Trong bất cứ nghi thức tôn giáo hoặc tín ngưỡng dân gian nào, đại để luôn luôn có hai chiều tiến dâng và trao ban: cứ lên rồi xuống, xuống rồi lại lên: con người cầu ơn, thần linh ban ơn, con người tạ ơn rồi lại cầu ơn nữa, thần linh lại tiếp tục ban ơn… Ngẫm nghĩ và so sánh một chút thôi thì thấy chuyện trong gia đình cũng y như thế, chẳng hiểu có phải từ cái mẫu gia đình mà lần hồi người ta định hình các nghi thức tế tự tôn giáo trong các xã hội tự cổ chí kim chăng ?
Sau khi được Cha cho ăn no thỏa bữa tiệc Lời, đàn con trong Đại Gia Đình sẽ xúm xít tìm những lễ vật để dâng lên cho Cha mà tạ ơn, mà đáp trả tấm lòng Cha đã hết mực thương yêu từng đứa và cả nhà, nghĩa là chẳng trừ ai. Của lễ các con ky ca ky cóp mang theo về từ bốn phương trời để biếu Cha không phải là những thứ trân châu bảo ngọc hay sơn hào hải vị quý hiếm và đắt tiền gì cho cam, nhưng lại là chính những sản phẩm hết sức bình thường từ nỗ lực làm lụng vất vả lâu nay để sinh nhai.
Các con ý thức rõ lắm đấy chứ, đâu có tự dưng mà có sức vóc làm việc sản xuất ra lương thực và của cải, đâu có sẵn trí khôn khôn ngoan thông thái mà phán đoán và sáng tạo, đâu có phải dễ dàng mà thiên nhiên nghiệt ngã lại cung phụng cho con người ta những lúa thóc khoai sắn và bao phẩm vật dân dụng thường nhật khác ! Hóa ra tất cả vẫn là xuất phát từ Cha. Bây giờ thì các con lại đem Sự Sống ấy đến đặt dưới chân Cha, trình với Cha, kính biếu Cha, Tết Cha chính những thứ trực tiếp hay gián tiếp Cha đã ban tặng cho mình.
Và trong tất cả những Ơn Cha ban cho đàn con, thì Ơn lớn nhất, Ơn tốt lành nhất, Ơn cao trọng nhất, Ơn Cứu Độ, “Hồng Ân” không gì sánh kịp và thay thế, lại là chính… ông Anh Hai Giêsu thân thiết trong Đại Gia Đình, là Người Con Trưởng dấu yêu của Cha.
Hóa ra, từng ngày từng giờ, từng giây phút, Anh Hai vẫn ở bên Cha nhưng cũng đồng thời hiện diện một cách thân thiết ngay bên cạnh từng đứa em mà Anh Hai đã tự nguyện đứng ra sẵn sàng nhận lấy cả cái chết để bảo lãnh cho các em trước mặt Cha, để cứu lấy các em khỏi vòng vây cuộc đời ô trọc lấm lem này, để giựt các em khỏi cái vong thân nguy tử mà đưa về Nhà, về Mái Am yêu thương của Cha.
Người Chị Dâu ân cần nhỏ nhẹ nhắc lại tất cả mối tình Huynh Đệ cảm động ấy của Anh Hai cho các em. Còn các em thì rưng rưng cúi đầu biết ơn Anh Hai. Tự bao giờ, từ lâu lắm, từ sâu thẳm, Anh Hai đã thay mặt cho lũ em nheo nhóc và ngỗ nghịch để dâng lên cho Cha của lễ làm đẹp lòng Cha nhất là chính mình. Và rồi Cha sẽ lại trao Anh Hai trở lại cho các con như là một Món Ăn ! Bữa tiệc được Chị Hai dọn ra cho các em bây giờ là chính… Thịt và Máu của Anh Hai Giêsu !Chị Hai lập lại lời Anh Hai bảo: “Các em hãy cầm lấy mà ăn, hãy cầm lấy mà uống !”
Trời ơi, đến điểm này thì tôi xin bó tay chịu thua, không cách nào dùng những ví dụ ở đời này mà trình bày trọn vẹn, mà so sánh cho thích đáng để cử tọa hiểu như ở các phần trước. Người đời có thể lắc đầu bĩu môi, làm sao mà chấp nhận một chuyện kỳ cục như thế. Mà người có đạo như chúng ta cũng đành chịu thua cái sáng kiến vĩ đại của Tình Yêu, một Tình Yêu viết hoa của Thiên Chúa đối với loài người, của Anh Hai Giêsu dành cho đàn em của mình mà thôi.
Vĩ đại quá, kỳ diệu quá, nên chúng ta chỉ còn biết cách thổn thức mà tuyên xưng, mà hát to lên một cách hân hoan vui sướng rằng: “Đây là mầu nhiệm Đức Tin !”Ai không chịu tin thì thôi, không ép làm gì, nhưng còn chúng tôi, chúng tôi biết chúng tôi đã là lũ em của Anh Hai Giêsu, là lũ con của Cha, chúng tôi xác tín điều phi thường lạ lùng ấy, mặc dù trí khôn loài người chúng tôi cũng không tài nào hiểu thấu, và chính vì không thể hiểu thấu, không thể diễn tả bộc bạch với những ai chưa tin mà chúng tôi gọi đó là mầu nhiệm…
Và rồi với tư thế là những đứa con được Cha yêu thương, là những đứa em được Anh Hai nuôi nấng dạy bảo, tất cả đã nhờ Chị Hai chuyển cầu lên Cha,lên Anh Hai, lên Thánh Linh Tình Yêu, tất cả những ý nguyện thiết tha cho những người còn sống, cho những người đã chết, cho những người anh người chị khác đang đau khổ, cho những đứa em nghèo đói, cho cả chú Ut ít trong nhà đang cần được chữa lành những vết thương tâm hồn và thể xác, cho cả Đại Gia Đình Hội Thánh thân yêu gắn bó.
Đàn em cũng nại vào lời dạy của Anh Hai, cũng nương vào thế Con Trai Trưởng yêu dấu của Cha mà giang tay vói lên cao, kêu to lên cùng Cha: “Abba, Ba ơi, Ba ở trên Trời…”rồi cứ thế mà xin điều này xin điều kia. Cha thừa biết lũ con muốn xin điều gì, nhưng hình như Cha vẫn thích lắng tai nghe chúng nó xin, để những món quà của Cha đã, đang và sẽ ban cho lũ con được trọn vẹn ý nghĩa là những Món Quà vô giá của Tình Yêu Cha – Con.
Xin với Cha rồi, chúng ta lại quay sang Anh Hai để xin cái mà thế gian, mà chợ đời, mà siêu thị trần gian ê hề bao nhiêu hàng hóa của ngon vật lạ, vẫn không thể nào đem lại cho chúng ta, và cho dẫu có tiền rừng bạc bể, có quyền lực hùng hổ, có danh vọng vênh vang thế nào đi nữa cũng chẳng tài nào mua sắm, giành giựt, sở hữu được, đó là Bình An: “Xin Anh Hai đừng xét đến những lỗi lầm bậy bạ chúng em đã phạm đến Cha, đến Anh Hai, nhưng xin nhìn đến Đức Tin của cả Gia Đình nhà mình mà cho bọn chúng em được luôn sống hiệp nhất và bình an !”
Mà ơn Bình An ở đây, lúc này, là chính Anh Hai. Lãnh nhận Bình An là đưa tay ra đón lấy chính Thân Mình, chính Thịt Máu, chính Sự Sống Thần Linh của Anh Hai, xin Anh Hai mãi mãi là Anh Hai yêu dấu của chúng em, để chúng em được luôn ở bên cạnh Anh Hai, được luôn ở trong Anh Hai. Mà một khi đã được ở trong Anh Hai thì cũng là được ở trong Cha.
Ôi một Gia Đình mà được như thế thì còn gì bằng, thì còn phải lo lắng xoay sở, bận tâm quay quắt chuyện ăn gì, mặc gì, làm gì nữa cơ chứ ! Mọi sự phó thác hết cho Cha. Mọi sự để cho Anh Hai lo. Mọi sự đã có Chị Hai thu xếp ổn thỏa chu đáo rồi còn gì ?
Cứ đọc lại câu chuyện sách Tông Đồ Công Vụ thuật lại về cái thuở mới khai sinh, mới hình thành Đại Gia Đình Hội Thánh mới thấy dạo ấy người ta đã sống được cái tinh thần “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, một thứ cộng sản chân chính tuyệt vời đến như thế nào:
“Các tín hữu luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng… Họ hợp nhất với nhau, để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu… Khi làm lễ bẻ bánh tại gia đình, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ…”( Cv 2, 42 – 47 ).
Lm. Giuse LÊ QUANG UY ( Còn tiếp 1 kỳ )
Nếu Quý Vị thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này !