VUI SỐNG TIN MỪNG

“AI BẢO CHĂN TRÂU LÀ KHỔ ?” – Lm. Quang Uy, DCCT


Rất tiếc là bây giờ chúng ta ít còn được nghe lời hát và giai điệu một bài ca dễ thương của nhạc sĩ Phạm Duy: “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ…”

Cũng một phần vì đời sống người nông dân hiện nay ở miền Nam bắt đầu không còn cần đến con trâu, mà đã có chiếc máy cày thay thế. Họa chăng phải ra đến vùng quê miền Bắc, chúng ta mới còn thấy đôi chỗ hình ảnh quen thuộc của những chú bé mục đồng chăn trâu. Huống chi dân thành phố như tôi, từ bé đến lớn, chưa hề biết đến chuyện nhà nông, thì con trâu chỉ dừng lại ở khái niệm Chú Sửu mộc mạc đứng thứ nhì trong 12 Con Giáp !

Tôi có dịp ra phục vụ ở Bâm, một Xứ Đạo vùng nông thôn bán sơn địa của Giáo Phận Bắc Ninh một thời gian dài. Thế rồi đến Chúa Nhật thứ 4 mùa Phục Sinh năm ấy, Lễ Chúa Chiên Lành, tôi được cha sở mời giảng lễ cho thiếu nhi Giáo Lý.

Đọc trước và suy niệm bài Tin Mừng Ga 10, 11 – 18, tự nhiên tôi liên tưởng một Chúa Giêsu là người Việt Nam, ắt Người sẽ rao giảng như thế này: “Tôi chính là Người-Chăn-Trâu-Nhân-Lành… Tôi biết trâu của tôi, và trâu của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đàn… trâu !”

Tôi chạy vội đi tìm Khanh, chú bé giúp lễ đã khá quen thân với tôi trong những ngày qua và xin “thụ giáo” về nghề chăn trâu của chú. Chiều hôm ấy, trước một đám đông trẻ em dễ đến cả ngàn mái đầu khét lẹt vì cháy nắng, tôi biết tôi sắp giảng cho những đứa bé chăn trâu chính cống và thành thạo.

Ngay lúc ấy, Chúa Thánh Thần mở miệng tôi: “Các con thân mến, cha xin tự giới thiệu: cha cũng là một “Người-Chăn-Trâu”, y như các con đang là những chú bé, cô bé chăn trâu ở vùng quê này, mặc dù cha sinh ra ở Sàigòn, cha chẳng biết chăn trâu như thế nào !” Các em ồ lên cười thích thú và tò mò chờ đợi…

Bài giảng hôm ấy phải nói là thành công ngoài sự tiên liệu. Tôi muốn nói thành công ở đây là thành công về mặt trình bày Lời Chúa đến với đối tượng người nghe là trẻ em vùng nông thôn, lại là nông thôn ở miền Bắc ít được học hành đến nơi đến chốn, Giáo Lý gần như hầu hết lại chỉ mới ở mức độ Hỏi – Thưa theo sách Bổn cũ kỹ từ mấy chục năm về trước !

Các em dễ dàng đón nhận ngay ý tưởng sâu xa mà gần gũi của Chúa Giêsu thông qua những chuyện thường ngày của trẻ chăn trâu: bờ cỏ ngon, mương nước mát, cái sợi chạc được xỏ vào mũi trâu, cái mõ đeo ở cổ trâu và tiếng “Nghé ọ” mà các chú bé giả giọng trâu mẹ để gọi những chú nghé ham vui bỏ đàn, lại còn chuyện chăn trâu thì phải biết giữ trâu không cho phá lúa của người ta, biết dắt trâu đi tắm, biết chọn chỗ cho trâu đầm vào mùa hạn, biết bắt bọ, bắt rận và nhổ những con đỉa hút máu trâu…

 Cuối bài giảng, khi tôi hỏi: “Trong số các con ở đây, ai muốn lớn lên sẽ trở thành Linh Mục, trở thành Người-Chăn-Trâu của Chúa ?” Có rất nhiều em giơ tay, đặc biệt có cả một… bé gái 8 tuổi mặt mũi dễ thương ngoan ngoãn !

Tôi thầm cầu nguyện cho em mai này sẽ là một Nữ Tu tận tụy nhiệt thành trong công việc phục vụ khiêm tốn. Tại sao không nhỉ ? Một Nữ Tu cũng cộng tác vào việc chăn dắt “đàn trâu Việt Nam” với các vị Giám Mục và Linh Mục được quá đi chứ ?

Đến đây, tôi xực nhớ, có lần chính Đức Cha của Giáo Phận khoe với tôi: “Cha có biết không, ngày xưa con cũng đã từng vừa chăn trâu vừa học bài Giáo Lý… “ Ước gì tất cả các vị Giám Mục, Linh Mục đều nhận ra mình đã từng là và vẫn còn đang là những “Người-Chăn-Trâu” Việt Nam.

Lm. Giuse LÊ QUANG UY, DCCT, Chúa Nhật 14.5.2000

Nếu Quý Vị thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này !

Có 1 phản hồi

  • Một sự “hội nhập văn hóa” rất dễ thương, tự nhiên, dí dỏm! Chăn trâu, ôi, hay!!!

Gửi phản hồi

Người đăng tin

Lm. Giuse Lê Quang Uy, DCCT

Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế