NGHIỆM SINH GIỮA ĐỜI

THƯƠNG XÓT VÀ THA THỨ


Sau Thế Chiến thứ hai ( 1939 – 1945 ), với những vết sẹo trên thân thể, tàn tích của những khổ hình trong trại tập trung Đức Quốc Xã, bà Coritanbun đã đi khắp Âu Châu rao giảng về sự tha thứ.

Cho đến một Chúa Nhật nọ, sau bài diễn thuyết kêu gọi tha thứ từ một Nhà Thờ của thành phố Munich, nước Đức, bà bước ra ngoài và đối diện với một khuôn mặt quen thuộc. Đó chính là người lính đã hành hạ bà và hàng ngàn nữ tù nhân khác. Những tiếng khóc ai oán, những cảnh tra tấn, những tiếng kêu trả thù sống lại trong tâm trí bà.

Lúc ấy, người đàn ông tiến lại khiêm tốn đưa tay ra vừa muốn bắt tay bà vừa nói: “Thưa bà, tôi rất cảm ơn những lời tốt đẹp của bà. Xin bà tha thứ cho tôi”.

Bà Coritanbun như chết điếng người, vì trước đây bà đã cầu nguyện và quyết tâm tha thứ thật sự, nhưng nay đối diện với con người cụ thể đã tra tấn mình, bà đứng lặng im, không thể nào đưa tay ra…

Sau này, năm 1971, kể lại biến cố ấy trong tập sách “Nơi Ẩn Trốn”, bà cho biết: “Trong giây phút lặng người đó, tôi đã dâng lên Chúa lời nguyện này: “Lạy Chúa, Chúa biết con chưa thể tha thứ. Xin hãy ban cho con tâm tình của Chúa để con có thể làm như Chúa”.

Cũng chính lúc đó, bà hiểu rằng, con người chỉ có thể thương xót và tha thứ cho tha nhân khi bản thân nhìn nhận lòng xót thương và sự tha thứ của Thiên Chúa đối với chính mình.

Từ một bài suy niệm của Lm. MINH ANH, Huế

Nếu Quý Vị thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này !

Gửi phản hồi

Người đăng tin

Lm. Giuse Lê Quang Uy, DCCT

Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế