ĐỨC MARIA: MÔN ĐỆ VÀ NGÔN SỨ
Môn đệ đầu tiên
Tất cả Kitô hữu đều mang ơn Thánh Luca vì trong Tin Mừng của ông có chân dung Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu. Đó là một chân dung chưa hoàn thành, nhưng những đường nét của nó đã hấp dẫn các thế hệ môn đồ tôn vinh Đức Maria là người nữ Chúa chọn. Chúng ta đều có thể nhắc lại lời chúc phúc của bà Êlisabét trong bài Tin Mừng hôm nay: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.” Chúng ta tôn vinh Đức Maria là người phụ nữ đã đặt cả con người mình để phục vụ chương trình của Thiên Chúa, người đã đồng ý để Thần Khí Thiên Chúa nắm giữ mình, để Con Thiên Chúa có thể mặc lấy xác phàm ở giữa chúng ta.
Chân dung Maria của Luca cho thấy cô là một thiếu nữ Do Thái trẻ tuổi, ngạc nhiên và sợ hãi về những gì Thiên Chúa yêu cầu ở cô. Nhưng cô không để nỗi sợ hãi chi phối phản ứng của mình; cô đồng ý để đề nghị của Thiên Chúa biến cô thành một bà mẹ trẻ. Thiên Chúa báo cho Maria sự lựa chọn của Người; đến lượt mình, cô thưa lại với Thiên Chúa sự lựa chọn của cô. Hai lựa chọn gặp nhau, tròn đầy.
Trong hai sự lựa chọn đó, Thánh Luca trình bày Đức Maria như một nữ đại đệ tử. Chúa Giêsu rao giảng: môn đồ chân chính là người nghe lời Chúa và tuân giữ. Luca cho thấy rất lâu trước khi Chúa nói đã xuất hiện Maria đáp ứng các yêu cầu của người môn đồ chân chính: cô nghe lời Chúa và cô đáp lại bằng cách để lời đó xảy ra trong đời mình. Maria là môn đồ chân chính đầu tiên trong Phúc Âm Luca.
Lên trời
Luca không đề cập đến cái chết của Đức Maria trong các tác phẩm của ông. Tân Ước không nói gì về sự kiện Mẹ lên trời. Mãi đến thế kỷ thứ VI, khi Đức Mẹ Maria trở thành biểu tượng của niềm tin và hy vọng cho mọi tín hữu, thì các Kitô hữu mộ đạo mới bắt đầu tổ chức lễ mừng kính Đức Mẹ. Họ cũng bắt đầu suy đoán về cái chết của Mẹ. Họ bị thuyết phục về sự thánh thiện và vị trí độc nhất của Mẹ trong kế hoạch của Thiên Chúa, và họ bắt đầu mô tả cái chết của Mẹ như một sự kiện phi thường, sự kiện phù hợp với một người phi thường như vậy.
Giống như những người Do Thái sùng đạo hình dung cái chết của Môsê là sự kiện ân sủng có các thiên thần mang thân xác ông đến Thiên Chúa, các Kitô hữu bắt đầu diễn tả cái chết của Đức Maria là sự trở về với Chúa. Những gì Tân Ước không có, thì đức tin giàu trí tưởng tượng sẵn sàng cung cấp.
Vì vậy, có rất nhiều hình ảnh Đức Maria được đưa lên trời và được trao vương miện Nữ hoàng Thiên Quốc. Các nghệ sĩ và nhà thơ thi nhau thể hiện cảnh trời. Vì vậy mới có những bức tranh tô điểm cho rất nhiều phòng trưng bày nghệ thuật trên khắp thế giới: đạo binh thiên thần mũm mĩm đang vận chuyển Đức Mẹ trên một chuyến bay về thiên đàng; các dàn hợp xướng thánh thiện kỷ niệm sự xuất hiện của Mẹ với các motet của Mozart; cảnh lễ đăng quang theo phong cách baroque hoành tráng đến nỗi ngay cả Chúa Ba Ngôi cũng chỉ có thể kinh ngạc ngước nhìn. Chúng ta có thể mỉm cười trước những cuộc phiêu lưu trong đức tin này, nhưng chúng được thôi thúc bởi tình yêu đối với Đức Maria, một tình yêu khẳng định rằng không có gì dưới đất hay trên trời có thể quan trọng hơn Mẹ của Con Thiên Chúa tối cao.
Tín điều Đức Maria hồn xác lên trời được Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố năm 1950 có nguồn gốc từ đức tin bình dân của cộng đoàn Kitô hữu. Tín điều này không quyết định Đức Maria có chết hay không trước khi được lên thiên đàng: nó nói rằng Đức Maria được hưởng sự sống vĩnh cửu với Con của mình, một mục tiêu mà tất cả chúng ta đều hy vọng cuối cùng sẽ đạt tới. Như Thánh Phaolô đã nói trong bài đọc thứ hai hôm nay: “…mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người…” Giáo hội tuyên bố rằng Đức Maria, người thuộc về Chúa Kitô cách đặc biệt, đã được hưởng rồi sự sống mới sung mãn.
Maria, người phụ nữ cấp tiến
Chúng ta có thể hiểu Đức Maria hồn xác lên trời nơi hình ảnh trong bài đọc thứ nhất hôm nay: “một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao.” Tuy nhiên, khi nghĩ về sự kiện này, chúng ta luôn quay trở lại chân dung giản dị của Mẹ trong các trang Tin Mừng, nơi Mẹ không phải là sao dưới đất cũng không phải nữ hoàng trên trời. Trong Magnificat của Luca, Mẹ là người tớ nữ thấp hèn, vui mừng được Thiên Chúa, vị cứu tinh và ban phúc cho mình đoái thương nhìn đến. Thiên Chúa đã làm cho người tớ nữ này biết bao điều cao cả.
Trong kinh Magnificat, chúng ta thấy Đức Maria là người phụ nữ cấp tiến. Mẹ là người phụ nữ khao khát một công lý mới trên trái đất, một công lý phản ánh phán quyết của Thiên Chúa. Đấng không bỏ qua tớ nữ là Thiên Chúa hạ bệ kẻ quyền thế và tôn cao kẻ thấp hèn. Trong chế độ này, kẻ đói được của đầy dư, người giàu về tay trắng. Đức Maria lên tiếng cho một sự khôn ngoan ngược đời. Mẹ lên tiếng phản đối triệt để điều mà tất cả chúng ta đều coi là đương nhiên: rằng kẻ mạnh sẽ luôn thắng kẻ yếu, rằng các nước giàu sẽ phát triển mạnh mẽ trong khi chết đói thuộc về các nước nghèo, rằng kẻ mạnh về chính trị sẽ luôn chiếm giữ ngai vàng quyền lực.
Mẹ là người phụ nữ mà chúng ta tôn vinh hôm nay, là niềm hy vọng tràn đầy. Rồi thì sẽ đến lượt chúng ta.
Lm. DENIS McBRIDE, DCCT
Bản dịch của Lm. NGUYỄN MINH ĐỨC, DCCT