MẸ ƠI ĐOÁI THƯƠNG

Mẫu ảnh Đức-Mẹ-hay-làm-Phép-Lạ

Mau Anh Vay Me va Catherine Laboure

Từ tháng 6 đến tháng 11 năm 1830, liên tiếp trong nhiều lần, Đức Mẹ đã hiện ra cho một nữ tập sinh Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, tên là Catherine Labouré tại Nguyện Đường của Nhà Dòng trên đường Du Bac, thủ đô Paris nước Pháp. Nơi đây, chị đã được thấy, được nói chuyện, và còn được phép sờ vào người Đức Mẹ.

Chuyện này xảy ra một cách âm thầm, đến độ trong 46 năm liền, chị đã được diễm phúc thấy Đức Mẹ đi lại phục vụ các bệnh nhân nghèo trong Chẩn Y Viện nhỏ bé của Nhà Dòng mà không ai biết chút gì. Các nữ tu sống bên cạnh chị vẫn cho rằng chị là một người khù khờ dốt nát, chuyên lo những công việc tầm thường và nặng nhọc trong nhà.

Ngoài một số rất ít các vị Bề Trên tại chỗ, không ai ngờ chị đã được Đức Mẹ hiện ra. Sau khi chị qua đời, nghe chuyện, họ đã dứt khoát không tin. Cho đến khi mộ của chị được mở ra, người ta kinh ngạc nhận ra đôi tay và đôi mắt của chị vẫn hồng hào nguyên vẹn.

Chị Catherine Labouré đã được Giáo Hội tôn phong Chân Phúc vào năm 1935, nghĩa là 2 năm sau khi chị Bernadette được phong Thánh. Đến năm 1947 thì chị Catherine cũng được phong Thánh. Người ta ước tính mỗi năm có gần 2 triệu người hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến kính viếng và cầu nguyện tại ngôi Nhà Thờ bé nhỏ trên đường Du Bac.

Trong các lần hiện ra, Đức Mẹ đã trao cho chị sứ mạng phải quảng bá việc tôn kính Mẹ qua bức ảnh nói trên, thường được gọi là “Ảnh Đức Mẹ-Hay-Làm-Phép-Lạ”. Mẹ hứa: “Tất cả những ai mang ảnh này với tất cả lòng tín thác, sẽ lãnh được nhiều ơn trọng đại”.

Sau 2 năm do dự và giấu kín, cuối cùng thì cha giải tội của chị cùng với vị nữ tu Bề Trên đã quyết định nhờ một nghệ sĩ đúc lại bức ảnh theo mô tả chi tiết của chị. Không mấy chốc, “Ảnh Đức Mẹ-Hay-Làm-Phép-Lạ” được quảng bá rộng khắp. Ngày 11 tháng 2 năm 1858, khi được Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức ( Lourdes ), Thánh Nữ Bernadette cũng có đeo trên ngực mẫu ảnh này.

Chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngắm mẫu ảnh đặc biệt này:

Có một lần vào ngày 27 tháng 11 năm 1830, chị đã thấy Đức Mẹ hiện ra với những luồng ánh sáng chói lòa phát xuất từ đôi tay và với quả địa cầu dưới chân có một con rắn bị Mẹ đạp lên, còn trên đầu Mẹ thì có một vầng hào quang được kết bằng 12 ngôi sao. Chi tiết này gợi lại thị kiến của Thánh Gioan: “Một người phụ nữ mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên 12 ngôi sao” ( Kh 12, 1 ).

Các tia sáng được hiểu là dấu chỉ tình bằng hữu với Thiên Chúa và với mọi người. Đức Giêsu ban cho chúng ta niềm vui và lòng can đảm của Người để chúng ta có thể yêu thương nhiều hơn nữa. Con rắn là biểu tượng của sự xấu, của các khó khăn, của những hành động thiếu yêu thương, đã cản trở chúng ta sống bình an với chính mình và với tha nhân. Quả cầu là biểu hiện các nơi chốn khác nhau trên thế giới, nơi chúng ta được mời gọi sống tình yêu thương một cách chan hòa. Những ngôi sao biểu hiện niềm vui được làm Kitô hữu, dấu chứng tình bạn thân thiết với Đức Giêsu Kitô.

Chúng ta không được giữ riêng bảo vật này một cách ích kỷ, nhưng phải đem chia sẻ, tỏa sáng, để mọi người cũng có thể nhờ chúng ta mà khám phá ra mối tình tuyệt vời ấy. Tất cả như được đóng khung trong một vòng hình trái xoan với giòng chữ: “Lạy Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội, xin cầu cho chúng con là kẻ chạy đến cùng Mẹ”.

Bên dưới mẫu ảnh còn có hình hai quả tim, một của Đức Giêsu bị đâm thủng bởi một vòng gai, một của Đức Mẹ bị một lưỡi gươm xuyên thâu. Tất cả nói lên Tình Yêu cao sâu mà Thiên Chúa Cha đã dành cho chúng ta: Đức Giêsu Kitô đã hiến mạng sống mình vì yêu thương. Còn Đức Mẹ thì đã đau khổ vì yêu thương khi chứng kiến Con của Mẹ chết trên thập giá.

Trên mẫu ảnh còn có ghi một chữ M lớn, đan chéo trong một cây Thánh Giá. Đây sẽ là chữ M mà Đức Karol Wojtyla đã chọn làm huy hiệu khi được sắc phong làm Giám Mục, và cả sau này khi được bầu làm Giáo Hoàng. Không phải ngẫu nhiên mà trong chuyến viếng thăm nước Pháp năm 1980, Đức Gioan Phaolô đệ nhị đã bày tỏ ước muốn được kính viếng mộ Thánh Nữ Catherine Labouré nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày Đức Mẹ hiện ra với chị.

Một chi tiết khác nữa là màu xanh da trời trên áo choàng của Mẹ. Đúng ngày 15 tháng 8 năm 1955, cũng chính là ngày kính trọng thể Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Hội Đồng Các Nước Âu Châu vừa được khai sinh với mục đích tiến tới một Liên Bang Âu Châu, lúc bấy giờ chỉ gồm có 12 quốc gia, đã quyết định chọn mẫu lá cờ có 12 ngôi sao trắng trên nền xanh da trời do một họa sĩ trẻ đưa ra. Đây không phải là chuyện ngẫu nhiên.

Vốn có lòng sùng kính Đức Mẹ đặc biệt, vợ chồng người họa sĩ này lần chuỗi Mai Khôi mỗi ngày, mỗi người đều đeo một mẫu “Ảnh Đức Mẹ-Hay-Làm-Phép-Lạ”. Và người họa sĩ đã tham gia cuộc thi vẽ mẫu lá cờ đang lúc đọc tiểu sử của chị Catherine Labouré. Anh kể lại: “Một cách vô thức, hình ảnh 12 ngôi sao trên nền xanh da trời đã đến với tôi một cách tự nhiên…”

Từ INTERNET 3.2000

Nếu Quý Vị thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này !

Gửi phản hồi

Người đăng tin

Lm. Giuse Lê Quang Uy, DCCT

Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế