NGHIỆM SINH GIỮA ĐỜI

Bài ca “Bé bắt dế” của Phạm Duy và Nghịch lý của thời đại chúng ta


NGHỊCH LÝ CỦA THỜI ĐẠI CHÚNG TA

Một cha trong Dòng chúng tôi có biệt tài lục lọi đào xới trên Internet, mới đây bất ngờ gửi qua E-Mail về cho chúng tôi một file nhạc nén MP3, mở ra nghe thì đó là bài “Bé bắt dế” một bài đồng dao của ông cụ Phạm Duy, được sáng tác từ năm 1974. do con gái cưng của ông là Thái Hiền hát.

Hồi xưa còn bé, ở cái tuổi mười mấy, bọn con trai nhóc tì chúng tôi rất hay đàn đúm đi bắt dế, rồi lập tụ treo giải đá dế, tẩm rượu cho dế đá thật xung, đến khi dế chết lại còn làm đám tang cho dế hẳn hoi. Truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài thì thôi khỏi chê, đứa nào trong tâm tưởng cũng đeo đuổi một giấc mơ phiêu lưu y như con Dế Mèn… Vì thế dạo ấy cũng có được nghe bài hát này, nhưng lũ chúng tôi lại chỉ chú ý đến cái nghĩa đen, đến chuyện chơi dế hời hợt vậy thôi, làm gì đã hiểu sâu hiểu xa cho cam !

Bây giờ, gần năm mươi năm sau, tóc đã muối tiêu, ngồi bình tâm nghe thì bỗng… chảy nước mắt. Đâu có phải thuần túy là đồng dao, là chuyện trẻ con, cũng không dừng lại ở chuyện du ca phản chiến, toàn là vấn nạn cho người lớn, cho xã hội, cho cả Giáo Hội chúng ta. Xin trích một đoạn:

“A ! Này bé ! Con dế nó ở nhà em,
Nên nó cũng thèm coi truyền hình đêm,
Nó thấy phi thuyền lên tận mặt trăng
Mà không thấy đâu Chị Hằng ?

A ! Này bé ! Con dế cúi đầu phục lăn,
Nó hát khen rằng: Con người giỏi giang,
Nhưng vẫn chê rằng: Thiếu hẳn tình thương,
Lòng vẫn chứa đầy bạo cuồng !…”

Ừ nhỉ, con người chúng ta bây giờ giỏi thật, làm được bao nhiêu việc tày trời. Các phát minh khoa học kỹ thuật không còn tính thành quả theo thế kỷ, hay theo thập kỷ nữa, mà là theo từng năm, từng tháng, từng ngày, biến chuyển và phát triển đến chóng mặt, không tài nào tưởng tượng và hình dung nổi. Nhưng sao những vấn nạn nghịch lý vẫn cứ ngày càng thêm chồng chất ?

Tốc độ và mức độ xử lý của máy computer tối hiện đại bây giờ được tính bằng hàng tỷ phép tính trong một phần nghìn giây. Vậy mà có mỗi cái bài toán nuôi ăn làm sao cho no dân số gần 6 tỷ thì người ta lại cứ nghĩ bằng mọi cách phải giảm sinh, cho dù đó là phá thai, là giết bớt trẻ em đi !?! Trong khi đó, thống kê của Liên Hiệp Quốc cho biết nếu thế giới đừng có bị nạn tham nhũng hoành hành, xã hội đừng có người quá giàu tiếp tục bóc lột người đã quá nghèo, đừng có khai thác tận dụng đến mức tàn phá môi trường, thì dân số có tăng thêm gấp đôi vẫn cứ đủ ăn đủ uống như thường, không sợ đói sợ khát chi cả !

Ngành Y rực rỡ tột bực, bao nhiêu bệnh nan y nay đều đã tìm ra được thuốc đặc trị, thuốc chủng ngừa. Thế nhưng mỗi năm người ta lại nghe nói có thêm nhiều căn bệnh quái lạ như Rubella, Sars, Tay-chân-miệng, Cúm gia cầm… giết chết đa số là những bệnh nhân nghèo. Thuốc ê hề nhưng giá thuốc thì ngày một tăng cao, nằm ngoài tầm tay dân đen, chỉ béo mấy cái trust bào chế khổng lồ trên thế giới và bọn tham nhũng trong nước. Lại nữa, người ta phát hiện ra một số tai hại chống chỉ định của một số loại thuốc có hại cho sản phụ, thế là người ta khai thác và sản xuất những loại thuốc ấy thành thuốc… phá thai. Thuốc là để cứu người chứ đâu lại để giết người như thế ?

Nghĩa là con người bây giờ cái gì cũng giỏi lắm, nhanh lắm, nhiều lắm, chính xác lắm ! Phi thuyền, tầu ngầm cho con người ta có thể bay đi rất xa, vọt lên rất cao, lặn xuống rất sâu để chinh phục được không gian vũ trụ. Thế nhưng khoảng cách thân thiện giữa người với người bây giờ cứ càng xa thêm vời vợi. Không chỉ mỗi người thành một hòn đảo, nhưng còn là cả một sa mạc mênh mông vây chung quanh ta, làm ta lòa, điếc, câm và vô cảm vô tình ngay với vợ, với chồng, với cha mẹ già, với con cái nhỏ, nói chi đến hàng xóm, đồng nghiệp, và người dưng ngoài đường ngoài phố ?

Ông Phạm Duy đặt vào miệng con dế câu hát nghêu ngao thật mỉa mai, tổng kết tất cả những cái nghịch lý quái gở của thời đại chúng ta. Ngẫm một chút, thấy chạnh lòng xót xa !

“A ! Này bé ! Con dế cúi đầu phục lăn,
Nó hát khen rằng: Con người giỏi giang,
Nhưng vẫn chê rằng: Thiếu hẳn tình thương,
Lòng vẫn chứa đầy bạo cuồng !…”

Trên báo Tuổi Trẻ, lâu rồi, có một bài dịch tên là “Những nghịch lý của thời đại chúng ta”, tác giả ẩn danh đã than thở những lời não nuột:

Chúng ta uống quá nhiều, hút quá mức, chi quá lố, cười quá ít, lái xe quá nhanh, giận quá mau, thức quá muộn, dậy quá mệt, đọc quá ít, xem tivi quá nhiều.

Chúng ta tăng số của cải, nhưng lại giảm những giá trị của bản thân mình đi.

Chúng ta nói quá nhiều, yêu quá ít và ghét quá thường xuyên. Chúng ta học cách kiếm sống chứ không phải là xây dựng cuộc sống…

Lại xót xa hơn nữa, khi tình trạng vô cảm, “thiếu hẳn tình thương” ấy nó chui tọt cả vào trong ruột trong gan dân Công Giáo Việt Nam chúng ta, vốn dĩ tự hào là giữ Đạo Nhà Thờ Nhà Thánh không chê vào đâu được. Cứ bình tâm tự xét từ trên xuống, nghĩa là từ hàng Giáo Sĩ Tu Sĩ chúng tôi trước thì thấy ngay cái “nghịch lý của thời đại” ấy phải gọi đích danh là “phản chứng Tin Mừng” !

Trong tuần vừa qua, Ephata nhận được một E-Mail của anh Máccô Phạm Văn Quang, gửi từ huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình với địa chỉ tonkin2510@  Lá thư giống như một lời chất vấn, lại hết sức kiềm chế để vang đi vọng lại như một lời cảnh tỉnh chính anh em chúng tôi, các Linh Mục Tu Sĩ.

Có lẽ người viết đau đáu với câu truyện Người Samari Nhân Hậu mới đây trong Tin Mừng, lại chợt liên tưởng đến một “thầy Tư Tế”, một “thầy Lêvi” nào đấy thời buổi hôm nay đã “tránh sang một bên mà đi” khi gặp một nạn nhân sống dở chết dở dọc đường ! Thư viết:

Thưa quý cha, con có một câu hỏi mà không biết các cha sẽ nghĩ như thế nào ?

Con biết ở bên mình có rất nhiều hội từ thiện, rồi các cha đến các nhà nghèo khó để giúp đỡ họ, nhưng con muốn hỏi là khi các cha đi đường, có khi các cha để ý, cũng có khi các cha không để ý, nhưng một sự thật là vẫn luôn có những người nghèo khó đang nằm vật vã trên đường các cha đi… Có thể đó là những người nghiện ma túy bị sốc thuốc và đang hấp hối, liệu các cha có cảm thương trước tình cảnh mà dừng lại giúp đỡ họ bằng tất cả khả năng của mình không ? Hay vì bận việc riêng, bận đi làm Lễ, hay một công việc quan trọng nào khác mà các cha chỉ đi ngang qua mà thôi, không màng để ý đến những con người đó ?

Đó là những điều con muốn hỏi, cũng là một tâm sự của con xin quý cha giúp đỡ cho con. Con xin chân thành cảm ơn. Xin Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse, cùng các Thánh luôn phù trợ cho quý cha, quý nam nữ Tu Sĩ. Amen”.

Thú thật, chúng tôi đã chịu thua, bó tay, không dám và cũng không thể trả lời cho những lời chất vấn sát sườn như thế này. Đành im lặng thôi. Những gì mình đã làm được cho người nghèo, cho tha nhân chung quanh đâu có dám đem ra để biện hộ chống chữa, vì nếu đem so với những gì mình chưa làm, những gì mình đã bỏ qua không làm, những gì mình đã cố tình không làm, thì lại chẳng đáng là gì !

Tiếng con dế bé tý tẹo sao vẫn cứ tỷ tê như xoáy vào tai, vào lòng chúng ta:

“A ! Này bé ! Con dế cúi đầu phục lăn,
Nó hát khen rằng: Con người giỏi giang,
Nhưng vẫn chê rằng: Thiếu hẳn tình thương,
Lòng vẫn chứa đầy bạo cuồng !…”

Kính thưa Chúa Giêsu, cái nghịch lý kinh khủng nhất đang bủa vây phục kích cuộc sống của chúng con chính là tình trạng thiếu vắng hẳn tình thương mà lại ê hề tràn ngập những tham lam, độc ác và kiêu ngạo. Biết làm sao bây giờ, thưa Chúa ?

Nhân câu chuyện Tin Mừng Chúa Nhật tuần này, có lẽ chúng con phải tìm địa chỉ để quay về với một ngôi làng như làng Bêtania ngày xưa, tạm quên hết những toan tính xoay trở cuộc đời, không quá bận tâm loay hoay những chuyện phụ thuộc như chị Mácta, mà chỉ xin ngồi bệt xuống dưới chân Chúa như chị Maria mà nghe như hớp từng Lời của Chúa… Chúng con tin nhờ vậy chúng con có cơ may được Chúa chữa lành cho căn bệnh vô cảm, tha thứ cho thái độ ích kỷ và hướng dẫn cho một nếp sống mới đậm đà yêu thương… Phải vậy không, thưa Chúa ?

Lm. Giuse LÊ QUANG UY, DCCT, thứ sáu 20.7.2007

 

Nếu Quý Vị thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này !

Gửi phản hồi

Người đăng tin

Lm. Giuse Lê Quang Uy, DCCT

Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế