( Ảnh minh họa: Booket T. Washington, một trong các thầy giáo người Mỹ da đen nổi tiếng thế giới ).
Buổi trưa tháng giêng hôm ấy, tôi bước ra ngoài và nhìn lại cửa hàng của mình: cơ sở lắp đặt và sửa chữa ống nước Atlas. Tôi đã mất 30 năm cuộc đời để có được cơ ngơi này, giờ đến lúc tôi phải đi theo tiếng gọi của trái tim. Tôi đóng cửa lại và treo một tấm bảng nhỏ: “Ngưng hoạt động”.
Chui vào chiếc xe hơi cũ kỹ, ở tuổi 50, tôi hướng những suy nghĩ vào giấc mơ của đời mình: trở thành một nhà giáo. Trong lúc lái xe về nhà, tôi ước chi thầy Roy còn sống để thầy và tôi có thể bàn bạc, thầy Roy là cố vấn giàu kinh nghiệm, là mẫu mực cho tôi trong cuộc sống, thầy luôn trò chuyện với tôi, đặt cho tôi những câu hỏi như những người trưởng thành chớ không phải cho một thằng nhóc da đen gầy trơ xương.
Một hôm thầy Roy hỏi tôi: “Cháu định làm gì khi lớn lên ?” Tôi đáp ngay không do dự: “Làm thầy giáo”. Với một giọng chắc nịch, thầy Roy gật gù: “Vậy cháu sẽ là một thầy giáo”. Quàng cánh tay rắn chắc lên đôi vai gầy guộc của tôi, thầy bảo: “Nghe đây, sẽ có người bảo cháu rằng đó là không tưởng. Đừng bận tâm, hãy tìm cách minh chứng rằng cháu đúng”.
Khi tôi đang học trung học, mẹ tôi mất sau một cơn bạo bệnh và tôi phải giúp cha chăm sóc các em. Việc vào đại học của tôi trở nên xa vời và tôi quyết định từ bỏ giấc mơ thầy giáo để trở thành một người thợ sửa ống nước.
Tôi nhớ lại một lời khuyên khác của thầy Roy: “Bất kể cháu làm nghề gì, một người phu quét đường hay một thầy giáo, cháu hãy làm hết sức mình. Đó là điều đòi hỏi ở mỗi con người chúng ta”. Tôi tự nhủ, không được là thầy giáo, vậy tôi sẽ là người thợ giỏi nhất. Tôi học kỹ lý thuyết, thực hành cẩn thận, không để sai sót. Dần dà tôi đã có cơ ngơi của riêng mình.
Sau đó tôi lập gia đình và có hai con. Michael đang hoàn tất luận án tiến sĩ và Monique đang học năm thứ hai đại học. Còn vợ tôi đã quay lại trường từ nhiều năm trước và nay là một giáo viên tận tụy. Giờ đã đến lúc tôi thực hiện giấc mơ của mình.
Bốn ngày sau khi đóng cửa hàng, tôi xin vào làm bảo vệ cho trường Trung Học Hendrix. Tôi xem công việc này là một cách để kiểm chứng xem tôi còn thích nghi với bọn trẻ không.
Thật đáng mừng và cũng đáng ngạc nhiên là tôi lại trở nên người bạn tin cậy của bọn trẻ. Có thể vì tôi luôn đặt mình vào vị trí của chúng. Đa số bọn trẻ, trong đó có Jeffrey, đều xuất thân từ những gia đình tan vỡ, lớn lên chỉ có mẹ hoặc bà. Chúng luôn cảm thấy thiếu vắng sự hiện diện của một người cha, một người để chúng nhìn vào và noi theo… Và với chúng, tôi đã trở thành một người như vậy…
Tuy nhiên, điều này khiến tôi đôi khi phải rất nghiêm khắc. Đã nhiều lần tôi quở mắng những cậu con trai đến trường trong trang phục không chỉnh tề, áo quần lôi thôi lếch thếch… Tôi gặp Jeffrey lần đầu cũng trong hoàn cảnh này. Chiếc dây nịt bị sứt khoen khiến lưng quần của cậu bé trễ xuống lòi cả quần lót ra một cách cẩu thả. Tôi bảo cậu bé, rồi lục tìm trong tủ đồ của tôi trong trường một cái khoen thế vào cái bị sứt trên chiếc dây nịt của cậu. Ngày hôm sau, Jeffrey đến trường với chiếc dây nịt mới…
Những cậu bé quậy phá khác cũng nhanh chóng phục thiện sau khi bị tôi la rầy. Có thể tôi đã vượt qua giới hạn của người bảo vệ, nhưng bọn trẻ vâng lời tôi vì chúng cảm thấy tôi thực sự quan tâm đến chúng.
Nhiều lúc tôi chợt nghĩ không nhất thiết tôi phải trở thành thầy giáo mới có thể giúp cho bọn trẻ. Với công việc hiện tại tôi cũng đã có thể gần gũi chúng. Nhưng rồi tôi nhớ lại lời thầy Roy: “Đừng bao giờ trốn tránh khó khăn, bất cứ cháu làm việc gì, hãy cố gắng hết sức mình”.
Mùa thu năm ấy tôi ghi danh học buổi tối ở Đại Học Brenau. Tôi bồn chồn lo lắng: liệu tôi có quá già để học đại học không ? liệu tôi có theo được đến cùng những bốn năm đại học… ? Nhưng trên tất cả nỗi căng thẳng. Sau một ngày làm việc, buổi tối từ trường về tôi học đến hai giờ sáng, rồi 5 giờ 30 đã phải thức dậy, quả là quá sức !
Như để động viên, cuộc đời đã gửi Jeffrey đến với tôi. Jeffrey tốt nghiệp năm trước, nay trở về trường thăm tôi khi tôi đang loay hoay sửa cái bóng đèn trong hành lang. Cậu bé lễ phép chào tôi và nói: “Thưa thầy, em muốn cảm ơn thầy. Nếu không có thầy chắc em không học hết lớp 6…” – “Thầy rất vui được gặp lại em, em đã tốt nghiệp rồi phải không ?” Chàng trai trả lời, trên môi là một nụ cười rạng rỡ: “Vâng thưa thầy, em cũng đã vào đại học theo gương thầy”. Tôi cảm động đến phát khóc. Và tôi quyết định phải học cho đến nơi đến chốn. Không chỉ cho tôi mà còn cho Jeffrey…
Hôm nay là ngày lễ tốt nghiệp. Súng sính trong bộ áo đen tuyền, đầu đội chiếc nón truyền thống, tôi nhìn vào chiếc nhẫn đá xanh, huy hiệu tốt nghiệp, trên bàn tay chai sần của những năm tháng sửa ống nước, mắt rưng rưng…
Trong tiếng nhạc du dương, buổi lễ trao bằng tốt nghiệp được tổ chức long trọng với vị hiệu trưởng và ban giáo sư trong y phục đại lễ, tất cả hội trường đứng dậy vỗ tay khi chúng tôi tiến vào, 350 sinh viên lớp tại chức. Khi tên tôi được xướng lên giữa hội trường rộng lớn, tôi hãnh diện bước lên khán đài nhận bằng tốt nghiệp, chân tựa hồ như bay trên mặt đất… Cuối cùng tôi đã là thầy giáo, như lời thầy Roy đã bảo năm nào…
Nếu bạn có một giấc mơ, bạn hãy kiên trì với giấc mơ ấy.
KHUYẾT DANH