Thú thật, tôi không thể nào nhớ hết mình đã từng có bao nhiêu tràng chuỗi Mai Khôi từ lúc có trí khôn cho đến bây giờ.
Phần một: Với tuổi thơ và thanh niên…
Bé xíu, đi học trường Dòng, chúng tôi được chỉ cho cách lần chuỗi ngay trên từng đốt ngón tay. Các soeurs dạy lũ trẻ chúng tôi phải nhớ siêng năng lần chuỗi, vừa nói, tay các soeurs vừa nâng lên tràng chuỗi dài đeo trên dây thắt lưng áo Dòng, vừa vân vê từng hạt màu đen rất to, “sao cho mai mốt lên Thiên Đàng, Thánh Phêrô giữ cổng sẽ khám tay từng đứa, ai lần chuỗi nhiều thì 10 đầu ngón tay sẽ biến thành vàng chói sáng, lập tức được cho vào; ai lười không chịu lần chuỗi thì 10 đầu ngón tay sẽ đen thui, đương nhiên bị mời đi chỗ khác! Chúng tôi lén quay mặt nhìn nhau lè lưỡi, cứ nghĩ sao chuỗi của các soeurs rất siêng năng đọc kinh mà sao vẫn cứ màu đen, ít nhất cũng phải chuyển sang màu nâu, màu vàng nghệ rồi chứ!
Lớn hơn, tôi được phần thưởng hôm được Rước Lễ lần đầu là một tràng chuỗi Mai Khôi rất đẹp, không nhớ ai tặng cho, chỉ biết lúc ấy thích lắm, quý lắm, cứ nâng niu ngắm nghía hoài. Thế nhưng rồi bản tính con nít ham vui, tôi bỏ quên tràng chuỗi ấy trong túi quần, khi nào thay quần đem cho mẹ giặt, tôi lại lấy xâu chuỗi ra, bỏ vào túi quần mới, rồi thôi, có nhớ lần chuỗi đọc kinh gì đâu! Cho đến một hôm, lục túi không thấy chuỗi đâu, mới phát hiện túi bị thủng một lỗ lớn, chuỗi đã rơi mất lúc nào không biết.
Chín tuổi, Tết Mậu Thân, tôi vô tư, thậm chí còn lấy làm thú vị giữa mùi vị chiến tranh chết chóc vào đến tận thành phố Sàigòn, Trong lúc cả nhà tôi nấp dưới gầm giường đêm mùng 1 Tết, bên ngoài là súng đạn nổ rền, xen kẽ với tiếng hô của quân Giải Phóng, tôi vẫn nghe được tiếng mẹ tôi và các chị thì thầm đọc kinh Kính Mừng, Tôi không kịp để ý tại sao ba tôi và anh tôi, cả thằng bé Út ít, ba người đàn ông trong nhà lại không đọc kinh chung lúc hồi hộp lo sợ ấy? Đàn bà vẫn sốt sắng đạo đức hơn chăng? Vâng, ít là trong một thời gian dài sau này, tôi đã in trí chuyện đọc Kinh Mai Khôi là của đàn bà con gái!
Mười một mười hai tuổi, tôi chẳng còn nhớ được mình có được tràng chuỗi nào trong người không. Hoàn toàn ký ức là một lỗ trống. Tối nào nhà cũng phải đọc kinh chung dưới quyền “nhạc trưởng” điều khiển là mẹ tôi. Mẹ tôi nghiêm lắm, kinh hạt phải đầy đủ, nhưng lại không chú ý kiểm tra xem thằng Út lần chuỗi kiểu gì, miễn là 50 Kinh Mai Khôi phải đọc chung với cả nhà thật nhịp nhàng, cấm tiệt không được ngủ gật.
Mẹ bảo: đọc kinh thường hay bị cám dỗ, có hai thằng quỷ con nó đu trên hai mí mắt, phải đọc to lên thì nó văng đi mất! Khổ nỗi, lúc bình thường chơi nghịch thì tỉnh như sáo, nhưng hễ ngồi xuống chiếu bắt đầu đọc kinh tối là y như rằng buồn ngũ cứ rũ cả người, làm gì mà còn nhớ đọc cho to. Thế là thế nào mẹ tôi thỉnh thoảng lại phải xếp cái quạt giấy lại, gõ đánh bộp trên đầu thằng bé cho tỉnh ngủ đọc kinh tiếp.
Thời niên thiếu của tôi qua đi rất nhanh trong những năm khói lửa chiến tranh nổ bùng ở các tỉnh xa, Quảng Trị, Bình Long, Kontum… Chuỗi Mai Khôi đối với tôi vẫn chỉ như là, xin lỗi, một vật thêm vào cho có vẻ là con nhà có Đạo, nhất là với cánh phụ nữ, vậy thôi.
Rồi đến những ngày tháng cuối cùng của Miền Nam năm 75… Lựu đạn và mìn đặc công đã nổ ì ùng chỗ này chỗ kia ngay trong thành phố. Buổi chiều ngày 28 tháng tư, tôi đang đi Lễ chiều ở Nhà Thờ Phanxicô Đakao, thì máy bay ném bom Dinh Độc Lập, bao nhiêu súng máy cao xạ của Đài Phát Thanh và Kho Đạn gần đó đồng loạt xả đạn đúng vào lúc cha Quý chủ tế cất lên Kinh Lạy Cha, ai cũng kinh hoàng, nhưng sao mọi người vẫn đứng nguyên mà nguyện kinh, có lẽ chưa bao giờ lại thấm thía sốt sắng như thế. Xong Lễ, tiếng súng vẫn vang rền chung quanh, các cha cho bà con chạy vào sâu trong Tu Viện để nấp cho an toàn.
Riêng tôi, thằng bé 16 tuổi, chưa biết sợ là gì, chỉ lo ở nhà có sao không, thế là tôi băng mình qua sân Nhà Thờ, chạy dọc con đường Phạm Đăng Hưng (bây giờ đổi tên là Mai Thị Lựu, Q. 1) để về nhà. Vào được rồi, tôi thấy đông đủ cả, mọi người đang ngồi xệp ngay dưới đất và… lần chuỗi. Bất giác tôi cũng ngồi sụp xuống và cất tiếng rõ to cùng với cả gia đình: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời… cầu cho chúng con… khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.”
Không biết cả nhà đọc được mấy chuỗi, chỉ biết khá lâu sau, tiếng súng ngớt dần và im bặt. Mọi người nhìn nhau, ánh mắt vẫn còn kinh hoảng. Cái lạ mà tôi chợt nhận ra là trên tay từng người, kể cả mẹ tôi, không có xâu chuỗi nào cả. Hóa ra khi thập tử nhất sinh, không ai kịp, không ai nhớ lấy chuỗi ra, nhưng tự trong lòng cứ vậy mà bật lên tiếng kinh nguyện Mai Khôi như những tiếng kêu thảng thốt cầu cứu đến Chúa, đến Mẹ. Và, biến cố hôm ấy và những ngày hỗn loạn đen tối sau đó mãi mãi sẽ là điểm mốc cho bản thân tôi cảm nghiệm sâu xa về tràng chuỗi Mai Khôi.
Năm 1979, đang là sinh viên đại học Kiến Trúc, một hôm đi tập hát ca đoàn Phanxicô, về đến nhà thì đau bụng quằn quại. Ba tôi chạy sang hàng xóm gần đó nhờ được một bác sĩ quân Y vừa cải tạo về, sang khám cho tôi. Chỉ với mấy động tác nhà nghề, ông khẳng định tôi bị viêm ruột thừa nặng lắm rồi, phải đưa đi nhà thương ngay.
Đêm hôm đó, tôi được bác sĩ Bảo ở Nhà Thương Sàigòn chụp thuốc mê, giải phẫu kịp trước khi bị vỡ ruột nhiễm trùng ổ bụng. Khi tỉnh dậy trong phòng hồi sức hậu phẫu, tôi nghe tiếng anh Sơn, y tá trực cho phép ba tôi vào ngồi bên cạnh tôi. Sau này ba tôi bảo cả đêm, một tay ông nắm lấy bàn tay lạnh ngắt của tôi đang thiếp ngủ, một tay ông lần chuỗi. Ông tin tôi được cứu sống là nhờ Mẹ Hằng Cứu Giúp, còn tôi thì nhận xét: khi nguy cấp, khi cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa thì không chỉ phụ nữ, mà cả đàn ông nữa, đều sốt sắng lần chuỗi Mai Khôi.
Những năm sau đó, cùng với các bạn trẻ Nhóm mang tên Mai Khôi, chúng tôi gặp được cha Tiến Lộc và cha Khởi Phụng của DCCT. Mỗi cha có một cách trình bày về Mẹ Maria khác nhau, nhưng nét dễ thương chung là đều cuốn hút cánh trẻ chúng tôi đến với Mẹ thật hồn nhiên thân tình.
Có những buổi cha Lộc dắt chúng tôi đi phụ làm ruộng ở Mai Thôn, vừa nghêu ngao hát “Lời ca vang cánh đồng…” lại vừa “Kính mừng Maria đầy ân phúc…” Có những chuyến cha Phụng cho chúng tôi tĩnh tâm ở ngay trong trại tâm thần Thủ Đức, ngài bắt đầu bằng Evà cũ rồi dẫn đến Evà mới là Mẹ Maria, đương nhiên là có… “cầu cho chúng con là kẻ có tội”… Hai cha chẳng ai “dụ” tôi theo tu DCCT, vậy mà có lẽ cái phong cách rất ư là… “Đức Mẹ” ấy của các cha đã dẫn đưa tôi mười năm sau đó lọt vào Dòng của Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Cũng thời gian này xảy ra cho gia đình tôi nhiều nỗi đau và mất mát ly tán. Ba tôi lâm bạo bệnh và mất trong khi tôi đang còn ở đơn vị Thanh Niên Xung Phong, về đến nơi chỉ kịp nhìn mặt ba lần cuối rồi đóng nắp áo quan, hôm sau an táng.
Gia đình lâm vào tình trạng mẹ góa con côi, cán bộ địa phương vu cáo, chửi bới, ức hiếp đủ chuyện. Anh tôi thì đi tù lần thứ hai. Mẹ tôi nhiều lần đi thăm nuôi con trai trở về, bao giờ cũng kể chuyện bà đã mời được mọi người trên xe, Công Giáo lẫn không Công Giáo, cùng lần chuỗi Mai Khôi, mẹ tôi xác tín Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh chính là lời kinh đẩy lui mọi khổ đau, sợ hãi và tuyệt vọng, đẩy lui cả cái lạnh giá và mệt mỏi đường dài trên những chuyến xe than ì ạch đi thăm nuôi ở trại cải tạo Z30D Hàm Tân, Thuận Hải…
Lm. QUANG UY, DCCT, còn tiếp 2 kỳ