CHỨNG TÁ YÊU THƯƠNG

NGHI THỨC RỬA CHÂN KHÁC THUỜNG


20g tối Thứ Năm Tuần Thánh 28.3.2013, tôi đến tham dự Thánh Lễ Tiệc Ly tại Nhà Thờ Giáo Xứ như thường lệ hàng năm. Nhưng năm nay có điều khác mọi năm. Vị chủ tế, Linh Mục Giuse Lê Quang Uy, khi chia sẻ bài Phúc Âm của Thánh Lễ Ga 13, 1 – 15, đã xin với cộng đoàn là chỉ dừng lại ở 3 ý về tinh thần Phục Vụ, được thể hiện qua việc Đức Kitô rửa chân cho các môn đệ của Ngài. Tôi xin lược ghi:

1. Phục vụ là thế nào ?

Không thấy Tin Mừng nói rõ nhưng Đức Kitô chắc là phải quỳ xuống thì mới rửa chân cho các môn đệ của Ngài được. Rửa chân là việc của đầy tớ, của nô lệ làm cho chủ của mình. Ngài làm như vậy là nêu cao tinh thần phục vụ và dạy các ông bài học khiêm hạ; nên khi rửa chân cho họ xong, “Ngài mặc áo vào về chỗ và nói: anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? Anh em gọi Thầy là Thầy. là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật Thầy là Thầy. là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” ( Ga 13, 12 – 15 ).

Trong Hội Thánh, các Đức Giáo Tông thường ký tên dưới các văn bản là “Sevus servorum” nghĩa là “Đầy tớ của các đầy tớ”. Như vậy ngài là đầy tớ của chúng ta, còn chúng ta là đầy tớ của nhau. Khi nói phục vụ thì không ăn lương, không có phong bì, mà tự nguyện hoàn toàn. Cũng phải chịu khó hạ mình ghê lắm, phải yêu thương kính trọng nhau nhiều lắm. Lại phải phục vụ nhau mỗi ngày, nhiều lần, dài dài suốt đời…

Cha Quang Uy kể, năm 2007, khi đi giúp Tam Nhật Thánh ở trại phong Bến Sắn, Bình Dương, có đến thăm tận nhà hai ông bà đã gặp và kết hôn. Họ đã gắn bó yêu thương phục vụ nhau như vậy là đã mấy chục năm. Trong Thánh Lễ chiều Thứ Năm, cha thấy họ ngồi ở cuối Nhà Thờ, cha hỏi họ có muốn rửa chân cho nhau trước mặt cộng đoàn không ? Họ đã làm một cách đơn sơ tự nhiên, cả cộng đoàn xúc động. Sau đó cha và các chị Nữ Tu, các bạn trẻ từ Sàigòn cũng tỏa xuống các hàng ghế rửa chân cho các bệnh nhân phong không hề được chọn trước.

Có một chuyện bất ngờ, ấy là khi vừa xong, cha Uy vào phòng thánh để rửa tay và mặc lại áo Lễ, thì chị Bề Trên Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn đã xin được kín đáo rửa chân cho mười chị trong cộng đoàn do chị phụ trách cũng đang phục vụ tại đây. Cha liền quay ra Nhà Thờ xin ca đoàn hát thêm một bài nữa, ở trong chị Bề Trên đã quỳ xuống rửa chân cho các chị em, lấy khăn lau khô và hôn chân từng chị. Các chị cứ thế ôm nhau trào nước mắt…

2. Tại sao lại cần phải phục vụ nhau ?

Chúa Giêsu đã đẩy việc rửa chân, phục vụ nhau lên một tầm cao, một chiều sâu tuyệt vời. Việc phục vụ lẫn nhau, khởi đi từ Chúa Giêsu, từ nay sẽ mang tính cứu độ. Khi ông Phêrô không đồng ý để Thầy rửa chân cho mình, Chúa Giêsu bảo: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” ( Ga 13, 8b ). Chung phần ở đây là được chia sẻ một thân phận, cùng trải qua đau khổ thập giá mới đạt tới được vinh quang.

Ngay từ đầu đoạn Tin Mừng đã nói: Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ đến cùng ( x. Ga 13, 1 ) nên Ngài đã chọn việc rửa chân như là biểu tượng sống động nhất không lâu trước khi Ngài sẽ chịu chết trên thập giá, phục vụ ơn cứu độ cho toàn nhân loại. Vậy chúng ta cũng được mời gọi yêu thương nhau đến cùng ngay trong đời sống gia đình, nơi cộng đoàn, ngoài xã hội, ở mọi môi trường.

Cha Uy kể chuyện ở trại phong Quả Cảm ngoài Bắc Ninh. Có 3 ông Tây già nhưng không chịu nghỉ hưu, tìm sang Việt Nam để phục vụ người cùi. Người anh lớn là Pierre Jacquard, người anh kế là Pierre Raymond, đều là Linh Mục, còn người em út là Pierre Xavier là một bác sĩ. Họ đã khám, đã lau rửa vết thương lở loét ở bàn chân của những người bị chứng “cùi lỗ đáo”, đưa chân họ lên tận mũi để ngửi mùi tanh hôi mủ máu, từ đó định được hướng điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân. Rất tiếc Nhà Nước Việt Nam đã không chấp nhận cho ba ông Tây ấy được ở lại phục vụ lâu dài…

3. Lệnh truyền: Hãy phục vụ lẫn nhau

Chúa Giêsu bảo với các môn đệ: “Nếu Thầy là Thầy, là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” ( Ga 13, 14 – 15 ). Chúa Giêsu dạy dỗ mời gọi mà như một lệnh truyền: “Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành thì thật có phúc cho anh em !” ( Ga 13, 17 ).

Việc rửa chân như vậy đã trở thành biểu tượng cho rất nhiều việc con người chúng ta ngày nay cần phải làm cho nhau với hết cả tâm nguyện chân thành để có thể vươn tới Sự Sống mà vượt thoát khỏi nền Văn Hóa của Sự Chết đang vây bủa. Bây giờ trong xã hội, người ta hô khẩu hiệu nhiều quá nhưng “đầy tớ của nhân dân” vẫn cứ đè đầu cưỡi cổ, hà hiếp, bất công, bóc lột và bắt bớ dân đen.

Tại Giáo Điểm Thới Long Xuân của Giáo Phận Cần Thơ, Thứ Năm Tuần Thánh năm ngoái, cha sở Trương Thành Công đi với cha Uy xuống hẳn dưới các hàng ghế trong cộng đoàn, người rửa chân, người lau khô. Ngoài những người ngẫu nhiên, cha sở còn chủ ý tìm rửa chân cho một số trường hợp đặc biệt, người nào cũng đều là Tân Tòng của Giáo Điểm. Sau này cha kể mới biết: có em thiếu niên lỡ ăn cắp có mười ngàn, bị đánh chửi nặng quá đã đi treo cổ tự tử, may mà cứu kịp; có bà cụ già bệnh tật, nghèo tả tơi mà không bao giờ bỏ Lễ Chúa Nhật, đi bộ từ 4g sáng mới tới được Nhà Thờ lúc 8g v.v…

Rửa chân cho khoảng 20 người xong, cha đứng trước cộng đoàn nói lời xin lỗi: “Thưa bà con, tui là cha sở được sai đến đây phục vụ bà con, vậy mà có lúc tôi phán đoán sai, có lúc tui nóng nảy la rầy,  làm bà con buồn… Xin bà con tha lỗi cho tui…” Nói xong cha khóc. Cộng đoàn cũng khóc theo !

Kết thúc bài chia sẻ, cha Uy cũng muốn nhân cơ hội này cùng các cha trong Ban Quản Xứ bày tỏ tấm lòng chân thành muốn phục vụ anh chị em Giáo Dân bàng việc rửa chân, lại như một cử chị tạ lỗi anh chị em về tất cả những thiếu sót, lỗi lầm đã qua…

Sau bài giảng, 4 cha trong ban Quản Xứ và 4 ông trong Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, đem nước và khăn xuống các hàng ghế trong Nhà Thờ, rửa chân cho các người ngồi đầu ghế. Bốn cha chia đều 4 điểm đến và làm công việc xưa Đức Kitô đã làm cho các môn đệ của Ngài. Cha Bề Trên chánh xứ Giuse Hồ Đắc Tâm và cha phó xứ Tôma Aquinô Phạm Phú Lộc phụ trách các ghế nửa dưới Nhà Thờ. Cha phó xứ Giuse Phan Đức Hiệp và cha phó xứ Giuse Lê Quang Uy phụ trách các ghế nửa trên Nhà Thờ. Khi mỗi cha dội nước rửa chân cho người tín hữu xong, thì quý ông trong Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ đi theo, dùng khăn lau khô chân họ.

Như vậy là số người được rửa chân năm nay tại Giáo Xứ tôi, không phải là những ông đóng vai các Tông Đồ, được lựa chọn từ các Xóm Giáo và các đoàn thể, mà là các tín hữu không chọn trước gồm nam, phụ, lão, ấu ngồi ở các đầu ghế, được quý cha theo gương Đức Kitô đến rửa chân cho. Và số người được rửa chân không phải là 12, mà là 12 x 4. Nghi thức diễn ra thật trang trọng, thật ý nghĩa: phục vụ trong khiêm hạ với tình yêu thương theo gương Chúa làm người.

Có lẽ trong 50 năm lịch sử Giáo Xứ, đây là lần đầu tiên có sự kiện này. Đây cũng là dấu ấn kỷ niệm đặc biệt trong Năm Thánh Giáo Xứ ( 12.3. – 31.12.2013 ), kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo Xứ ( 12.3.1963 – 2013 ); 60 năm thánh hóa ngôi Đền Thánh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ( 20.12.1953 – 2013 ), và 80 năm khai sinh cộng đoàn DCCT Sàigòn ( 7.10.1933 – 2013 ).

Trên đây là kể về nghi thức rửa chân năm nay tại Giáo Xứ ĐMHCG, thuộc Giáo Hạt Tân Định, quận 3, Sàigòn. Nhìn sang phía trời Âu, tới kinh thành muôn thuở, tại Toà Thánh Vatican ở Rôma, theo tin tức đã được loan tải rộng rãi, thì vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh 28.3.2013 vừa qua, Đức tân Giáo Tông Phanxicô ( Được bầu chọn ngày 14.3.2013, đăng quang 19.3.2013 ) sẽ đến thăm nhà tù Casal Del Marmo tại Rôma, nơi giam giữ các thanh thiếu niên nam nữ trong độ tuổi từ 16 đến 23, cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly tại đây lúc 17 giờ 30 và rửa chân cho 12 tù nhân, để thực hành giới răn yêu thương của Chúa.

Được biết Đức Thánh Cha Phanxicô khi còn là Tổng Giám Mục Buenos Aires, Achentina, ngài vẫn dành ngày Thứ Năm Tuần Thánh hàng năm, đến với những người nghèo, người bất hạnh. Khi thì ở nhà thương, nhà dưỡng lão, nhà tù; khi thì ở khu nhà ổ chuột. Năm nay 2013, làm Giáo Hoàng, ngài đến thăm và rửa chân cho các tù nhân, cũng là để tiếp nối truyền thống “sống với người nghèo và các tù nhân” của riêng ngài trong sự đơn sơ, khiêm hạ và đầy tình thương yêu như Chúa đã làm xưa.

Đó là những mẫu gương sáng ngời, rạng rỡ, cụ thể, sống động của các Đấng Bậc trong Giáo Hội. Còn chúng ta, những Giáo Dân, những phần tử nhỏ bé trong Giáo Hội, chúng ta cũng được mời gọi rửa chân cho nhau nữa thì sao ? Chúng ta rửa cho nhau trong gia đình, rửa cho xóm giềng, bè bạn; rửa cho người thân, người quen; nhất là rửa cho người nghèo, người bất hạnh, người kém may mắn hơn mình. Rửa chân không chỉ là đổ nước vào chân người khác, rồi lau khô, hôn chân nữa, nhưng còn là phục vụ nhau, tôn trọng nhau, chăm sóc nhau, tha thứ cho nhau, yêu thương nhau trong tinh thần vị tha, khiêm tốn, bao dung nữa.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con. Xin chúc lành cho chúng con hôm nay và mãi mãi.

Phêrô NGUYỄN VĂN VỊNH, Gx. ĐMHCG Sàigòn

Nếu Quý Vị thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này !

Gửi phản hồi

Người đăng tin

Lm. Giuse Lê Quang Uy, DCCT

Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế