VĂN HÓA XÃ HỘI

ĐỪNG KHÓC CHO PARIS – HÃY KHÓC CHO CHÍNH CHÚNG TA !

Nhà thờ Đức bà Paris chìm trong lửa. Ảnh: AP.

Nhà Thờ Đức Bà Paris chìm trong lửa

Thế là Nhà Thờ Đức Bà Paris đã cháy. Thị trưởng thủ đô Paris Anne Hidalgo gọi đây là “một đám cháy tồi tệ” vì nó đã thiêu trụi một biểu tượng của tôn giáo, kinh tế, văn hóa của Châu Âu đã tồn tại suốt 856 năm qua.

Khoảng 18g50 phút hôm qua theo giờ Paris ( khoảng 0g20 phút ngày 16.4.2019 theo giờ Hà Nội ), một đám cháy đã bắt đầu từ bên trong Nhà Thờ Đức Bà Paris. Đám cháy hôm qua đã nhanh chóng bùng phát và thiêu trụi biểu tượng của Paris chỉ trong bốn giờ đồng hồ.

Sử liệu còn ghi, Nhà Thờ được khởi công vào năm 1163 trước sự có mặt của Giáo Hoàng Alexander III ( vị Giáo Hoàng thứ 170 ) và vua Louis VII và hoàn thành năm 1350. Trải qua thời gian và nhiều cuộc chiến tranh của loài người, Nhà Thờ Đức Bà Paris đã trở thành một biểu tượng của tôn giáo, văn hóa, kinh tế, kiến trúc… Nó còn trở nên vĩnh cửu trong tâm trí nhân loại khi trở thành bối cảnh của cuốn sách “Thằng gù ở Nhà Thờ Đức Bà” của Victor Hugo viết vào năm 1831 – nơi kẻ xấu xí Quasimodo ôm xác người đàn bà Esmeralda mà chết trong hầm mộ của chính Nhà Thờ này.

Rất may là đám cháy chiều qua đã không có thiệt hại về người và trong những tuyên bố đầu tiên do chính quyền phát hành ra, người ta đã loại trừ nguyên nhân khủng bố.

Nhiều người khi nhìn Nhà Thờ cháy đã than khóc rằng “Paris sẽ không còn là Paris khi mất đi Nhà Thờ Đức bà”. Người ta tiếc thương và rơi lệ vì những thứ tưởng chừng bất biến, một điều một biểu tượng cho một nền kinh tế, tôn giáo của Châu Âu lụi tàn trong biển lửa.

Anh Hoàng Tuấn Long – Một hướng dẫn viên người Việt vô cùng quen thuộc với Paris nói: “Như vậy Nhà Thờ Đức bà Paris sẽ đóng cửa ít nhất là ba năm. Người Pháp sẽ phục hồi nó rất tốt”.

Trong bài phát biểu lúc nửa đêm, Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng “Đã tránh được điều tồi tệ nhất. Các cấu trúc bên ngoài đã được được cứu và Nhà Thờ sẽ được xây dựng lại”. Một tỷ phú người Pháp, ông Francois-Henri Pinault, cam kết sẽ đóng góp 100 triệu euro ( khoảng 113 triệu đôla ) cho “nỗ lực cần thiết để xây dựng lại hoàn toàn” Nhà Thờ Đức Bà Paris.

Chắc chắn sẽ còn nhiều bàn tay trách nhiệm sẽ cùng người Paris dựng lại biểu tượng của Châu Âu này. Với những gì người Pháp đã làm với các công trình xây dựng trên khắp thế giới trong nhiều thế kỷ qua thì chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng và nở nụ cười vì Nhà Thờ Đức bà Paris sẽ được xây dựng lại.

Thế nhưng đừng khóc cho Paris, hãy khóc cho chúng ta…

Tại sao thế ? Bởi, chỉ cách đây ít ngày thôi, người ta dùng xe cuốc tàn phá bờ kè hộ thành nguyên gốc của hào nước bao bọc quanh kinh thành Huế để xây dựng mới bằng bê tông cốt thép. Kè hộ thành này được xây dựng từ năm 1832 theo kỹ thuật xếp đá khan, hoàn toàn không dùng vữa.

Di tích hộ thành hào được tu bổ bằng xe cuốc. Nhiều viên đá nguyên gốc đã bị vứt bỏ qua một bên. Ảnh: Minh Tự/tuoitre.vn
Di tích hộ thành hào được tu bổ bằng xe cuốc
Nhiều viên đá nguyên gốc đã bị vứt bỏ qua một bên

Theo báo Tuổi Trẻ: “Khi chúng tôi đến hiện trường vào đầu tháng 3 năm 2019, vẫn còn một đoạn bờ kè chưa phá dỡ ở gần Nam Minh Đài, hình hài khá nguyên vẹn với những viên đá núi (dân gian thường gọi là đá gan gà) xếp đều đặn, vài chỗ có những viên đá bị rơi xuống hào nước, vài chỗ bờ kè bị sụt lún.

Một tuần sau quay lại, chiếc xe cuốc đang xúc bỏ toàn bộ phần bờ kè đó. Dưới chiếc cần cuốc là những viên đá gan gà của gần hai thế kỷ trước nằm chỏng chơ.

Sau khi phá dỡ hoàn toàn kè đá, đơn vị thi công đã xây dựng mới một bờ kè hình thang, bằng đá granit, ống nhựa, vữa ximăng, phần chân móng đúc bêtông cốt thép, phần mặt ngoài kè có dán một số viên đá gan gà nguyên gốc pha lẫn đá mới” ( báo Tuổi Trẻ, bài “Choáng váng với dự án tu bổ di tích kinh thành Huế”, đăng tải lúc 6g57, ngày 11.4.2019 ).

… Và đừng than khóc cho Paris, hãy than khóc cho chính chúng ta. Bởi rừng thông và sa mộc ở Yên Minh, Hà Giang bị tàn phá để…làm du lịch.

Rừng thông, sa mộc trên địa bàn xã Lao Và Chải, huyện Yên Minh nằm trong vùng lõi khu vực bảo tồn Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Xã Lao Và Chải nằm trong khu vực quy hoạch xây dựng Công viên địa sinh học gồm: Khu Bảo tồn thiên nhiên Du Già, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Đại Sơn, Khu vực sinh thái thuộc các xã Na Khê, Lao Và Chải, Tùng Vài. Hạt nhân là Công viên đa dạng sinh học Du Già, tại khu trung tâm của khu bảo tồn. Theo quy định, không xây dựng mới tại vùng lõi. Hạn chế xây dựng mới tại vùng đệm, chỉ ưu tiên xây dựng các công trình phục vụ nghiên cứu khoa học, quốc phòng an ninh và hạ tầng xã hội thiết yếu. Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 7.4.2017 tại quyết định số 438/QĐ-TTg.

Thêm một lần nữa, hãy than khóc cho chính chúng ta. Bởi đình cổ Lương Xá (xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) – Ngôi đình cổ tuyệt đẹp của xứ Đoài được xây dựng từ thế kỷ 17 đã bị phá bỏ để thay thế bằng bê tông cốt thép. Và một trong những biểu tượng của Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm, giờ đây không còn rùa nữa.

Hơn nữa, Nhà thờ Đức bà Paris chỉ là một điểm đến của nước Pháp hàng năm thu hút 12 triệu khách du lịch. Trong khi đó, theo công bố của chính thức, năm 2018, du lịch Việt Nam ước đón khoảng 15,6 triêu lượt khách quốc tế ( tăng hơn 2,7 triệu lượt khách so với năm 2017 ).

Đừng khóc cho Paris… hãy khóc cho chính chúng ta !

16.4.2019

Nếu Quý Vị thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này !

Gửi phản hồi

Người đăng tin

Lm. Giuse Lê Quang Uy, DCCT

Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế