VĂN HÓA XÃ HỘI

CÁI SẮN QUÊ TÔI…


Năm 1954, Ông Diệm đưa hơn 2 triệu người Công Giáo di cư vào Nam, định cư ở các vùng Gia Kiệm, Gò Vấp, Đồng Tâm và Cái Sắn. Từ ngã ba Lộ Tẻ, theo con lộ Cái Sắn đi về hướng Kiên Giang khoảng hai ba chục cây số là tới Cái Sắn, quê tôi.

Cả một vùng đất bao la, trù phú, cò bay thẳng cánh. Nếu lấy trung tâm là kênh Tân Hiệp còn gọi là kênh Zêrô đi về phía Kiên Giang lần lượt là các kênh 1-2-3-4-5-6-7-8. Trở về phía Lộ Tẻ lần lượt là các kênh A-B-C-D-E-F-G-H, còn có các kênh Thầy Ký, Bờ Bao, Rivera. Nhưng tôi không rành. Mỗi kênh cách nhau khoảng 1,5 tới 2 cây số, tính sơ sơ cũng tầm 30 cây số chiều dài, chiều rộng thì cũng khoảng 20 cây, giáp tới con lộ từ An Giang đi Thoại Sơn, Ba Thê, Núi Tượng. Cả một vùng rộng lớn.

Ông Diệm trưng thu của các tay địa chủ, cấp phát cho dân, tới tận bây giờ, vẫn còn những địa danh mang tên những tay địa chủ đó, như kênh ông Cò, giáp với kênh H, nghe đâu tên là Misen, một tay cò người Pháp.

Cứ một gia đình được cấp 30.000m2 đất, dân tôi gọi là một lô đất, lương thực, cây cối làm nhà, nói chung nhiều thứ lắm. Chẳng thế mà cho đến bây giờ, trải qua bao biến thiên của thời cuộc, dân “54” như cái cách người ta gọi chúng tôi, vẫn nhớ ơn Ông Diệm…

Lúc bấy giờ nông dân ở đây chỉ trồng một vụ lúa mùa, có hai giống chính là Nàng Tây và Nàng Tri, thời gian sinh trưởng dài, khoảng 6 tháng, vào tháng 4, tháng 5, khi mưa đã nhiều, người nông dân bắt đầu gieo hạt, tiếng địa phương gọi là xạ lúa. Đất thì đã cày bừa, chuẩn bị từ sau vụ thu hoạch mùa trước, qua ba bốn tháng phơi nắng, gặp mưa ải tơi.

Người xạ lúa, đeo thúng lúa giống trước ngực, được buộc bằng một chiếc khăn chàng, hay một sợi dây to bản, choàng qua vai, cứ mỗi bước, lại nắm một nắm lúa quăng ra trước mặt, cái khó là phải điều khiển các ngón tay làm sao, cho lúa bung ra thật đều, để khi mọc lên, không có chỗ nào dầy quá hoặc thưa quá…

Xong cũng không phải chăm sóc gì nhiều, chỉ làm cỏ sơ sơ, khi lúa được tầm ba tháng, đã phủ kín đất, nước lũ sắp về, người nông dân mới bón phân, để cây lúa có sức ngoi lên theo nước, giống này rất lạ, nước lên tới đâu, nó ngoi theo tới đó, lúc nào cũng vươn trên mặt nước ba bốn tấc, chỉ trừ những năm nước lên nhanh và quá to như năm 78, nó mới không theo kịp, chứ nước tầm 1,5 mét trở lại, nó theo ngon ơ.

Hằng năm cứ khoảng tháng 7, tháng 8 là nước bắt đầu tràn đồng, nhờ có Biển Hồ Campuchia, đóng vai trò điều tiết, mà đồng bằng sông Cửu Long, nước lên từ từ, chứ không ồ ạt, dữ dội như miền Trung. Tầm nửa tháng 9 là nước ”phân đồng” nghĩa là nước không lên nữa, nước “cầm đồng” rồi từ từ rút.

Khoảng thời gian này cá tôm theo nước tràn về nhiều vô kể. Lúc này sướng nhất là đi câu cá, hai ba đứa rủ nhau, chống xuồng ra ruộng, kiếm chỗ nào lúa tốt tốt một chút, bắt nhện làm mồi câu, bọn nhện hay lựa những đám lúa tốt, quấn lá lại làm tổ, cứ ngắt ngang lá lúa, mở ra là có ngay một chú nhện béo ngậy, làm mồi câu cá Rô, nhậy vô cùng. Câu được kha khá rồi, thì kiếm bông điên điển, hoặc bông súng dại, đem về nấu nồi canh chua, dằm chén mắm ớt thật cay, ôi… nhớ lắm!

Rồi khi lúa có đòng đòng, bọn tôi hay trốn người lớn, chống xuồng đi ăn, đòng đòng lúc này còn non, nhìn giống như cái quản bút của học trò ngày xưa, mới dài độ nửa gang tay, nó ngọt lịm mà thơm mát… Ôi ! Khó tả lắm…

Khoảng tháng 12 nước bắt đầu rút, cá tôm ở các cánh đồng, theo nước di cư ra các kênh rạch, lúc này mới thấy câu “cá lội tanh nước” cũng không cường điệu chút nào… Cá “đi” cũng rất trật tự, giống nào đi theo giống đó, rặt một loại, họa hoằn lắm mới lộn vào một vài con loài khác. Bắt đầu là các loại cá trắng, tôm tép, sức chịu đựng kém, không chịu được “mùa nước thối”, lúc này lúa sắp chín, phần thân ngâm nước lâu ngày đã mục phần lá, cộng thêm cỏ rác, rong rêu mục, vì đã xong một chu kỳ sinh trưởng, tất cả tạo nên một màu như màu nước chè, hơi khó ngửi !

Nông dân bỗng hoá thành ngư dân, nào chài, nào lưới, nhưng bắt được nhiều cá nhất phải kể đến “vó”. Vó như một cái chài lộn ngược lại, buộc vào bốn cây tre, gọi là gọng vó, mỗi bề khoảng tám thước, thả chìm xuống dòng kênh, nối với một hệ thống như kiểu đòn bẩy, người ta thường dựng một cái chòi sát bờ sông để kéo vó, gọi là lều vó, nó có nhiệm vụ che mưa nắng, làm chỗ ngả lưng tạm. Lúc cá chạy nhiều mỗi mẻ kéo có cả thúng cá, nhiều nhất là cá Linh, đi trước tiên, rồi đến Chày Dinh, Cá Dãnh. Các loại cá đen ra sau: Cá Lóc, Rô, Trê. Mỗi loại ngon một kiểu khác nhau.

Lúc này phải huy động hết mọi người, nào làm Mắm, làm khô để dành, lại lựa những loại dễ nuôi, thả vào ao nuôi để dành, thường là cá Ét, Mè Hôi, Chày Dinh, vài con cá Hô, thứ này không thả nhiều được, nó ăn cá con khiếp lắm, nhưng được cái thịt ngon, to xác, có con cả chục ký ! Lúc có khách bắt một con đãi là hoành tráng luôn !

Sắp tới mùa gặt, Ai đã từng ở đây chắc không quên được mùi cốm. Thường thì nhà nào cũng có một hai công lúa nếp, lúc này chưa chín, mới ương ương, những hạt sát trong cuống vẫn còn ngậm sữa. Mọi người cắt về từng bó, phải tuốt từng bông, nó chưa chín hẳn, rất dai.

Đêm trăng sáng, bày ra sân, bọn con gái tuốt lúa, các mẹ, các chị rang, mấy thằng choai choai lãnh nhiệm vụ giã cốm ! Được mẻ nào thanh toán mẻ đó, nóng hôi hổi. Tôi thích cốm dẹt, nó ngọt, dịu, thanh, hoà quyện vào nhau, bùi bùi. Ngon miễn chê !

Hương Cốm dìu dịu, thoang thoảng trong gió, trăng sáng trên cao, xuyên qua mấy cành tre, nhảy múa trên khoảng sân trước nhà, lũ trẻ nô đùa… yên bình, thơ mộng, bây giờ đã trở thành dĩ vãng… Nhớ !

Cuối tháng 12, mùa gặt đến, trời se lạnh, mọi người ra đồng rất sớm, chưa tỏ mặt người đã đi rồi, tiếng người í ới gọi nhau qua màn sương mỏng, tiếng bước chân bì bõm lội qua những vũng nước còn sót lại. Ai cũng phải quần áo dài tay, khăn rằn bịt mặt chỉ chừa hai con mắt, không thì bọ, muỗi nó bu nó đốt, không làm gì được, sau khi nhận công cắt, mọi thứ bỗng yên ắng, chỉ còn nghe tiếng liềm cắt lúa xoèn xoẹt, xoèn xoẹt…

Khoảng 8, 9 giờ mặt trời đã lên khỏi ngọn tre, mọi người nghỉ tay, ăn cơm, uống nước, rồi lại hối hả bắt tay vào việc… Nếu cắt nhanh, một người một ngày cắt được một công ( 1.296 m2 )
Mùa gặt kéo dài tầm một tháng, cắt xong, người ta phơi nắng hai ba ngày cho lúa khô, xong dùng trâu bò đem lúa về, gọi là “cộ lúa”.

Nhà nào cũng có một khoảng sân rộng, đường kính tới mười mấy mét, gọi là sân lúa, lúa cộ về người ta chất đống lên, nhìn như một quả núi nho nhỏ… Khi mọi người cộ lúa về đã tương đối, sẽ có máy cày vô “đạp lúa”. Trước tiên mọi người dùng “mỏ sảy” bồ cào, những nông cụ chuyên biệt, bây giờ không còn thấy, đem lúa ra rải quanh sân, tạo thành vòng tròn, để máy cày chạy trên đấy, dùng sức nặng tách lúa ra khỏi rơm. Xong bây giờ chỉ còn phải đem lúa vào bồ nữa là có thể yên tâm ăn Tết rồi.

Qua Tết mọi người cày ruộng chuẩn bị cho vụ sau, thế là hết một năm.

Cuộc sống cứ thế chầm chậm trôi, yên bình, mộc mạc…

Nguồn: NGUYỄN THẾ TRUYỀN
Ảnh: ĐINH TIẾN KHÔI

Nếu Quý Vị thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này !

Có 1 phản hồi

  • Chào Bạn,

    Cho Tôi hỏi thăm : Tôi không nghe nói gì về Nhà thờ và trường Sao Mai ở kênh D. Bây giờ ra sao? Tôi nhớ Linh mục Nguyễn Đức Do làm cha chính xứ ở đó. Mong tin, cám ơn.

Gửi phản hồi

Người đăng tin

Lm. Giuse Lê Quang Uy, DCCT

Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế