“Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” – “Hãy đến mà xem”.
Trong đoạn Tin Mừng theo Gioan 1, 35 – 39 , các môn đệ đầu tiên của ông Gioan Tẩy Giả đã hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” và Ngài đã trả lời họ: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến, đã xem và “ở lại với Ngài” để rồi trở nên môn đệ.
Trong cuộc đời, có rất nhiều cuộc gặp gỡ. Có những cuộc gặp gỡ chẳng có ý nghĩa bao nhiêu để sớm rơi vào quên lãng; có những cuộc gặp gỡ mà sau khi chia tay, chúng ta cảm thấy mình nghèo hơn trước… Nhưng cũng có những cuộc gặp gỡ khiến chúng ta giàu có hơn, đôi khi thay đổi cả cuộc đời, như cuộc gặp gỡ của các môn đệ đầu tiên với Chúa Giêsu.
Đó là một cuộc gặp gỡ tuyệt vời, bởi rất nhiều năm sau, khi viết Tin Mừng, Tông Đồ Gioan vẫn còn nhớ chính xác thời giờ, “lúc đó vào khoảng giờ thứ mười”, tức khoảng bốn giờ chiều.
Tính giản dị của trình thuật khiến độc giả cảm thấy hụt hẫng một cái gì đó. Người đọc muốn biết nhiều hơn những gì các môn đệ đã thấy ngày hôm ấy, họ muốn được chỉ dẫn về nơi chỗ Chúa Giêsu đón tiếp và nhất là nội dung cuộc gặp gỡ giữa Ngài với các ông… Thế nhưng, tác giả Tin Mừng không nói gì về chủ đề này, không một lời về nơi chỗ, không một xác thực nào về diễn biến; chỉ có thời giờ được nói đến, nhưng chỉ đề cập một cách phỏng chừng.
Thế mà cũng ngày hôm ấy, một điều gì đó mang tính quyết định đã xảy ra. Cuộc gặp gỡ đã đổi đời họ. Anrê vồn vã thổ lộ: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia” và dẫn Simon em mình đến gặp Đức Giêsu. Ngày hôm sau, chính Philípphê, cũng là người đã gặp Đức Giêsu; đến lượt mình, ông cũng thông báo, “Đấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp Ngài!”
Một buổi chiều mùa đông, một thiền sư xuống núi. Vừa tới đồng bằng thì trời đổ mưa, mưa như trút… Ông ghé vào một trang trại. Thấy có người kéo chuông, cô gái giúp việc ra xem. Thiền sư tỏ ý xin đứng trú mưa một chốc. Cô quay vào trình vợ chồng trang chủ, nhưng ngạc nhiên thay, trang chủ từ chối. Cô bèn ra nói với thiền sư: “Trang chủ tôi mời thầy vui lòng đi chỗ khác…” Thiền sư xin cô vào trình bày một lần nữa, nhưng trang chủ cô vẫn cự tuyệt. Vậy là thiền sư đội mưa ra đi…
Sau nhiều năm, người vợ trang chủ muốn đi chùa, người chồng chiều ý. Họ tìm đến một ngôi chùa trên núi. Vừa bước vào tịnh thất, họ ngạc nhiên vì ngay giữa tịnh thất, có một tấm bảng ghi nhiều tên, trên đó có tên vợ chồng họ…
Lát sau, vị sư trụ trì xuất hiện, họ chưa bao giờ gặp nhau. Ông niềm nở đón tiếp hai người và mời họ dùng trà. Khi tuần trà dứt, hai vợ chồng tò mò muốn hỏi, tại sao có những cái tên ấy. Thiền sư ôn tồn trả lời, “Đó là những người mà bần đạo cầu nguyện cho họ mỗi ngày. Chẳng hạn, với người đầu tiên, đó cũng là tên một trang viên… Chuyện đã nhiều năm, một chiều mưa, bần đạo xin trú mưa tại vỉa hè của họ nhưng trang chủ nhất mực từ chối… Về chùa, bần đạo ngã bệnh nhiều tháng, nhưng bần đạo không tiếc cho việc ngã bệnh mà chỉ xót xa cho vị trang chủ ấy quá chật lòng… Nên mỗi ngày, bần đạo cầu nguyện may ra họ từ bi hơn, giàu có hơn… bần đạo muốn nói, giàu có trong tâm hồn”.
Quả vậy, sau cuộc gặp gỡ đó, hai vợ chồng đã thay đổi một cách lạ lùng, trang viên của họ luôn mở rộng cửa, cũng là nơi lui tới thường xuyên của những người nghèo trong vùng.
“Lạy Chúa, ước gì từng ngày, khi con gặp Chúa, Chúa biến đổi con, để rồi mỗi ngày, khi ai gặp con, Chúa biến đổi họ”. Amen.
Lm. MINH ANH, Giáo Phận Huế