Tôi muốn dành cho người nữ bác sĩ trong câu chuyện dưới với tất cả lòng ngưỡng mộ, yêu quý, cùng với lời cầu tha thiết nhất của tôi. Tôi gọi những người như cô là “anh hùng”, những chiến sĩ trên tuyến đầu trong cơn đại dịch Covid-19 này.
Các bác sĩ và những giọt nước mắt thời Corona virus
Hôm nay, có một người bạn là bác sĩ gọi điện cho tôi và van xin:
“Cha ơi, con không chịu đựng được nữa rồi. Con phải bỏ cái nghề này thôi. Thật ra, nó không còn là nghề nữa, mà là nghiệp – nghiệp chướng.
Cha có biết không, hai tháng nay con không dám về gia đình. Mỗi lần quá nhớ con, nhớ chồng, con trốn về thăm, nhưng chỉ đứng ngoài cổng nhìn vào. Đứa con trai duy nhất của con, năm nay đã được 9 tuổi đã biết hết tình hình. Nó không dám ra ôm con, mặc dầu con biết nó nhớ con như con nhớ nó. Con chỉ nhìn nó một lúc, rồi lặng lẽ biến mất về cuối đường phố, nơi đó các bệnh nhân đang bị nhiễm virus Corona đang chờ con giúp đỡ.
Cha ơi, khi cha đọc tin tức, nếu biết con bị lây nhiễm con virus này, xin cha đọc cho con một vài kinh và dâng cho con một vài Thánh Lễ, được không ? Xin cha nói với đứa con trai của con rằng: con yêu nó vô cùng…”
Vừa tới đó, tôi nghe bên kia rớt điện thoại và chỉ còn những tiếng khóc nức nở. Nhìn vào bản thân mình, hai hàng lệ đã chảy ướt áo chùng thâm lúc nào không hay ! Tình người mà ! “Vui với người vui, khóc với người khóc.” Chỉ có những trái tim vô cảm, chai đá mới không có cảm xúc trong bối cảnh bi đát này.
Các bác sĩ là người tội nghiệp nhất. Ta là người đã được ở an toàn trong nhà. Còn họ thì sao ? Phai liều thân trực tiếp với con Corona. Lẽ nào bạn vô cảm, không cầu xin Thiên Chúa một lời kinh, không động viên an ủi họ một vài lời ! ( Lm. Jos Trần Chính Trực ).
Can đảm lên ! Những anh hùng của tình thương…
Trong khi đọc tin ngắn về người bác sĩ do Lm. Trần Chính Trực chuyển, tôi cũng liên tiếp nhận được những thông tin từ bạn bè, từ người thân gửi nói về tình trạng khó khăn của các bác sỹ, y tá, và những nhân viên trong ngành, Một người bạn, bác sĩ Lương Huỳnh Ngân từ Việt Nam sau khi đọc tin ngắn về nữ bác sĩ trẻ do Lm. Trực gửi, anh viết:
“Cám ơn anh cho một thông tin xúc động nhắc đến bổn phận thế gian và tâm linh mỗi người.
Cháu gái tôi gọi bằng ông chú, cháu ngoại ông anh cả ( bác sĩ Lương Phán, có lẽ anh biết ), bác sĩ ở Paris cũng bị nhiễm, tự cách ly ở nhà theo phưong cách của Pháp vì bệnh viện quá tải. May thay, hôm nay ngày thứ tám, nó có triệu chứng lâm sàng khá ! Mến, Ngân.”
Một thành viên của studio Clara thì chia sẻ:
“Gia đình T. có hai ông anh họ là bác sĩ. Một người đã bị COVID-19 ở Pháp. Một người ở New York đang bị cách ly… Bác sĩ bị bệnh và cách ly hết rồi ai còn giúp bệnh nhân ? Các anh chị cầu nguyện cho các bác sĩ, y tá nhé. Họ là anh hùng.”
Và một người bạn khác đã vội vàng chia sẻ thông tin:
“T. có bà cô làm CLS ( Clinical Lab Scientist ) ở FV Hosp. cũng mới phone cho T. nói ở đó có khoảng 10 người bi nhiễm COVID-19, trong đó có một bác sĩ ER cũng bi nhiễm bịnh, đang trong ER và ICU. Bà nói với T. đừng có đi chợ lung tung hoặc tới khu Việt Nam đông đúc người. T. có hỏi là mấy người bịnh đó là Việt Nam sao ? Bà nói không biết tại vì bả chỉ ở trong phòng Lab thử máu và biết có người bịnh… Chắc bả không chiu nói thôi. Thử máu thì trên tube máu có tên người bịnh mà. Xem tên là biết Việt Nam hoặc Mỹ liền…”
Khi tôi viết những tâm tình bày tỏ lòng biết ơn, quý mến, và tôn trọng những tấm lòng cao cả, những bàn tay dịu dàng, âu yếm đang săn sóc những bệnh nhân của cơn đại dịch Covid-19, tôi nghĩ đến họ với tất cả ý nghĩa tích cực, trang trọng và kính phục: “Lương y như từ mẫu !” Trong những trường hợp như thế này, họ không là ai khác, ngoại trừ họ là những từ mẫu, mà các bệnh nhân cũng như nhân loại đang đặt tin tưởng, kỳ vọng nơi họ.
Tôi cũng nghĩ đến những người thân trong gia đình tôi, con cái, cháu chắt và bạn bè đang thi hành một ơn gọi, một sứ mạng cao cả trong giới y khoa. Và trái tim tôi muốn cùng đập nhịp với những thời khắc đầy thử thách, đầy oan khiên, và đầy khắc nghiệt này. Đừng buồn, và đừng để thứ thách làm nhụt nhuệ khí và ý nghĩa cao cả của ngành nghề mình, hỡi người bác sĩ trẻ.
Tôi đồng ý, nếu trong giây phút quá đau khổ, quá thất vọng, đôi khi ta có tư tưởng chán nản, hoặc trầm cảm, nhưng đó chỉ là phút chốc, chỉ là thử thách. Can đảm lên người bác sĩ trẻ dễ thương, và đáng kính phục.
Nghề của em không phải chỉ là một cái nghề đơn thuần như nhiều ngành nghề khác, nhưng là một ơn gọi. Nó không phải là một cái nghiệp ( nghiệp chướng ). Nếu có chút thử thách, thì vượt qua những thử thách này chính là những ánh hào quang cho sứ mệnh của mình. Em hãy mỉm cười và nhìn xem biết bao bệnh nhân đáng thương họ đang hướng về em, và chỉ mong nhìn được một nụ cười từ khuôn mặt hiền hậu ( từ mẫu ) của em, và một bàn tay dịu dàng giơ ra như một chiếc phao cho những khoảnh khắc chao đảo mà họ tưởng chìm trong khi phải chiến đấu với cơn ác bệnh.
Can đảm lên, chúng tôi luôn ở bên và cầu nguyện cho những anh hùng của tình thương.
TRẦN MỸ DUYỆT, 31.3.2020
Thật là những anh hùng, ai có thân nhân đang phục vụ trong y tế mới thây sự lo lắng trong thời buổi này, xin quý vị hãy chung lời cầu nguyện , xin đa tạ , vì trong số đó có các con yêu quý của tôi, Cầu xin Chúa Tối Cao đem đến nhiều ơn lành cho nhân viên ngành y tế và bình an cho chúng ta nói riêng và thế giới nói chung .