Cha Pierre tên thật là Henri Antoine Grouès là con trai một nhà buôn hàng tơ lụa thành phố Lyon nước Pháp. Hồi còn niên thiếu, Pierre đã có lòng yêu mến Thánh Phanxicô khó nghèo một cách đặc biệt. Năm 19 tuổi, sau khi xin phụ thân chia cho một khoản gia tài lớn, bắt chước Thánh Phanxicô, Pierre liền mang đi phân phát hết cho người nghèo quanh vùng chỉ trong vòng 2 giờ. Sau đó chàng xin vào tu Dòng Capucino, một nhánh theo tôn chỉ khó nghèo nghiêm nhặt của Thánh Phanxicô.
Sau khi được thụ phong Linh Mục, vì sức khỏe kém, cha Pierre không được phép bề trên cho sang truyền giáo ở châu Phi. Đệ Nhị Thế Chiến nổ ra, cha Pierre mạo hiểm đưa một số người Do Thái tỵ nạn sang Thụy Sĩ nhưng lại bị quân phát-xít Đức chận bắt bỏ tù. Rất may mắn là cha vượt ngục thành công, sau đó gia nhập vào hàng ngũ những người du kích kháng chiến tại Pháp.
Chiến tranh chấm dứt, cùng với nhiều huân chương kháng chiến anh dũng chống phát-xít, cha Pierre mạnh dạn ra ứng cử dân biểu quốc hội Pháp. Với cương vị xã hội mới, cha mướn một ngôi nhà cũ kỹ nhưng rộng mênh mông ở ngoại ô Paris. Buổi chiều, sau khi dự họp quốc hội, cha mặc bộ quần áo thợ, tự tay dọn dẹp sửa sang ngôi nhà với mục đích phục vụ người nghèo vô gia cư.
Thế rồi lần lượt nhiều người tìm đến giúp cha, tổng cộng nhóm ban đầu là 18 người gồm đủ mọi thành phần: tù nhân đi đày mãn hạn, cựu võ sĩ, nhà buôn phá sản, một người mới tự vẫn ở sông Seine được vớt lên… Cha Pierre đã chọn cho nhóm một cái tên đầy ý nghĩa lạc quan, tin tưởng trọn vẹn vào Thiên Chúa: Nhóm Emmaus.
Hai năm trôi qua, năm 1951, cha Pierre vừa tròn 39 tuổi. Biết tin có một gia đình nghèo đang gặp cảnh nheo nhóc cùng cực, chỉ còn chờ chết vì đói và lạnh, cha liền đưa họ về ở tạm ngay trong nhà nguyện. Sau đó Nhóm Emmaus dùng ván cũ dựng cho họ một cái chòi ngay gần đó. Tin đồn lan ra, những người vô gia cư đổ dồn về xin cha và Nhóm Emmaus trợ giúp.
Mùa đông năm 1952, có hơn 2.000 người phải ngủ dưới gầm cầu sông Seine hoặc trước miệng cửa hầm bến xe điện ngầm dưới đất. Hằng đêm có không ít người chết co quắp vì đói rét. Cha Pierre tìm đến mang cho họ ít súp nóng và bánh mì.
Thế rồi một hôm cha xin được một cái lều lớn của quân đội về dựng ngay trên thửa đất cạnh Nhà Nguyện, bên trong lót rơm, kê một số giường ván có chăn nệm và lò sưởi. Suốt nhiều tháng trời, mỗi đêm cha tự lái chiếc xe tải cũ lặn lội chạy tìm nhặt những người đang co ro ngoài đường, chở về cho tá túc trong lều.
Con số nạn nhân vẫn tăng dần lên đến hàng ngàn, vậy mà căn lều của cha Pierre lại chỉ chứa được hơn… 70 người chen chúc. Cha quyết định nhờ Đài Phát Thanh cho cha đọc lời kêu gọi cứu trợ: “Hỡi các bạn, có một người phụ nữ vừa chết cóng vào lúc 3 giờ khuya đêm qua trên vỉa hè Sébastopol. Xin các bạn hãy mở rộng túi tiền, hãy mở rộng tấm lòng. Hằng đêm có đến hơn 2.000 người chịu cảnh màn trời chiếu đất, phải co mình dưới tuyết, bên vệ đường, không nhà ở, chẳng có bánh ăn, có kẻ gần như trần truồng… Tôi van nài các bạn, chiều nay, trễ lắm là ngày mai, tại điểm hẹn là khách Rochester đường Boétie thủ đô Paris, xin hãy mang đến cho chúng tôi một số lều bạt lớn, lò sưởi, quần áo và bánh mì…”
Chỉ khoảng 10 phút sau, người gác cửa khách sạn đã bắt đầu nhận được nhiều gói quần áo, chăn và tiền bạc. Sau một giờ, các vật phẩm trợ giúp đã chất cao như núi.
Có người chỉ vô tình đi ngang, biết chuyện, đã dừng lại vét túi cho hết 118 quan tiền Pháp. Một chú bán thịt mang đến 25 Kg. Một bà cởi ngay chiếc áo lạnh đang mặc ra tặng. Một chủ gánh xiếc hứa tặng 5 % doanh thu của xuất diễn đêm hôm ấy. Một đoàn công nhân đến báo tin họ sẽ làm thêm giờ trong suốt một tháng để tặng số lương phụ trội. Một kỹ nghệ gia trao ngay cho cha Pierre giấy tờ sở hữu của một khu xưởng lớn đang còn bỏ trống. Một điền chủ tặng luôn 3 mẫu đất ngoại ô gần đấy. Riêng tổng thống Pháp lúc bấy giờ là Auriol thì gửi tặng Nhóm Emmaus 50.000 quan. Những ngày sau đó, người mang đồ cứu trợ đến phải xếp thành hàng dài 800 m trước cửa khách sạn. Nhà ga xe điện d’Orsay tự nhận trách nhiệm làm kho hàng lưu trữ chờ phân phối.
Cha Pierre xúc động rưng rưng nói với mọi người: “Lòng quảng đại, dạ thương yêu của mọi người quả là tràn trề. Nhóm chúng tôi xin 5.000 cái chăn, họ cho 20.000. Cần 1.000 đôi giầy, họ mang đến 50.000 đôi. Phải có ngay 3.000 áo choàng, họ gửi đến 15.000 cái. Trong có 3 tuần lễ, chúng tôi đã nhận được hơn 400 triệu quan. Phía quân đội thì cấp cho chúng tôi nhiều lều bạt và xe vận tải. Còn cảnh sát thì cho xe đi rảo khắp Paris để mời những người ngủ ngoài đường về cho chúng tôi…”
Trong lúc chờ dựng thêm nhà, các nạn nhân ở tạm trong các lều vải và trong những toa xe lửa chở hàng đã phế thải hoặc các xe buýt hư hỏng mà cha mua rẻ hoặc xin về. Nhóm Emmaus dùng thiếc lấy từ các thùng phuy đựng xăng cũ nát để lợp mái. Vì thế, người ta gọi đấy là Khu Cư Xá Hộp Thiếc. Có một số viên chức địa phương khá quan liêu đến bắt lỗi cha đã cho xây dựng trái phép, cha khẳng khái trả lời: “Giấy phép của những người nghèo ấy chính là giấy khai sinh của họ, một thứ giấy chứng nhận quyền được sống !”
Một buổi chiều, một bạn trong Nhóm Emmaus về đưa cho cha Pierre 1.000 quan tiền do anh đã bán được một số giẻ rách, lon hộp sắt vụn ngoài đống rác. Cha liền mừng rỡ giao luôn cho cả nhóm 50 cái bao tải lớn để đi nhặt rác kiếm tiền. Số rác nhặt được tăng vọt, ứ đọng thành một đống khổng lồ. Cha đang lo lắng, chỉ biết cầu nguyện thì lại có người hảo tâm biết chuyện đem đến tặng 250.000 quan để cha có thể mua xe tải chở rác đi bán.
Nhóm Emmaus ngày một đông, những người thiện chí lên đến con số hơn 200. Một số chọn làm thêm công việc sửa xe, đồng hồ, giường trẻ con từ số rác do hơn 100 người chuyên đi móc rác. Gần 100 người còn lại thì chuyên lo xây cất cấp tốc các khu nhà ở tạm.
Cuối năm 1953, cha Pierre đã xin chính phủ giúp cho 1 % trích từ số ngân sách 100 tỷ quan tái thiết địa ốc để cha cho xây thêm những Khu Cư Xá Cấp Tốc, thế nhưng chính phủ đã làm ngơ. Sáng ngày 1.4.1954, cha Pierre được tin có một em bé sơ sinh vừa chết vì lạnh ngay trên tay cha mẹ em, trong một chiếc xe buýt cũ làm nơi ngủ tạm cho gia đình em. Ngay chiều hôm ấy, cha cho đăng lên báo Le Figaro một lá thư gửi ông bộ trưởng Bộ Xây Dựng để mô tả cảnh chết chóc của dân nghèo do cảnh màn trời chiếu đất, đồng thời cha cũng mời luôn ông ta đến dự đám tang em bé xấu số.
Hôm đưa tang, chính ông bộ trưởng đã đến xin cùng Nhóm Emmaus khiêng linh cữu. Ít lâu sau, ông đã vận động được chính phủ duyệt chi số tiền gấp 10 lần số mà cha đã xin trước đây để có thể dựng ngay 12.000 ngôi nhà với vật liệu tốt. Về phần mình, Nhóm Emmaus cũng nhanh chóng hoàn tất 3.000 ngôi nhà rẻ tiền. Từ đây, việc tương trợ và xây dựng lan đi khắp nước Pháp, trở thành phong trào ảnh hưởng đến nhiều nơi trên thế giới.
Khi được dư luận ca ngợi công việc phục vụ bác ái của mình, cha Pierre đã khiêm tốn mà không kém phần dí dỏm châm biếm trả lời các nhà báo: “Thật ra, tôi chỉ như một con bọ chét nhỏ, đã nhẩy lên trên bàn của chính phủ để cắn họ, thúc họ phải bắt tay vào việc.”
GEORGE KENT, báo TIN VUI 8.1968
Nếu Quý Vị thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này !