại, dùng kiến thức của mình hoàn thành ước mơ của thầy và cũng là ước mơ của chính tôi, giúp gia đình tôi vững vàng về kinh tế. Và giờ đây, tôi đang bắt đầu các công việc để mở một trang trại chăn nuôi và trồng rừng.

Cuộc sống của tôi vẫn còn rất nhiều khó khăn, mọi thử thách vẫn xảy đến với tôi mỗi ngày, nhưng tôi chưa bao giờ cho phép mình quay lưng lại với cuộc sống, tôi không cho phép mình chạy trốn khó khăn, cách vượt qua khó khăn duy nhất là hãy đối diện với nó, bởi tôi luôn quan niệm rằng: “Bạn chỉ có một cuộc đời để sống. Thay vì dành thời gian để nuối tiếc và ao ước thì hãy làm tất cả những điều yêu thích, chấp nhận rủi ro và học từ sai lầm”. Tôi luôn sống với một tâm thế “sợ ngày mai không còn”. Điều đó không có nghĩa tôi là người “sống gấp”, “sống vội”. Tôi luôn muốn chia sẽ mọi thứ mình có cho những người kém may mắn hơn mình. Chỉ cần tôi có thể làm được thì tôi sẽ cố mọi cách để giúp đỡ những ai cần tôi. 

Nhưng ở một miền quê nghèo, vùng sâu vùng xa, tôi thực sự thấy mình quá nhỏ bé và yếu đuối khi mà thấy rất nhiều người khuyết tật không được quan tâm đến cái nhu cầu chính đáng nhất. Ở đó, trong suy nghĩ của mọi người, người khuyết tật thì nên an phận thủ thường, ai cho gì thì nhận nấy, người khuyết tật là gánh nặng của gia đình, của xã hội. Người ta mặc định rằng đã là người khuyết tật thì không có tình yêu, không nên lập gia đình…

Đây thực sự là một khó khăn lớn của tất cả những người luôn quan tâm tới lợi ích của người khuyết tật nói chung, bởi Việt Nam hiện có tới 6,7 triệu người khuyết tật, trong đó 82% sống ở khu vực nông thôn.

Vì thế nên tôi muốn được tham gia cuộc thi này, tôi muốn được khẳng định mình với những con người nhiều định kiến và kỳ thị rằng, người khuyết tật cần được đối xử bình đẳng, họ có mọi quyền cơ bản nhất của một con người là được sống, được làm việc mình thích và được yêu thương. 

Đến với cuộc thi tôi mong muốn mình sẽ là một “vầng trăng khuyết” tỏa sáng. Vầng trăng dù khuyết hay tròn đều sáng trong, đều mang vẻ đẹp kỳ diệu của Tạo Hóa. Con người cũng vậy, dù là người khuyết tật hay không, chúng ta đều có nét đẹp riêng, phẩm giá riêng của mình, mỗi con người trên trái đất này đều có phẩm giá như nhau. Mỗi người khuyết tật chúng ta cần sống tự tin và lạc quan hơn, chủ động nắm bắt cơ hội trong cuộc sống để chứng tỏ cho mọi người biết rằng người khuyết tật vẫn có khả năng cống hiến nhiều cho cộng đồng và xã hội, cho gia đình và cho đất nước.

Tôi và tất cả mọi người khuyết tật trên đất nước Việt Nam này ước mong sao Nhà Nước quan tâm hơn tới chúng tôi, bằng những việc làm thiết thực nhằm giải quyết một cách thấu đáo vấn đề việc làm cho người khuyết tật cũng như quan tâm hơn tới đời sống tinh thần cho chúng tôi. Mặc dù, hiện nay chúng ta đã có bộ luật dành cho người khuyết tật nhưng đảm bảo thực hiện tốt các quyền lợi dành cho người khuyết tật mà bộ luật đã ban hành thì cần phải có sự vào cuộc tích cực và thiết thực của toàn xã hội để tất cả mọi người khuyết tật trên đất nước Việt Nam được bảo vệ mọi quyền lợi cũng như thực hiện các nghĩa vụ đối với đất nước, với tổ quốc.

Chúc cho “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” sẽ luôn được tiếp nối để cho rất nhiều những “vầng trăng khuyết” trên khắp nước Việt Nam chúng ta được tỏa sáng, được lan tỏa.

ĐẶNG THỊ VY
Sinh 29.3.1988, Công Giáo
Xóm Trại Tiểu, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh

Nếu Quý Vị thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này !

Gửi phản hồi

Người đăng tin

Lm. Giuse Lê Quang Uy, DCCT

Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế