NGHIỆM SINH GIỮA ĐỜI

Ký sự từ nước Pháp – Bài 5. Taizé

 

Taizé 4

TAIZE ( SAONE ET LOIRE ) : VEILLEE DE PRIERE DANS L'EGLISE DE LA RECONCILIATION AVEC LES FRERES DE LA COMMUNAUTE. PENDANT UNE SESSION D'ETE ORGANISEE AVEC DES JEUNES DE 15-25 ANS VENUS DE 8 PAYS D'EUROPE.

Taize 3
Taize 1Thay Roger Schultz

Thầy Roger Schultz ( 1915 – 2005 ),
Đấng sáng lập Cộng Đoàn Taizé

Lâu lắm rồi, có lẽ cũng phải gần ba mươi năm trước, khi tôi còn rất trẻ, các Giáo Lý Viên đàn anh đàn chị đã kể cho nghe về Taizé, đã cho xem những tập ảnh đen trắng hiếm hoi về một cộng đoàn cầu nguyện hết sức lạ lùng dành cho Giới Trẻ ở tận bên nước Pháp xa xôi cách trở.

Dạo ấy, bên mình đang còn phải ăn độn bo bo, lo bị gọi nghĩa vụ quân sự và đi vùng kinh tế mới, làm gì mà dám nghĩ đến chuyện được sang Tây, nếu không phải là… vượt biên hoặc đi theo diện đoàn tụ ? Cho nên Taizé là một ước mơ hoàn toàn ngoài tầm với, thôi thì cứ việc tưởng tượng, ai cấm nào ?

Đến khi vào tu DCCT, được nghe băng cassette thâu lại các bài Thánh Ca của Taizé, tôi đã hát theo được rất nhanh những bài tuyệt vời như “Jesus, remember me…”, “Laudate Dominum…”, “Magnificat..” Thể loại nguyện ca ngắn này đã định hướng cho tôi sáng tác được khá nhiều bài ý lực Tin Mừng và Thánh Vịnh.

Thế rồi năm 2001, thật bất ngờ tôi được Chúa cho “vạn hành” sang Pháp, tiếc quá, rơi đúng vào mùa đông, lại không có ai quen rảnh rỗi để đưa về Taizé, đành chịu. Lần này, năm 2007, cũng đã sắp tới ngày về lại Việt Nam, thì có mấy đôi vợ chồng bạn học cũ người Phật Giáo, sinh sống tại Le Creusot, cách Taizé bảy tám chục cây số, đề nghị nhóm bạn ở Paris lái xe đưa tôi về họp mặt liên hoan, sẵn tiện cho tôi tạt qua thăm Taizé ! Trời ơi, thế thì còn gì bằng ! Cơ duyên hạnh ngộ hay sao ấy nhỉ ?

Sáng sớm thứ bảy, xe chúng tôi bắt đầu “vạn hành” từ Paris, xuôi xuống miền Nam mấy trăm cây số. Nghĩ mà buồn, quốc lộ bên mình bị mấy ông cán bộ PMU tham nhũng kinh quá, nguy cơ tai nạn luôn rình rập, ngồi xe mà cứ lo nơm nớp. Còn bên này tốc độ trên Autoroute cho phép chạy tới 130km/h, chất lượng đường quá tốt, êm ru, chạy một lúc là có thể lim dim ngủ. Chúng tôi ăn bữa trưa với gia đình bạn bè ở Le Creusot, nghỉ một chút, đến 4 giờ chiều thì đi Taizé.

Taizé thật ra chỉ là một ngôi làng bé nhỏ gần 200 dân, ở miền quê Saône-et-Loire, thuộc vùng Bourgogne, nước Pháp, có đồi, có suối, có những vạt đồng cỏ xanh, có hoa lá cỏ cây hiền hòa, với những ngôi nhà mái ngói cũ kỹ, nằm ngoan ngoãn bên những hương lộ xinh xắn. Xe chúng tôi leo lên mấy con dốc, quanh co uốn lượn mấy vòng thì thấy mình được niềm nở đón tiếp bằng.. năm quả chuông lớn nhỏ, treo ngay trên khung cổng vào của “Communauté de Taizé”.

Chúng tôi đậu xe vào bãi rồi bắt đầu lang thang rảo quanh. Ồ, bên trong “làng” là cả một thế giới sinh động của các bạn trẻ, nhộn nhịp mà không ồn ào, rất phóng khoáng mà vẫn nề nếp chừng mực. Trong một hội trường được làm bằng gỗ mộc mạc, chúng tôi thoáng nhìn thấy mấy khuôn mặt Á Đông, tìm đến hỏi thăm bằng tiếng Pháp, không ngờ được trả lời bằng tiếng Việt chính cống.

Thì ra đây là bốn tình nguyện viên Việt Nam được cử sang đây phục vụ nội trú trong ba tháng liền: hai thầy Phó Tế Long và Dũng của Giáo Phận Hà Nội, hai bạn trẻ là Phước ở Giáo Xứ Tống Viết Bường và cô bé Khanh, ca đoàn Dominique ở Nhà Thờ Regina Mundi, Sàigòn, toàn là chỗ thân quen, không nhận ra nhau ngay chỉ vì không ngờ !

Gặp người quen nên tôi nảy ra ý xin đăng ký xin đột xuất ở lại Taizé một ngày đêm. Hình như người ta có thiện cảm đặc biệt với Việt Nam, nên mọi sự diễn tiến tốt đẹp, tôi đi nhận phòng ở khu nhà El Abiodh. Sau đó thầy Long đưa cả nhóm đi một vòng thăm các Nhà Nguyện của các anh em thuộc Giáo Hội Cải Cách, Chính Thống và Công Giáo, nơi đâu chúng tôi cũng bắt gặp những bạn trẻ ngồi một mình hoặc thành nhóm nhỏ, đắm chìm trong sự thinh lặng. Bầu khí chung quanh hoàn toàn tĩnh mịch bình an, ánh đèn vàng vừa phải và ấm áp, cách trang trí đơn sơ mà ấn tượng, ở các góc phòng là các icônes Chúa Giêsu và Đức Mẹ theo phong cách cổ.

Chúng tôi cũng ghé vào khu trưng bày và bán hàng lưu niệm. Các thầy Taizé tự sản xuất bằng tay, không có ý bán để kinh doanh nhưng dành tất cả để giúp người nghèo. Các bạn Phật Giáo của tôi tỏ ra kính phục và trân trọng lắm, đã mua tặng tôi đem về Việt Nam một bộ chén và đĩa Thánh bằng đất sét tráng men thô mộc, rất bình dị và gần gũi với người Á Đông mình, không xa lạ theo kiểu chén đĩa Thánh Roma, chạm trổ và mạ vàng mạ bạc sáng chói, lại cẩn thêm ngọc quý, giá hàng mấy triệu bạc như người ta thường mua tặng các Linh Mục !

Ngoài sân, vẫn không ngừng có thêm nhiều chuyến xe car lớn đổ về Taizé. Ngày xưa tôi nghe kể các bạn trẻ khắp Tây Âu, Bắc Âu và Nam Âu, đặc biệt vào dịp hè, đã hành hương về Taizé. Từng tốp, từng nhóm nhỏ các bạn dành dụm tiền làm thêm ngoài giờ đi học để đi chuyến xe lửa chặng đầu tiên đến một ngôi làng nào đấy. Các bạn trình thẻ sinh viên với cha xứ địa phương, xin một chỗ cắm trại qua đêm trong sân Nhà Thờ, lại xin một công việc “giúp ích” nào đấy theo kiểu Hướng Đạo, như đánh giầy, rửa xe, sửa hàng rào, rẫy cỏ, vắt sữa bò, hái nho, hái táo… vừa đủ tiền mấy hôm sau đón xe lửa đi tiếp một chặng nữa, còn bánh mì và súp nóng thì bà con tại chỗ, thường là các nông dân tốt bụng, chẳng ai tính toán tiền bạc làm gì với bọn trẻ dễ thương đáng tuổi con cái mình…

Cứ thế các bạn cùng nhau tiến dần đến đích, cũng có chặng phải chia nhau xin “quá giang” một chuyến phà, đáp một chuyến xe tải, hoặc ké xe hơi, thậm chí sẵn sàng cuốc bộ, miễn là không làm gánh nặng cho bất cứ ai, dứt khoát chỉ “vạn hành” bằng chính nỗ lực và khả năng tự thân, cứ coi như một trò thể thao, mà lại đúng cái kiểu máu nóng của người trẻ.

Nay thì cánh trẻ về Hành Hương đông nhất lại là dân Đông Âu. Sau mấy chục năm bị o ép bên kia bức màn sắt, nỗi khao khát tâm linh trở thành một lẽ sống, một nhu cầu bức thiết, một thứ quyền thêng liêng: phải được gặp gỡ nhau và gặp gỡ Thiên Chúa. Cánh này vốn quen khổ nên bây giờ có phải đi xa vất vả và tốn kém đến đâu cũng chẳng ăn thua gì.

Lại nữa, các thầy ở Cộng Đoàn Taizé rất muốn nơi đây hội ngộ không chỉ giới trẻ Châu Âu mà còn cả các châu lục khác. Cánh Châu Mỹ tuy xa xôi nhưng dẫu sao phương tiện và điều kiện đến được Taizé cũng không khó lắm. Cánh Châu Phi và Châu Á nghèo quá, lại cách trở vời vợi, làm sao đây ? Đương nhiên những bạn Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc đang du học hoặc đã nhập tịch Pháp, sống ngay trên đất Pháp, nói tiếng Pháp điệu nghệ không thua gì Tây thì vẫn có thể góp mặt tại Taizé.

Nhưng mặt khác, đối với các bạn trẻ ở các nước Á Phi nghèo, không có khả năng trả cả ngàn Euros cả đi lẫn về, ban tổ chức Taizé vẫn có cách để mời cho bằng được hằng năm một số không ít bạn sang đây nội trú để phục vụ thiện nguyện trong ba tháng hè cao điểm. Chỉ đi loanh quanh một chút mà tôi đã làm quen được với nhiều bạn Thái Lan, Myanmar, Kampuchia, Lào, Tây Tạng, Mông Cổ…

Vui quá ! Tứ hải giai huynh đệ trong đại gia đình của Anh Cả Giê-su. Tự nhiên một ông cha Dòng gần năm mươi tuổi như tôi thấy mình như trẻ hẳn ra, mới chân ướt chân ráo đến Taizé lần đầu, bị cuốn hút vào bầu khí và cung cách rất trẻ trung năng động và vui tươi.

Chỗ này một nhóm bạn Lào đang tập tiết mục múa cây nhà lá vườn. Chỗ kia năm sáu cô gái tóc hoe vàng của Bắc Âu đeo tạp-dề đang đẩy những cán chổi dài để lau nhà. Chỗ khác nữa khoảng một chục bạn da trắng da đen quây lại ngồi với nhau trên mấy súc gỗ để chia sẻ Lời Chúa một cách say sưa. Chỉ riêng trong khu bếp ăn của nhà El Abiodh thấy có ba bạn đang tíu tít chuẩn bị bữa ăn thì đã là ba quốc tịch khác nhau, tôi vừa mới hỏi thăm xong đã lẫn lộn quên mất ngay vì đó là những xứ sở rất xa, rất lạ !

Ngoài bãi cỏ mênh mông cạnh khu đậu xe, một bọn thiếu niên chắc chỉ mới 15, 16 là cùng, đang quần thảo một quả bóng, cười cười nói nói, la hét với đủ thứ giọng, không ai giống ai mà hình như vẫn cứ hiểu nhau tất tần tật. Tôi nói đùa bằng tiếng Pháp với một bạn trẻ Congo mới làm quen, rằng đấy là hai đội bóng… Liên Hiệp Quốc !

Mà nào có phải ở Taizé đang có đại nhạc hội rap, break dance hay hard rock, thi đấu giải rugby quốc tế hay biểu diễn moto Harley Davidson đâu ! Tất cả đến đây là để tìm cầu nguyện và… thinh lặng ( la prière et le silence ), đúng như “tuyên ngôn” của Cộng Đoàn Taizé ghi trong tờ bướm phát cho khách ngay khi họ đăng ký ở lại.

Cho nên, đừng vội ngộ nhận, thấy ồn ào vui nhộn như vậy, nhưng đến khi mấy quả chuông ngan vang báo hiệu giờ cầu nguyện buổi chiều lúc 20g30, mọi người như dịu xuống, lắng hẳn đi, sắp xếp cho xong các việc đang làm dở, ngưng ngay các sinh hoạt đang sôi nổi, để rồi từ mọi ngả, chậm rãi nhẹ bước hướng về Nhà Thờ Trung Tâm.

Chiều nay, thứ bảy 15 tháng 9, lịch ghi rõ: cầu nguyện có thắp nến Phục Sinh ( prière du soir, avec les bougies symbolisant la lumière pascale ), và đương nhiên là có hát rất nhiều các bài nguyện ca Taizé theo phong cách Taizé.

Tôi và mấy người bạn thân Phật Giáo cũng tìm được chỗ trong lòng Nhà Thờ rộng mênh mông có thể chứa được mấy ngàn người. Kiến trúc gần như không bị vướng cột nhờ theo dạng kết cấu vòm chịu lực hiện đại, lại không xếp các dãy ghế và bàn quỳ, người ta có thể ngồi bệt xuống thảm trải nền nhà màu đỏ, cũng có thể tìm được một bục gỗ thông nho nhỏ để vừa ngồi xếp bằng vừa quỳ mà không sợ tê chân.

Các sư huynh Cộng Đoàn Taizé, già trẻ cũng đến gần 100 người, trong chiếc áo thụng trắng ngà bằng loại vải dệt thô mộc mạc của người nghèo, tiến ra ngồi ở khoảng giữa Nhà Thờ. Có một thầy ngồi vào đàn Grand Orgue trên cao, một thầy khác ngồi vào chiếc đàn organ điện có thể chơi tiếng guitare hoặc piano, hoặc clavecin, thanh âm rất trẻ, vui tươi mà vẫn giữ được bầu khí cầu nguyện thanh thoát lẫn trầm lắng.

Đèn trong Nhà Thờ chỉ vừa đủ để nhìn được bài hát. Có mấy tấm bảng điện tử để báo số trang sách hát. Chẳng cần người hướng dẫn, đàn dạo thật nhẹ là cùng nhau cất tiếng hát.

Bài soạn rất đơn giản, dễ thuộc, dù là hòa âm 3, 4 bè, có khi là đối âm hoặc canon đuổi nhau, chỉ nghe nhau một tý là hát được ngay, lời rất ngắn, lập đi lập lại có khi đến hai chục lần câu điệp khúc, trong khi một giọng ténor hoặc soprano đan xen vào, trầm bổng những câu phiên khúc, thường là Thánh Vịnh, hoặc Halleluya, hoặc Kyrie Eleison.

Tất cả được soạn bằng nhiều ngôn ngữ: Latin, Pháp, Anh, Ý, Nga, Ba Lan, Slovenia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… Thoáng nghe tựa Bình Ca ( Chant Grégorien ) nhưng trẻ trung hơn, gần gũi với nhịp sống hôm nay theo kiểu Du Ca, Dân Ca ( Folk Song ). Gần một giờ đồng hồ cầu nguyện, hát liên tiếp cả 30 bài mà vẫn không thấy nhàm chán, ngược lại, lòng nhẹ lâng lâng, đôi lúc gai ốc nổi lên, rùng mình cảm xúc, nhất là sau bài Tin Mừng và phần cầu nguyện, nến trên tay mọi người được chuyền nhau thắp sáng lung linh…

Dọc đường từ Nhà Thờ về, tôi gặp mấy cô gái người Myanmar và Kampuchia, thêm một bạn Việt sinh ra và lớn lên bên Đức, thêm hai ông thầy Hà Nội, thế là nói lung tung vừa tiếng Pháp vừa tiếng Anh, rồi hoa tay làm cử điệu, cuối cùng cũng hiểu ra ý của nhau để cười với nhau thật vô tư sảng khoái…

22 giờ khuya, sương bắt đầu xuống lạnh, tôi mặc áo ấm thả bộ trên con đường làng Taizé để lần chuỗi Fiat, bình an thanh thản. Trong kia, các tình nguyện viên của các nước đang họp mừng sinh nhật một bạn Indonesia, nghịch ngợm, hát hò, nhảy múa nữa chứ. Vui nhộn lắm, nhưng đến 22 giờ 30 là chia tay, trong phút chốc, tất cả bước vào cái ở đây được gọi là “le grand silence de la nuit”.

Tôi quay trở về nhà El Abiodh. Căn phòng nghỉ nhỏ xíu, y như ở Đan Viện Bénédictine Thủ Đức, một chiếc giường, một tấm chăn, một cái bàn nhỏ, thế thôi. 23 giờ đúng, hệ thống đèn phụt tắt hoàn toàn như một lời mời gọi hãy ngủ yên, hãy vượt qua đêm dài, thật sự chết với Chúa Giê-su để ngày mai sẽ được cùng Ngài sống lại trong Lễ Phục Sinh…

Thú thật, tôi không ngờ có ngày mình lại được đồng tế ở Taizé. Vậy mà hôm nay, Chúa Nhật 16 tháng 9, tôi lại được đứng giữa các cha da trắng, da đen, da vàng, da nâu nâu, da ngăm ngăm. Tôi hiệp dâng Thánh Lễ tạ ơn Chúa một cách hết sức trang trọng mà lại vẫn sống động tuyệt vời, vượt thoát cái khung, cái khuôn nghi thức Phụng Vụ quá quen thuộc đến mức, xin lỗi, người ta dám nói là… “làm Lễ”, là “dire la Messe”, là “to say the Mass”, nghĩa là làm mọi sự mà nhiều khi không có… Chúa, không cần đến Chúa, quên Chúa ngon lành !

Chợt một lúc quay nhìn sang các bạn trẻ, tôi thấy nghèn nghẹn ở cổ và mắt thì nhòa lệ. Tôi muốn xin lỗi Chúa, muốn xin lỗi mọi người Giáo Dân đã từng đến với tôi trong các Thánh Lễ suốt gần 10 năm Linh Mục vừa qua của tôi, rằng tuy đã cố gắng nhiều lắm, tôi vẫn chưa trao hiến hết mình cho Hội Thánh để Thần Khí làm cho tôi thật sự trở thành một người phục vụ theo đúng nghĩa “bồi bàn” trong các bữa đại tiệc của Nước Trời giữa đời này.

Tôi không quá lời đâu, Taizé đã tước bỏ được nhiều cái vớ vẩn rườm rà để đưa người trẻ vào mối diệu cam, vào tương quan thân tình bè bạn với Anh Cả Giêsu, một vị Thiên Chúa luôn luôn trẻ, hình như rất thích được khoác vai, thích được sóng bước, thích được trò chuyện và khóc cười hồn nhiên với cánh trẻ.

Nhiều người cứ than là Giới Trẻ Âu Mỹ bây giờ chẳng chịu đi Nhà Thờ, chẳng thèm đi tu, bỏ Đạo mất rồi, đa số còn vong thân thác loạn nữa chứ. Nhưng đến Taizé rồi, hòa mình sống với Taizé rồi, ắt sẽ phải mỉm cười hy vọng, ắt sẽ thấy có tia sáng ở cuối đường hầm, ắt sẽ mang máng nhận ra cái Linh Khí của Chúa Thánh Thần vẫn đang tràn vào buồng phổi của thế giới đầy ô nhiễm…

Cám ơn thầy Roger Schutz hơn sáu mươi năm trước đã thuận cho Linh Khí ấy thổi sâu vào ơn gọi đời mình mà hình thành cái nôi Taizé nuôi dưỡng Lòng Tin của Giới Trẻ lúc ấy, sau đệ nhị thế chiến tang thương đổ vỡ, và cả Giới Trẻ thế giới bây giờ đang mất hướng giữa bao nhiêu là thách đố với lương tâm…

Tôi còn nhớ có được đọc một tờ báo Fêtes et Saisons, không nhớ phát hành năm nào, số đặc biệt về Taizé, có ghi một tiêu đề táo bạo: “Taizé, Concile Oecuménique des Jeunes”. Dạo ấy tôi còn trẻ lắm, chưa hiểu sâu xa. Nay thì tôi thấm lắm rồi…

Lm. QUANG UY, DCCT, Paris, thứ năm 20.9.2007

Nếu Quý Vị thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này !

Gửi phản hồi

Người đăng tin

Lm. Giuse Lê Quang Uy, DCCT

Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế