MẸ ƠI ĐOÁI THƯƠNG

“Mẹ ơi, cứu giúp chúng con…”

THE CUA DCCT

Người lính ra trận trên cổ luôn đeo một tấm thẻ bài bằng nhôm, còn anh em DCCT chúng tôi đi đâu làm gì, lại thường mang trong người một tấm thẻ nho nhỏ bằng bìa cứng xếp làm đôi, vừa gọn lòng bàn tay. Mở ra, mặt bìa bên trái để trống chỗ cho mỗi người ghi vào họ tên, năm sinh, nhóm máu, bị dị ứng những gì, thường dùng những thuốc gì, đang mang những trọng bệnh nào ( tiểu đường, đau tim, động kinh, cao huyết áp… ) lại có chỗ để ghi họ tên, địa chỉ và số điện thoại của một Linh Mục quen biết, của một bác sĩ, hay một người thân nào đó… Bên ngoài, mặt sau thẻ là lịch 12 tháng của mỗi năm thẻ được in ra và phân phát, khi cần có thể tìm thấy ngay các ngày Lễ trọng của Hội Thánh hoặc Lễ riêng đặc biệt của Dòng.

Nhưng cái đáng chú ý ở đây là bên ngoài mặt trước thẻ có ghi hàng chữ “I am a Catholic” ngay dưới ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ( Our Mother of Perpetual Help – Notre-Dame du Perpétuel Secours ). dưới cùng ghi thêm: Emergency medical Information inside ( xin tạm dịch là: “Những thông tin y khoa cần thiết khi cấp cứu“ ). Ấy là vì chẳng ai đoán trước được chuyện rủi ro nào có thể bất ưng xảy đến cho mình, cẩn thận như thế để có ai đọc được tấm thẻ này thì biết hướng, biết cách mà giúp mình cả phần hồn lẫn phần xác.

Gặp nguy thì cần được cứu. Thiếu thốn thì cần được giúp đỡ. Mà sao cuộc sống con người ta cứ đầy những bất trắc rủi ro, đầy những hiểm nguy rình rập. Không chỉ là cái đói ăn, cái khát uống, cái rách mặc, cái vô gia cư, vô nghề nghiệp, vô địa táng,… mà nghiệt ngã hơn, nguy tai hơn, chính là cái đói vò xé, cái khát cháy lòng, cái rách nát tâm linh, cái mất định hướng, không biết Quê Hương đâu mà tìm về, không biết phải hành xử sao cho thuận với cái thiên lương ẩn sâu trong tâm hồn, với cái “thiện căn ở tại lòng ta” như Nguyễn Du đã thốt lên trong truyện Kiều.

Xã hội đã có những cơ quan cứu tế, cứu hộ, cứu trợ, các bệnh viện luôn sẵn sàng cấp cứu… Nhưng không đủ, bởi con người còn cần đến cái sâu hơn, cao hơn, sinh tử hơn, ấy là Ơn Đức Độ. Các tôn giáo nghiêm túc, đặc biệt là Kitô giáo, có câu ứng đáp cho nỗi thao thức ấy bằng tấm lòng một người mẹ, Mẹ của Thiên Chúa, Mẹ của nhân loại, Mẹ của chúng ta, với tước hiệu là Mẹ Hằng Cứu Giúp. Không hề là một hy vọng hão, không hề là chuyện tin tưởng vu vơ, không hề là chuyện duy tâm vớ vẩn như kẻ ác khẩu thường chụp mũ các tín hữu đâu !

Cứ nhìn, cứ lắng nghe những bệnh nhân và người khuyết tật, năm nào đến Lễ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cũng nườm nượp tụ về Đền của Mẹ, họ ngồi xe lăn, họ nằm trên cáng, họ tỳ lên cây gậy mây, họ lệch người chống đôi nạng, họ nắm tay nhau hoặc bấu vào vai nhau đi thành một xâu chuỗi để không bị lạc giữa đường và không bị vấp phải chỗ này, va phải chỗ kia. Và họ đã đọc Lời Chúa một cách dõng dạc từ những đầu ngón tay lướt nhanh trên những dấu chấm nổi Braille, họ ú ớ hát lên bằng thanh quản đã bị dị tật tắc nghẽn, họ cầu nguyện bằng chính Lòng Tin đã trải nghiệm qua bao nỗi khốn khó ngược xuôi. Họ không chờ đợi một phép lạ mới tin, nhưng vì tin, họ đã nhận được phép lạ.

Không nhất thiết phải là “trỗi dậy vác chõng mà về”, nhưng đôi mắt tâm hồn họ mở ra, đôi tay họ không còn nắm chặt để tấn công hay thủ thế, môi miệng họ bập bẹ bật lên tiếng Xin Vâng hồn nhiên, con tim họ ứa trào Bình An…

Cám ơn Mẹ, vì tất cả là nhờ Mẹ, Mẹ luôn cứu giúp chúng con…

Lm. LÊ QUANG UY, DCCT 2003 – 2010

Nếu Quý Vị thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này !

Gửi phản hồi

Người đăng tin

Lm. Giuse Lê Quang Uy, DCCT

Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế