VUI SỐNG TIN MỪNG

Đã bước vào Năm Thánh Lòng Chúa Xót Thương, hãy chịu khó lắng nghe Papa Phanxicô mời gọi…

Papa Phanxico 1


15. Trong Năm Thánh này, chúng ta có thể trải nghiệm việc mở lòng tiếp nhận những người đang sống tại những vùng ven xa xôi nhất của kiếp nhân sinh, thường được tạo nên trong cảnh khốn cùng do chính thế giới ngày nay. Hiện có biết bao tình cảnh đói nghèo và khổ đau trong thế giới ngày nay. Có biết bao vết thương trầm trọng nơi thân xác những người không còn tiếng nói, vì tiếng kêu than của họ bị lấn át và dìm tắt bởi thái độ thờ ơ, hờ hững của những dân tộc giàu có.

Trong Năm Thánh này, Giáo Hội được mời gọi nhiều hơn để chữa trị và xoa dịu các thương tích bằng dầu an ủi, dùng lòng thương xót để băng bó, dùng tình liên đới và thái độ ân cần quan tâm để chữa lành những vết thương ấy. Chúng ta đừng để mình ngập ngừng trong thái độ dửng dưng đáng xấu hổ, trong những thói quen thường ru ngủ tinh thần và cản trở chúng ta khám phá những điều mới mẻ, hay trong hành vi nhẫn tâm đang gây nhiều chia rẽ. Hãy mở to mắt để nhận ra tình trạng khốn khổ của thế giới, để thấy những vết thương của anh chị em chúng ta đang bị tước mất nhân phẩm, và ý thức rằng chính chúng ta được mời gọi lắng nghe tiếng họ kêu gào xin được cứu giúp.

Ước gì bàn tay chúng ta nắm lấy đôi tay họ và kéo họ đến với chúng ta. Ước chi tiếng nói của họ trở thành tiếng nói của chúng ta, và ước chi chúng ta có thể chung tay phá đổ những rào cản của thái độ dửng dưng lãnh đạm, vẫn thường được dùng để che giấu thói giả hình và tính ích kỷ.

Ước muốn tha thiết của tôi trong Năm Thánh này là, đoàn dân Kitô hữu sẽ quan tâm đến những hành vi của lòng thương xót, về phần xác cũng như phần hồn. Đây chính là cách thế để thức tỉnh lương tâm chúng ta, thường vẫn ngủ yên trước thảm hoạ nghèo khổ, và ngày càng đi sâu hơn vào trái tim của Tin Mừng, nơi những người nghèo được hưởng ưu quyền đặc biệt nơi lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết các hành vi thương xót đó, để chúng ta biết mình có sống đúng là môn đệ của Người không.

Chúng ta hãy tái khám phá những hành vi thương xót, chẳng hạn Thương xác bảy mối, đó là cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết. Và chúng ta đừng quên Thương linh hồn bảy mối, đó là lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ khinh rẻ ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

Chúng ta không thể lẩn tránh những lời Chúa dạy, lời sẽ phán xét chúng ta, đó là chúng ta có cho kẻ đói ăn và cho kẻ khát uống, có cho khách đỗ nhà và cho kẻ rách rưới ăn mặc, có viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc hay không ( x. Mt 25, 31-45 ).

Ngoài ra, chúng ta cũng phải trả lẽ về việc có giúp cho người khác thoát khỏi ngờ vực, một tâm trạng vẫn gây nên lo sợ và thường đưa đến cô đơn không; chúng ta có nỗ lực giúp giải quyết nạn thất học của biết bao nhiêu người, nhất là những trẻ em không có phương tiện cần thiết để thoát khỏi cảnh nghèo không; chúng ta có đến gặp gỡ người lẻ loi cô độc và đang buồn chán không; chúng ta có tha thứ cho người xúc phạm đến chúng ta, có loại bỏ mọi hình thức oán hận và thù ghét dẫn đến bạo lực không; chúng ta có nhẫn nại như Thiên Chúa là Đấng vô cùng kiên nhẫn với chúng ta không; và cuối cùng, khi cầu nguyện, chúng ta có trao dâng anh chị em chúng ta cho Chúa không.

Chính Chúa Kitô hiện diện nơi mỗi người trong “những kẻ hèn mọn” đó. Thân xác Người trở nên hữu hình nơi thân xác những người bị hành hạ, bị gây thương tích, bị đánh đập, bị thiếu dinh dưỡng, bị truy đuổi… để cho chúng ta nhận ra, chạm tới và ân cần chăm sóc. Chúng ta đừng quên những lời của Thánh Gioan Thánh Giá: “Vào lúc cuối đời, chúng ta sẽ chịu phán xét về tình yêu”.

Trích lấy số 15 trong Tông Sắc Misericordiae Vultus,
Papa Phanxicô 2015

 

Nếu Quý Vị thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này !

Gửi phản hồi

Người đăng tin

Lm. Giuse Lê Quang Uy, DCCT

Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế