Có người đã nhận xét rất dỉ dỏm là trên các phần chi thể con người ta lộ ra bên ngoài, cái gì cần thiết phải tiếp nhận tối đa, Chúa đều rộng rãi ban cho có hẳn một cặp song đối hài hòa.
Hai con mắt để nhìn xa nhìn gần, thấy cao thấy rộng, hấp thụ kiến thức và kinh nghiệm sống.
Hai lỗ mũi để hít thở dưỡng khí nở căng buồng phổi nuôi sống toàn cơ thể năng động.
Hai tay để làm việc, bồng bế ẵm ôm, bưng bê bốc vác, sẵn sàng mở ra giúp đỡ mọi người.
Hai chân để không thụ động ù lì, luôn ở trong tư thế được sai đi, và nhất là để đứng vững trước mọi xô đẩy bon chen của cuộc đời.
Riêng hai tai rõ ràng để cốt nghe được bên này, ngóng được cả bên kia, đón lấy âm thanh tiếng nói, để hiểu, để suy tư, để thấm, để cảm nghiệm và để đáp trả những lời ngỏ yêu thương chân thành.
Chỉ duy cái miệng là chỉ có một và chỉ một mà thôi, một cách khuyến cáo rằng: nên nói vừa vừa thôi, ăn ít ít thôi, uống nhẹ nhẹ thôi, lạm dụng chức năng miệng sẽ có nguy cơ gây ra nhiều lỗi lầm và để lại những hậu quả ân hận cả đời !
Trở lại với chuyện cái tai. Nghe kể “chuyện bên lề”, như một giai thoại, có một vị Giám Mục vừa được chuyển từ một Giáo Phận nhỏ về nhận một Giáo Phận lớn, trong buổi tiếp tân dành cho các Linh Mục và nam nữ Tu Sĩ, ban tổ chức có sáng kiến để một cuốn sổ to, trình bày đẹp, trang trọng, để mọi người có thể viết vào đó những lời chúc mừng, rồi ký tên bên dưới, như vậy Đức Cha biết được có những ai đã đến để “ra mắt” ngài, chứ chỉ chen nhau bước lại cúi xuống hôn nhẫn thôi, nhanh quá, ngài không kịp nhớ.
Thế rồi mở đầu buổi lễ tiếp rước, đang khi mọi người còn xôn xao chụp hình, bắt tay, hôn nhẫn Đức Cha, xin Đức Cha ban phép lành, có một cha trong Giáo Phận nổi tiếng là bỗ bã trực tính, ăn nói tếu táo nhưng thẳng thắn, thấy cái gì kỳ kỳ chướng chướng là phát biểu ngay, mà phát biểu to và mạnh, có khi như vỗ vào mặt người nghe. Ai chịu nổi thì thấy đàng sau là chân tình quý mến, ai tự ái là sốc vô cùng ! Cha ấy vốn dĩ không thích những kiểu xúm xít xun xoe, ngài đang rảo vòng ngoài thì chợt thấy trên bàn phủ vải đỏ có đặt một cây bút quý và một cuốn sổ đẹp, đẹp y như… cuốn sổ vàng buộc phụ huynh học sinh phải đóng góp cho nhà trường dịp đầu năm học.
Cha ấy tò mò lại gần, thấy cuốn sổ còn “gin” chưa ai viết, ngài bèn phóng bút ghi luôn một hàng chữ to, ngắn, gọn, đại để: “Con xin Đức Cha mới về, mở to mắt, nói ít, nghe nhiều và làm cho tốt !” Đương nhiên những ai viết vào những trang sau đó đều đọc được hết, người tủm tỉm cười, người nhăn mặt cho là xiên xỏ với… các Đấng các Bậc. Không rõ chính Đức Cha phản ứng thế nào, chỉ thấy là Giáo Phận sau đó cũng có… chuyển mình !
Vậy đó, “trung ngôn” thì đương nhiên “nghịch nhĩ”. Mà “Thánh Ngôn” – Lời của Thiên Chúa, Lời của Trời nên thường là ngược với đời, lại càng khó được người ta đón nhận và chọn làm mẫu làm mực, làm khuôn làm phép để sống cho tốt. Ngay cả người có Đạo, người tự xưng là theo Chúa, là con cái của Chúa, có nghe Lời thì cũng chỉ nghe vậy vậy thôi, chứ sống Lời ấy thì chưa.
Về phía Thiên Chúa, rõ ràng Ngài có một sự kiên trì nhẫn nại tuyệt vời, Ngài đoan chắc từ Cứu Ước qua miệng Ngôn Sứ Isaia ( Is 55, 10 – 11 ):
“Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời
không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất,
chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,
cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn,
thì Lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta,
sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả,
chưa thực hiện ý muốn của Ta,
chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó”.
Vậy là Thiên Chúa, Ngài sẽ đủ bao dung và yêu thương, dứt khoát không chịu thua sự ngoan cố khép kín của con người. Chúa vẫn cứ gieo hạt giống Lời, cứ nói bằng nhiều cách, xuyên qua các sự kiện, các biến cố của cuộc sống để ngỏ một Lời. Lắm lúc cứ ngỡ Lời như bị va đập vào một thứ tường thành lì lợm chai đá rồi dội ngược ra, mất tăm không một âm vang, không một tiếng dội. Thế nhưng rồi đến một lúc, sớm hay muộn, chóng vánh hay lâu dài, Lời sẽ “chu toàn sứ mạng” đã được Thiên Chúa trao phó với kết quả mỹ mãn.
Mà ở đây, Lời đâu phải chỉ là lời nói, lời phán, lời truyền, thuần túy bằng ngôn ngữ và âm thanh. Lời là chính Chúa Giêsu – Ngôi Lời, là Thánh Ngôn, là Logos viết hoa, được phóng vào giữa cái thế giới nhân loại ồn ào náo động bao nhiêu thứ tạp âm gian trá và xảo ngôn độc hiểm này. Chúa Giêsu không dùng loa sắt treo trên đầu cột điện giữa làng để tuyên truyền sa sả suốt ngày. Chúa Giêsu không bỏ tiền triệu để lải nhải quảng cáo chen vào giữa các trận bóng đá, các trò chơi trực tiếp truyền hình. Chúa Giêsu không bắt người ta phải chịu trận suốt ngày trong hội trường để học tập chính trị, để quán triệt các đường lối chính sách mị dân, ngu dân và hại dân.
Lời của Ngài, và chính Ngài, y như hạt giống từ vựa lúa Khôn Ngoan của Nước Trời, được tung vãi xuống trên những thửa ruộng nhân gian, công bố dõng dạc qua miệng các Linh Mục trong Thánh Lễ, đọc lên trịnh trọng mà thân tình nơi những nhóm Giáo Dân ngồi lại chia sẻ, thì thầm trong lòng các bạn trẻ nơi những vòng tròn tĩnh tâm, thều thào trên môi các bệnh nhân nan y hoặc các cụ già đang hấp hối trên giường bệnh, bập bẹ ngọng nghịu nơi miệng các em bé lớp Giáo Lý Khai Tâm…
Chúa Giêsu vẫn đang nói ở ngay buồng hỏi cung tra khảo, giữa nhà tù, nơi mặt trận, trong ngõ vắng, ở các buôn làng vô danh của người dân tộc thấp cổ bé miệng, ở các mái ấm cưu mang những con người bị từ khước bỏ rơi…
Đếm trong sách Tin Mừng theo Thánh Mátthêu thấy Chúa Giêsu có đến 3 lần kết thúc một bài giảng, một dụ ngôn, bằng thành ngữ: “Ai có tai thì nghe !” ( Mt 11, 15; 13, 9; 13, 43 ). Thiết nghĩ, đây là một lời nhắc nhở ân cần hơn là một lời khiêu khích mỉa mai. Mà Thiên Chúa lại ban cho chúng ta đến… hai lỗ tai thì lại càng phải nghe nhiều, nghe sâu, nghe rõ, nghe tới nơi tới chốn để rồi mới có thể dựa vào mời gọi và chỉ dẫn của Lời ấy mà sống.
Trong những dịp hành hương các bệnh nhân và người khuyết tật, ai cũng phải ngỡ ngàng và xúc động trước các em khiếm thính của trường Thuận An, Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương. Các Nữ Tu Dòng Saint Paul đã giúp cho các em ngôn ngữ ký hiệu của đôi tay ( Thủ Ngữ – Sign Language ) cùng với đôi mắt mở to nhìn vào môi người đối thoại. Mất khả năng nghe, các em đã cố gắng hết sức bù lại bằng cách vận dụng đôi mắt, đôi bàn tay, và chắc chắn bằng cả con tim khao khát được sống. Hạt Giống Lời của Chúa được tung gieo vào mảnh đất tâm hồn các em, và dường như đã không hao hụt suy xuyển chút nào, ngược lại, thu hoạch gấp trăm, bội thu như Tin Mừng đã khẳng định.
Còn chúng ta thì sao ? “Ai có tai thì nghe !”
Lm. QUANG UY, DCCT, Chúa Nhật 10.7.2011
Nếu Quý Vị thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này !