MẸ ƠI ĐOÁI THƯƠNG

FULTON JOHN SHEEN (1895-1979), vị Giám Mục của Kinh Mai Khôi 

Vị Giám Mục của Kinh Mai Khôi 

Đấng Đáng Kính Fulton J. Sheen sinh tại El Paso, Illinois. Ngài là một trong những nhà truyền bá Tin Mừng bằng truyền thông vĩ đại nhất của Giáo Hội Công Giáo. Ngài là bậc thầy về tài hùng biện. Thông qua tính dí dỏm và khả năng phi thường của mình, ngài tuyền thụ rất nhiều những chủ đề thần học cao siêu bằng những cách thức đơn giản và dễ hiểu. Cuốn sách đầu tiên của ngài được xuất bản năm 1925.

Khi còn là Linh Mục, từ năm 1930 đến năm 1952, ngài đã thu hút được hơn 4 triệu người theo dõi chương trình truyền thanh quốc gia do ngài phụ trách vào mỗi Chúa Nhật, mang tên “Giờ Công giáo”. Năm 1952, ngài trở thành Giám Mục Phụ Tá của Tổng Giáo Phận New York và bắt đầu khởi xướng chương trình truyền hình mang tên “Life is Worth Living.” Chương trình này kéo dài 5 năm và trung bình thu hút được khoảng 30 triệu người xem mỗi tuần. Ngài đã nhận được hai giải Emmy vì sự phổ biến của chương trình này. Mặc dù ngài có bằng tiến sĩ về triết học, nhưng gần như tất cả mọi người đều có thể lĩnh hội được những tư tưởng của ngài, thậm chí là cả với những người không Công Giáo. 

Về sau, Fulton J. Sheen trở thành Giám Mục của Rochester, New York, và tất nhiên ngài là Tổng Giám Mục. Mặc dù rất bận rộn, nhưng ngài vẫn dành thời gian để trước tác hơn 73 cuốn sách. Với lòng sùng mộ sâu sắc với Bỉ tích Thánh Thể, mỗi ngày trước khi cử hành Thánh Lễ, ngài luôn dành một tiếng để Chầu Thánh Thể. Và ngài cũng nhấn mạnh rằng tất cả khả năng giảng thuyết và giáo huấn của ngài đều bắt nguồn từ lòng đạo đức này.

Ngài đã hoán cải được rất nhiều người nổi tiếng gia nhập Đạo Công Giáo và phục vụ với vai trò National director of society for the propagation of Faith. Hai tháng trước khi qua đời, ngài đã diện kiến Đức Gioan-Phaolô II, khi Đức Thánh Cha thực hiện chuyến tông du đến Nhà Thờ Thánh Patrick ở New York. Trong suốt cuộc gặp gỡ, Thánh Giáo Tông luôn biểu lộ sự quan tâm và hết lòng ca ngợi những đóng góp của ngài; đồng thời Giáo Tông còn gọi ngài là “nghĩa tử trung tín của Giáo Hội”. Đức Giáo Tông Bênêđictô XVI suy tôn ngài lên bậc Đáng Kính ngày 28.6.2012.

Lòng Sùng Mộ Đức Maria

Khi Fulton J. Sheen được sinh ra, mẹ ngài đã dâng hiến ngài cho Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc. Về sau, khi ngài được Rước Lễ lần đầu, mẹ ngài, một lần nữa, lại dâng hiến ngài cho Đức Maria. Suốt quãng đời thơ ấu, ngài có một lòng sùng mộ sâu sắc đối với Mẹ Diễm Phúc. Trong sứ vụ mục tử của ngài, Đức Maria là chủ đề rất đỗi quen thuộc trong những bài giảng; ngài còn thường xuyên tổ chức những buổi thảo luận đầy hứng thú để nói về vai trò của Đức Maria trong đời sống tâm linh.

Khi ngài trở thành Giám Mục, ngài đã chọn câu “Nhờ Mẹ, tôi đến với mọi người” làm châm ngôn Giám Mục của ngài. Thánh Đường Đức Mẹ Lộ Đức là nơi ngài yêu thích nhất, đã viếng thăm hơn 30 lần trong suốt đời mình.

Tài hùng biện của Fulton J. Sheen trong lĩnh vực viết lách được chứng tỏ trong tuyệt phẩm về Đức Maria, mang tên: Tình yêu đầu tiên của thế giới: Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa”. Trong cuốn sách này cũng như trong rất nhiều tác phẩm khác, ngài nhấn mạnh tầm quan trọng cốt lõi của con người Đức Maria đối với Kitô giáo, ghi nhớ Thiên Chúa đã tạo dựng nên Mẹ và tình cảm Ngài dành cho Mẹ lớn gấp 10 lần so với tình cảm Ngài dành cho các Tông Đồ. Nói cách khác, Chúa Giêsu chỉ dành 3 năm đời mình cho các Tông Đồ nhưng Ngài lại dành 30 năm đời mình cho người Mẹ yêu quý của Ngài.

Trong một buổi nói chuyện, Fulton J. Sheen đã nói về Đức Maria như là bình thánh của Hiện Hữu Thật; là chìa khóa của hộp báu-là chính Đức Giêsu; là trái tim của Kitô giáo; là người mà nhờ đó những tín đồ Hồi Giáo sẽ chạy đến với Đức Kitô. Ngài luôn nhấn mạnh Đức Giêsu và Mẹ Maria không bao giờ bị tách rời, có nghĩa là: nếu ai đó lãng quên Mẹ, thì chắc chắn họ cũng quên lãng Người Con.

Là một Linh Mục, Giám Mục và Tổng Giám Mục, Fulton J. Sheen luôn cổ võ Kinh Mai Khôi. Trong rất nhiều những tác phẩm thần học và triết học của mình, ngài luôn luôn tìm kiếm một cách thức để gắn kết thêm vào đó một hoặc hai tư tưởng về Kinh Mai Khôi. Ngài tin rằng Kinh Mai Khôi có một năng lực để biến đổi cả những cá nhân và xã hội ở quy mô rộng lớn. Ngài khuyến khích mọi người hãy lần chuỗi Mai Khôi đang khi đi đường, đi làm hay lái xe. Thậm chí ngài còn nhắc nhớ những khấc nổi trên vô lăng cũng có thể được sử dụng để lần hạt Mai Khôi. Ngài xem Kinh Mai Khôi như một phép chữa bệnh, bởi vì đó là lời kinh chiêm niệm bao gồm việc chạm đến những hạt kinh, nâng quý Thánh Giá và hôn kính một cách tín thành. 

Ngài đề cập đến Kinh Mai Khôi ắt hẳn là lời kinh cho mọi người, từ những người bình dị nhất cho đến những thần học gia lỗi lạc nhất. Ngài thường xuyên nhắc nhớ những ai tự cho mình là thông minh xuất chúng rằng: họ đang lấy đi khỏi mình những ân sủng tuyệt diệu nhất nếu như họ đánh mất đi sự khiêm tốn và bỏ lần hạt Mai Khôi.

Mong ước của ngài là hình thành một chuyến du hành sứ vụ cho mọi người trên toàn thế giới thông qua việc đọc Kinh Mai Khôi và ấn định mỗi mầu sắc khác nhau cho một khu vực địa lí khác nhau: màu xanh lá tượng trưng cho Châu Phi; màu xanh dương tượng trưng cho Thái Bình Dương; màu trắng tượng trưng cho Châu Âu; màu đỏ tượng trưng cho Châu Mỹ và màu vàng tượng trưng cho Châu Á bởi vì vùng đất này được mệnh danh là vùng đất mặt trời mọc. Chương trình “World Mission Rosary” của ngài trở nên rất phổ biến và vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay.

Những gợi ý về Kinh Mai Khôi của Đức Fulton Sheen

1. Có ý kiến cho rằng sự trùng lặp trong Kinh Mai Khôi quá nhiều bởi vì Kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng được đọc một cách liên tục, vì thế nó rất đơn điệu. Điều đó làm tôi nhớ đến một người phụ nữ đã đến gặp tôi vào buổi tối sau khi tôi đi giảng về. Cô ấy nói: “Tôi sẽ không bao giờ trở thành một người Công Giáo. Ông chỉ lặp đi lặp lại những lời lẽ có vẻ chẳng có gì mới trong Kinh Mai Khôi và bất cứ ai làm như thế đều không phải là người ngay thẳng. Tôi sẽ không bao giờ tin bất cứ ai cứ đọc đi đọc lại những lời lẽ ấy, kể cả Thiên Chúa.”

Khi đó, tôi hỏi cô ấy về người đàn ông của cô. Cô ấy nói cô có một vị hôn phu. Tôi hỏi cô ấy rằng: “Anh ta yêu chị chứ?” – “Tất nhiên, anh ấy yêu tôi.” – “Nhưng sao chị biết?” – “Anh ấy nói…” – “Anh ấy nói gì?” – “Anh ấy nói: Anh yêu em.” – “Vậy lần cuối cùng anh ấy nói là khi nào?” – “Mới một tiếng trước.” – “Trước đó anh ấy có nói với chị như thế không?” – “Tất nhiên, tối qua. Tối nào anh ấy cũng nói với tôi như thế cả…”

Cuối cùng tôi nói với chị ấy rằng: “Đừng tin anh ta. Anh ấy cũng chỉ đang lặp đi lặp lại những lời ấy thôi. Anh ấy không phải là người ngay thẳng đâu.” 

2. Trong kinh Mai Khôi, chúng ta không chỉ đọc mà chúng ta còn suy tưởng về lời kinh ấy. 

3. Máy bay cần phải có đường băng để có thể cất cánh. Đường băng cần thiết cho máy bay thế nào thì chuỗi Mai Khôi cũng cần thiết cho việc cầu nguyện như vậy. bởi vì đó là khởi đầu thể lí để vươn tới độ cao của tâm hồn. 

4. Không tâm tưởng bình thường nào vượt qua được những lo lắng và sợ hãi. Họ tin tưởng vào Kinh Mai Khôi. Bạn sẽ bất ngờ làm sao bạn có thể từng bước từng bước, đạp lên những lo lắng của mình để đi đến ngai tòa của Trái Tim Tình Yêu. 

5. Kinh Mai Khôi vừa là lời kinh của tâm tưởng, vừa là lời kinh của lời nói. Lời kinh ấy được ví như một nơi mà những chú voi thông thái có thể đắm mình, đồng thời những chú chim đơn sơ cũng có thể uống nước. 

6. Nếu bạn mong ước dẫn đưa một ai đó đến với việc nhận biết trọn vẹn về Thiên Chúa và Thánh Thể Ngài, hãy dạy họ Kinh Mai Khôi. Một trong hai điều ấy sẽ xảy ra. Hoặc là người đó sẽ không đọc Kinh Mai Khôi nữa, hoặc là người đó sẽ nhận được một món quà đức tin. 

7. Vẻ đẹp của Kinh Mai Khôi không những chỉ là lời kinh được đọc ra nhưng còn là lời kinh trong tâm trí. Ai đó có đôi lần nghe đi xem một buổi trình diễn đầy cảm xúc với giọng nói được cất lên trên một nền nhạc đầy cảm xúc. Nền nhạc ấy sẽ góp phần tăng thêm sức mạnh và giá trị cho lời nói đó. Kinh Mai Khôi cũng giống như vậy. 

8. Kinh Mai Khôi là cuốn sách của người mù, nơi mà những tâm hồn có thể chiêm ngưỡng và hóa thân vào vở kịch tình yêu vĩ đại nhất mà thế gian được biết đến. Kinh Mai Khôi là cuốn sách của người đơn sơ, điều sẽ gắn kết họ vào những mầu nhiệm và tri thức làm họ thỏa mãn hơn sự giáo dục từ người khác. Kinh Mai Khôi là cuốn sách của người lớn tuổi, đôi mắt của họ khép lại trước bóng tối của thế gian này và mở ra vào thế giới đời sau.

9. Mọi khoảnh khắc nhàn rỗi của đời người đều có thể được thánh hiến nhờ vào Kinh Mai Khôi. Khi đi bộ trên đường, chúng ta cầu nguyện với chuỗi Mai Khôi trong tay hay trong túi xách. Khi chúng ta lái xe, những khấc trên tay lái có thế được sử dụng để lần hạt Mai Khôi. Trong khi chờ để được phục vụ bữa ăn, hay khi đang chờ xe lửa, trong cửaa tiệm, hay khi đang chơi trò chơi trên cầu, hay đang khi chuyện trò, hoặc khi chờ trước giờ thuyết trình… tất cả khoảnh khắc ấy có thể được thánh hóa và để tìm kiếm bình an nội tại, nhờ Kinh Mai Khôi, ai cũng có thể cầu nguyện mọi lúc dưới mọi hình thức. 

10. Kinh lúp có thể hấp thụ và hội tụ được những tia sáng của mặt trời, thì Kinh Mai Khôi cũng có thể gom góp tất cả những suy tưởng của cuộc đời trong những phòng bệnh đến được với trái tim trinh khiết và nồng cháy của Tình Yêu Chúa. 

11. Vào những lúc mà cơn sốt, sự đau đớn thể xác và vết thương làm chúng ta khó có thể cầu nguyện, một gợi ý cho việc này, bắt nguồn từ việc nắm giữ chuỗi Mai Khôi trong tay, hay tốt hơn là tôn kính thánh giá trên chuỗi Mai Khôi, cũng là một điều rất lớn lao rồi. 

12. Năng lực của Kinh Mai Khôi là điều quá sức để diễn tả. 

13. Tư tưởng thì biến đổi một cách vô vàn thông qua ngôn ngữ, nhưng trái tim thì không. Trái tim của người đàn ông, khi đứng trước người phụ nữ mình yêu thương, thì quá khó khắn để diễn đạt sự vô tận của cảm xúc thành một lời nói nào đó. Trái tim đưa ra một sự diễn đạt, “anh yêu em”, và không ngừng ghi khắc điều ấy. Đây là điều chúng ta làm khi đọc Kinh Mai Khôi, chúng ta đang nói với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Đấng Nhập Thể Cứu Độ, với Đức Maria: “Con yêu Ngài, con yêu Ngài, con yêu Ngài.” 

14. Kinh Mai Khôi là bản trắc nghiệm đức tin. Bí Tích Thánh Thể nằm trong phẩm trật các bí tích, thì Kinh Mai Khôi cũng nằm trong phẩm trật của việc thánh hóa. Đó là một mầu nhiệm, một bản trắc nghiệm đức tin và là tiêu chuẩn. Nơi đó linh hồn được phân xử dựa vào chính lòng khiêm hạ của nó. Dấu chỉ của người Ki tô hữu là sự sẵn sàng tìm kiếm Thiên Chúa trong thân mình của một Hài Nhi nằm trong máng cỏ, tiếp sau đó là chính Đức Kitô hiện diện trong hình bánh trên bàn thờ và trong sự chiệm niệm và lời kinh của chuỗi Mai Khôi. 

Trích từ Donald H. Calloway, MIC, Champions of the Rosary,
the history and the heros of a spiritual weapon, Marian Press, 2016.
Bản dịch của Học Viện Đa Minh, đăng lại từ kinhmancoi.net

Nếu Quý Vị thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này !

Gửi phản hồi

Người đăng tin

Lm. Giuse Lê Quang Uy, DCCT

Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế