Trong suốt một Năm Phụng Vụ, đỉnh cao của Đạo là Lễ Phục Sinh.
Vì nếu kẻ chết không trỗi dậy (egeirontai), thì Đức Kitô cũng đã không trỗi dậy (egēgertai) (1Cr 15, 16).
Động từ egeirō và các biến thể được dùng 144 lần trong Tân Ước, không chỉ dành riêng cho việc trỗi dậy từ cõi chết của Thầy Giêsu, có nghĩa theo tiếng Anh là rise (mọc lên), araise (nổi lên), get up (thức giấc), wake from sleep (đánh thức người đang ngủ), restore from a dead (làm cho sống lại), raise to life (nhấc lên để sống), raise up (give birth to) a child (sinh ra một đứa con), heal (chữa lành), stand from a prone or sleeping position (đứng thẳng lên từ chỗ đang nằm ngủ).
Trong 5 lần Mátthêu đề cập đến hành động tức thì của Giuse sau khi được báo mộng thì đều dùng egeirō.
Khi tỉnh giấc (egertheis: trỗi dậy, đứng thẳng lên, thi hành lệnh truyền từ giấc ngủ), ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. (Mt 1, 24).
Thầy Giêsu trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại (egeirontai: được vực dậy từ cõi chết), kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11, 4-5).
“Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Thầy Giêsu, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy (ēgerthē) như Người đã nói” (Mt 28, 6).
Bấy giờ ông Phêrô nói: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy (egeire: trỗi dậy từ vị trí đang nằm lê trên mặt đất) mà đi!”
Tại hầu hết các quốc gia ở Âu Châu, từ “Phục Sinh” bắt nguồn từ chữ Pesah, Pesakh (Lễ Vượt Qua) của Do Thái.
Pascha (Hy Lạp), Pascha (Latin), Pasqua (Ý), Paaske (Đan Mạch), Pâques (Pháp).
Nhưng từ Ostern/Ostara (Đức) lại là tên của Nữ Thần Mùa Xuân của ngoại giáo. Lễ mừng Ostern là vào ngày Xuân Phân (vernal equinox), thời điểm bắt đầu mùa xuân tại Bắc Bán Cầu. Đây là ngày mà thời gian ngày (có mặt trời) và đêm (không có mặt trời) bắt đầu dài bằng nhau. Vào mùa đông trước đó thì đêm luôn dài hơn ngày. Từ thời tiền sử, các dân tộc đã biết ăn mừng Xuân Phân như một thời khắc linh thiêng.
Khi Tin Mừng được loan báo tới đâu thì Xuân Phân cũng là dịp ăn mừng Phục Sinh. Công Đồng Nicaea vào năm 325 ấn định Phục Sinh vào Chúa Nhật tiếp theo kỳ trăng tròn (full moon) đầu tiên sau Xuân Phân. Do đó Lễ Phục Sinh có thể dao động từ 25 tháng 3 cho tới 25 tháng 4 tuỳ theo vị trí của các hành tinh và Mặt Trời.
Tiếng Anh có nguồn gốc tiếng Đức ở phía Tây (English is a West Germanic language). Bởi từ Ostern (Đức) mà có từ Easter (Anh): Phục Sinh.
Ở đây ta thấy trong hệ ngôn ngữ Đức (12 thứ tiếng) người ta không dịch Phục Sinh theo ý nghĩa của Lễ Vượt Qua của Do Thái (trong dịp lễ này, Thầy Giêsu chịu khổ nạn và phục sinh) mà dùng từ Ostern/Easter đã có sẵn trước khi đón nhận Tin Mừng để ăn mừng Phục Sinh theo văn hoá truyền thống của họ.
Osten (Đức), East (Anh) còn có nghĩa là phương đông. Easter có nghĩa là “người đến từ phương Đông”. Cái gì quan trọng nhất đến từ phương Đông mà thiếu đi cả nhân loại này sẽ tiêu vong ngay lập tức. Câu trả lời rất hiển nhiên, đó là Mặt Trời (viết hoa để tỏ ý tôn kính theo tiếng Việt, Mặt của Ông Trời).
Mặt Trời xuất hiện 195 lần trong Kinh Thánh. Thầy Giêsu nói về Mặt Trời như là thể hiện Lòng Thương Xót của Cha Trời cho toàn nhân loại: “Người cho Mặt Trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt” (Mt 5, 45).
Mặt Trời sẽ là vinh quang đời đời của Giêsu Nhân: “Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha Trời” (Mt 13, 43).
Mặt Trời là diện mạo đích thực của Thầy Giêsu: “Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như Mặt Trời” (Mt 17, 2).
Nơi Mặt Trời có điềm báo Giêsu quang lâm: “Nhưng trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì Mặt Trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng” (Mc 13, 24).
Mặt Trời khuyên ta sống cho phải đạo: “Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4, 26).
Mặt Trời nhắc nhở ta về sự phù du của vinh hoa thế tục: “Quả thế, Mặt Trời mọc lên toả ra sức nóng làm cho cỏ khô, khiến hoa rụng xuống, vẻ đẹp tiêu tan. Người giàu có cũng sẽ héo tàn như vậy trong các việc họ làm” (Gc 1, 11).
Mặt Trời là áo mặc của Mẹ Maria và của Nhà Đạo: “Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12, 1).
Cung Thánh của nhiều Nhà Đạo trên thế giới được thiết kế hướng về phương Đông. Thời xưa chưa có đèn điện, các Kitô hữu thường phải đi lễ trong bóng đêm, dự lễ trong bóng tối mù mờ với vài ngọn nến leo lét. Tới Kinh Tạ Ơn: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến” thì cũng đúng lúc Mặt Trời ban mai từ từ chiếu sáng trên khung kính phía trước bàn thờ. (Stained glass/mosaic window). Lúc đó người ta rất thấm thía Chúa Phục Sinh thực sự là Mặt Trời mọc ban sự sống, ánh sáng và hơi ấm cho con người và muôn loài.
Trong tiếng Anh, “to rise” là động từ dùng chung cho Mặt Trời mọc và Thầy Giêsu trỗi dậy từ cõi chết. Sunrise (Mặt Trời vươn lên ngự trị): rạng đông, bình minh.
Ta không biết chính xác thời khắc Thầy Giêsu phục sinh, nhưng Thầy đã hiển dương (hiện ra cho người sống trong cõi dương để báo tin Thầy đã sống lại) vào lúc Mặt Trời mới mọc.
“Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ – Very early when the sun had risen, on the first day of the week, they came to the tomb” (Mc 16, 2).
Do đó mà có tập quán cử hành Sunday Sunrise Service (tạm dịch: Lễ Chúa Nhật Phục Sinh Ngoài Trời Vào Lúc Mặt Trời Mọc).
Lễ bắt đầu vào lúc rất sớm, rất tối, rét căm, ai nấy đều phải mặc nhiều lớp áo chống lạnh, lần mò quờ quạng đến địa điểm tập trung, thường là một nghĩa trang, một ngọn núi, một bờ biển. Họ sẽ đọc nhiều bài Kinh Đạo, cùng hát, chia sẻ với nhau về cảm nghiệm Phục Sinh cốt sao để thấm thía từ trong bóng tối của một bờ biển hay nghĩa trang âm u, ta sẽ từ từ thấy thiên nhiên chung quanh bừng lên với ánh sáng huy hoàng và hơi ấm lan toả của Mặt Trời mọc, tượng trưng cho sự Hiển Dương của Thầy Giêsu, ban ánh sáng, hơi ấm, và sự sống cho nhân loại. Khi đó ta sẽ thấm thía rằng chung quanh ta, có khi có hàng ngàn, hàng chục ngàn ngôi mộ chứa thi hài của những người quá cố, thật ra chỉ là những ngôi mộ trống, như ngôi mộ trống của Thầy Giêsu vì Thầy đã hiển dương từ cõi chết mà bà Maria Mácđala đã nhận ra.
“Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ. Bà đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Thầy Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” Nói xong, bà quay lại và thấy Thầy Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Thầy Giêsu. Thầy nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Maria tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” Thầy Giêsu gọi bà: “Maria!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Rápbuni!” (nghĩa là “Thưa Thầy”). Thầy Giêsu bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa (Theon) của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em”. Bà Maria Mácđala đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa (Kyrion), và bà kể lại những điều Người đã nói với bà. (x. Ga 20, 1-18).
Gặp được Giêsu Hiển Dương, bà Maria Mácđala vẫn gọi người là Thầy. Tác giả Gioan còn cẩn thận ghi lại từ Hebrew “Rabbouni” để cho thấy Đấng mà bà nhận ra vẫn là “Thầy” của bà như lúc trước.
Thầy Giêsu gọi Cha của Thầy (và của ta) là Theon (Tạo Vật Tối Cao/Ông Trời) nhưng khi bà Maria Mácđala báo lại cho các môn đệ (trong ngôn ngữ của Gioan không hề có sự phân biệt giữa tông đồ và môn đệ, ai cũng là môn đệ của Giêsu) về Giêsu Hiển Dương thì bà vẫn gọi Người là Kyrion (Thầy và Chủ) như lúc trước.
Cách gọi “Phục Sinh” (phục hồi lại sinh hoạt như trước) hay Sống Lại (chết rồi sống lại, sau đó lại chết tiếp) là quá yếu, không nói lên hết sự vươn lên hiển trị như Mặt Trời mọc lên sau đêm dài u tối của Thầy Giêsu từ cõi chết. Người viết tạm đề nghị dùng thêm từ “Hiển Dương”.
顯 còn viết là 显 hiển. Làm cho vẻ vang, vinh diệu, hiện ra. Hiển dương 顯揚 làm cho rực rỡ, vẻ vang.
陽còn viết là 阳 dương. Mặt trời. Dương quang 陽光 ánh sáng mặt trời. Tươi sáng. Hướng về phía mặt trời.
Dương thế 陽世 cõi đời. Cõi dương của người sống. Cõi ta đang sống cũng là cõi của Giêsu Hiển Dương.
Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết ? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi” (Lc 24, 5).
Hiển dương là Giêsu từ cõi chết vươn lên hiển trị huy hoàng, chiếu sáng nơi cõi người sống và cho người đang sống.
Trích bài viết của NGUYỄN THẾ TRUNG