Dưới đây là trích đoạn trong lá thư của ông Takashi Nagai, giáo sư Đại Học Y Khoa Nagazaki, người Công Giáo. Do hậu quả phóng xạ tàn khốc của trái bom nguyên tử nổ tại đây năm 1945, ông đã chết sau đó vào năm 1951 lúc vừa tròn 43 tuổi.
“…Ngay sau khi quả bom nổ, phản xạ tự nhiên của những người vẫn còn có khả năng di chuyển là: hoặc vẫn ở lại tại chỗ hoặc chạy trốn đi nơi khác ngay. Những người ở lại chính là để có thể cứu cha cho bạn bè và người thân hoặc cố cứu vớt nhà cửa tài sản của mình. Họ đều mau chóng bị ngọn lửa khủng khiếp bao vây và chết cùng với những người họ muốn cứu…
Còn nhóm bỏ chạy, trong số đó có tôi, khi lửa lan đến gần, đã cùng với những người láng giềng đã cố vượt lên một ngọn đồi nằm sát với khu bệnh viện. Chúng tôi đã thoát chết trong gang tấc… Chúng tôi thấy nhiều sinh viên và nữ y tá nằm ngổn ngang trên mặt đất. Chúng tôi khiêng họ chuyển lên chỗ cao hơn trên đồi ngoài vòng lửa thiêu.
Phần tôi, tôi luôn thúc giục mọi người hãy chạy nhanh lên. Tôi bị thương ở thái dương và mất khá nhiều máu. Cuối cùng thì tôi cũng bị ngất đi. Tỉnh lại, tôi thấy mình nằm trên bãi cỏ ngay dưới đám mây nguyên tử cuồn cuộn. Vết thương đau ghê gờm làm tôi phải nghiến chặt răng chịu đựng. Tôi chợt nhớ đến vợ tôi, nếu cô ấy còn sống thì thế nào cũng đã tìm gặp được tôi rồi…
Hôm sau, từ trên ngọn đồi phía sau bệnh viện, tôi trông thấy ngôi nhà trước đây của mình chỉ còn là một đống tro trắng. Khắp nơi chẳng có gì còn động đậy trong ánh nắng ban mai. Mái trường đại học thân yêu và tất cả những sinh viên tôi yêu mến bỗng chốc đã bị ngọn lửa hủy diệt. Vợ tôi thì đã chết trong căn bếp, giờ đây chỉ còn là một đống xương nhỏ cháy đen mà tôi cố gắng thu nhặt từng chiếc một. tất cả không nặng hơn một gói bưu kiện nhỏ.
Với tôi, ngoài căn bệnh kéo dài trước đây do nghiên cứu về tia X, nay tôi lại mắc thêm căn bệnh nhiễm xạ nguyên tử ở mức nặng nhất, cộng với vết thương bên trán phải đã biến tôi thành một người tàn tật. May mắn thay, ba ngày trước đó tôi đã cho hai con tôi về ở với bà nội chúng trên vùng núi xa nên chúng mới còn sống khỏe mạnh.
Chưa bao giờ tôi thấy công việc làm một nhà khoa học của tôi lại nặng nề đau đớn như vậy. Tay chống gậy, mình đầy vết thương, bằng những cố gắng rất lớn, tôi bắt đầu tập leo núi, lội qua sông trong suốt một tháng để đến chăm sóc các bệnh nhân ở xa.
Nhưng rồi một cơn đau dữ dội của căn bệnh nhiễm xạ nguyên tử đã buộc tôi phải bỏ tất cả. Những nạn nhân chúng tôi đều không hề biết là một quả bom nguyên tử sẽ tác hại như thế nào. Bản thân tôi từng nằm ngay dưới đám mây nguyên tử hình cây nấm khổng lồ, vậy mà tôi cứ ngỡ đây chỉ là một loại bom cực lớn mà thôi. Chỉ đến khi cây nấm tỏa rộng ra rồi tan loãng đi dần, để cho ánh sáng mặt trời trở lại chiếu rọi đủ để có thể phân biệt mọi vật, thì tôi mới tự nhủ: “Thôi, vậy là tận thế mất rồi… “