VĂN HÓA XÃ HỘI

CHÚNG TA CHIA SẺ RA SAO VỚI NGƯỜI NGHÈO ? – Lm. Giuse Lê Quang Uy, DCCT


Có thể gọi đây là những tâm niệm của anh chị em, của mọi người, của chính chúng tôi trong cuộc đời Mục Vụ, chúng tôi chỉ là người góp nhặt lại, hệ thống nó để chúng ta có chung một nền tảng mà phục vụ người nghèo cho thật tận tâm và chu đáo, theo như lời mời gọi Tin Mừng của Thầy Giêsu.

Chuyện không vui mấy, xin nói ngay từ đầu:

Dân mình hay dân nhiều nơi khác trên thế giới, có lẽ do hậu quả thời xã hội thiếu thốn kéo dài quá lâu trước đây, tâm lý ám ảnh sợ thiếu, sợ mất phần, nên khi khi có chương trình trao tặng miễn phí một món gì đó, người ta không chịu xếp hàng, chen chúc xô đẩy giành giật nhau, đã nhận mà nói dối là chưa nhận, lấy hơn mức quy định mà không nghĩ còn nhiều người đến sau mình. Người lớn sai mà còn làm gương xấu, dạy cho trẻ em lòng tham lam, óc tính toán thủ lợi, cái mà chúng ta gọi là khôn vặt, khôn lỏi để hơn người.

Một dịp Trung Thu, chúng tôi được một cha xứ mời gọi về phát quà bánh và lồng đèn cho các em thiếu nhi không phân biệt lương hay giáo ở một vùng miền quê Trà Vinh. Khi các bạn trẻ Nhóm Fiat lo phát quà cho sáu bảy trăm em bé, chúng tôi đi vòng ra phía sau đám đông đang tụ tập trong sân, thì chứng kiến mấy bà mẹ giữ lấy quà rồi bắt con mình lên xin nhận quà tiếp. Mấy đứa bé tròn xoe mắt nói: “Má, con có rồi mà má !” Bà mẹ bộp cho thằng bé cái bạt tai: “Mày ngu lắm, ông cha có nhiều đồ, máy cứ lên lấy cho tao !”

Thằng nhỏ mếu máo đi lên, các anh chị thấy nó khóc lại tưởng nó chưa có quà nên lại trao cho một phần. Nó mang về, mẹ nó giật lấy bỏ vào giỏ rồi bảo nó lên lần nữa. Thằng nhỏ phản ứng: “Má, con lấy hai lần rồi !” Nói vừa xong là nó chạy ù đi vì sợ ăn cái bạt tai nữa.

Lần thứ ba thằng bé trở xuống, lần này tay nó ôm gói quà mà mặt nó tươi rói: “Được quà nữa nè má ! Con lên lấy nữa nghen ?”

Lại có chuyện bên lề cũng cần dặn dò nhau:

Khi có ai đó vẻ ngoài khá giả giàu có ghé qua lấy một phần quà dành cho người nghèo, xin đừng vội xét đoán họ rồi đôi co căng thẳng. Có thể họ còn một chút lòng tham và chưa được ai giúp họ nhận thức đúng đắn… Lại cũng có thể họ lấy phần quà ấy đem về cho một người nghèo nào đó trong khu phố họ ở hoặc trên đường họ đi qua…. Cũng có thể họ sẽ là ân nhân trợ giúp cho việc thiện mình đang làm…

Hãy cứ ân cần trao phần quà cho họ, chân thành mỉm cười nói với họ: “Cám ơn anh chị đã sẵn sàng chuyển giúp phần quà này đến người nghèo ạ !”

1. Hãy trao tặng chứ đừng bố thí.

Hãy ở vị trí ngang với người nghèo thì điều chúng ta làm cho họ mới có ý nghĩa trao tặng, lòng chúng ta may ra mới có thể thấu cảm được với hoàn cảnh của họ đang sống.

Đừng coi mình là may mắn hơn họ, dư giả hơn họ, khỏe mạnh hơn họ để thấy tội nghiệp cho thân phận của họ, thương hại họ. Khi đó chúng ta đang ở vị thế cao hơn họ, cúi xuống mà ban phát bố thí cho họ. Như vậy, họ nhận quà của chúng ta mà trong lòng tủi thân, mặc cảm thấp kém, và có thể cả tức giận, căm ghét sâu xa.

Thánh Vincent de Paul: “Khi con cho người nghèo một món gì đấy, con hãy kèm theo một nụ cười, để nụ cười ấy xóa đi cử chỉ làm tổn thương họ khi con đã… cho họ.”

2. Cái ta giúp người nghèo thật ra là của người nghèo.

Chúng ta cứ ngỡ chúng ta được sinh ra dưới một ngôi sao hộ mạng quá nhiều may mắn, giúp cho chúng ta được lành lặn, khỏe mạnh, được học hành, được có công việc làm, được có gia đình ấm êm. Nhưng thật ra vẫn luôn tồn tại một bất công trực tiếp hay gián tiếp khiến cho có cách biệt giàu nghèo, có chênh lệch vị thế trong xã hội.

Mẹ Têrêsa Calcutta: “Cái áo đang mặc là của ta. Cái áo cất trong tủ không phải là của ta. Cái áo thứ ba ta có, là do ta đã lấy của một người nghèo nào đó, mà vì thế họ đã phải ở trần.”

3. Người nghèo giúp nhau nhanh và nhiều hơn ta !

Chuyện lon gạo của hai gia đình nghèo trong Xóm Giáo Nhà Thờ Kỳ Đồng, Sàigòn. Cha phụ trách nghe gia đình bà Tư bị đói vì hết gạo, cha chạy xe về Nhà Dòng xúc vội khoảng 20Kg gạo, quay trở lại thì thấy gia đình 5, 6 người đang quây quầy nấu nồi cháo, hỏi ra thì nhà bà Năm bên cạnh còn 2 lon gạo để nấu cơm, họ đã chia 1 lon cho bên này nấu cháo, họ còn 1 lon cũng đủ nấu cháo.

Ghé sang thăm nhà bà Năm mới biết họ không phải Công Giáo, họ bảo trước đây có lúc nhà họ cũng hết gạo, bà Tư cũng đem sang chia sẻ với họ 1 lon gạo, hai nhà đều ăn cháo còn hơn nhà được ăn cơm, nhà phải nhịn đói !

4. Ai cũng có thể giúp người khác một chút gì đó.

Chuyện em bé gái và cái mùng chống muỗi cho Châu Phi. Năm 2006, bé Katherine 7 tuổi, xem TV thấy bên Châu Phi cứ mỗi 30 giây có một em bé chết vì sốt rét. Bé buồn quá hỏi mẹ mới biết vì họ nghèo quá, không đủ tiền mua mùng chống muỗi gây sốt rét.

Thế là bé nhịn ăn vặt, nhịn bữa lỡ xin mẹ để dành tiền đủ để mua một cái mùng, gửi cho tổ chức Nothing But Nets. Bé cũng bắt đầu quyên góp mọi người xung quanh. Bé còn viết thư cho tỷ phú Bill Gates và ông đã quyết định góp 3 triệu USD cho Nothing But Nets.

Năm 2008, bé 9 tuổi, được đến thăm ngôi làng ở Châu Phi, nơi tất cả trẻ em đều được ngủ trong mùng do bé quyên góp, làng đã được đổi tên là làng “Mùng Katherine”…

5. Giúp được gì cho ai thì xin cố gắng làm ngay.

Chuyện ông già người Êđê cụt chân trên Trại Phong Êana, Đăk Lăk. Biết chúng tôi sắp lên thăm Trại Phong, có người cho khoảng 20 đôi giày vải bảo hộ lao động của công nhân. Đến nơi, chúng tôi xin trại phát các đôi giày vải này cùng với gạo, mắm muối, quần áo cho bà con bệnh nhân.

Thế rồi chúng tôi bắt gặp một ông già ngồi một mình khóc thút thít ở góc sân, hỏi thăm thì ông mếu máo nói lơ lớ tiếng Kinh: “Hồi xưa tôi còn chân thì không thấy ai cho giầy, bây giờ có cho giầy thì tôi không còn… chân nữa rồi !”

Sau này hỏi các Nữ Tu Nữ Vương Hòa Bình phục vụ ở đây, chúng tôi mới hiểu: bệnh nhân phong đi chân không có thể đạp vào đá trên đường, vết cắt sâu, bị nhiễm trùng rồi hoại tử, gọi là bị “cùi lỗ đáo”, họ phải tháo khớp mất bàn chân !

6. Chọn giúp con cá hay là giúp cái cần câu ?

Nhiều người biết chúng tôi hay đi giúp người nghèo các nơi, có người phê bình “làm chuyện tào lao, cứ giúp con cá, ăn hết họ lại đói. Phải giúp cái cần câu để họ vươn lên tự lập mưu sinh, không được để họ lười biếng, ỷ lại, muôn đời cứ nghèo mãi !” Chúng tôi trả lời: “Quý‎ vị lo được cái cần câu thì quá tốt. Nhưng ngay lúc này chưa có cần câu, họ đang đói thì chúng tôi giúp ngay cho họ con cá trước mắt ăn cho đỡ đói…”

Mà chúng tôi hỏi ra thì thường những người nói là cần phải cho cần câu, chờ hoài chẳng thấy có cái cần câu nào cả ! Vậy ai cố gắng lo được cần câu xin cứ lo cần câu, còn ai lo được con cá xin cứ cho con cá. Mà thật ra, người nghèo cần có cá ăn mới có sức để đi câu !

7. Đừng nghĩ phải chọn giúp nơi nào nghèo hơn, khổ hơn.

Có một bà chúng tôi quen xin đi theo trong một chuyến thăm một Nhà Mồ Côi. Khi về bà trách chúng tôi là ở đó thấy các em mặc đồ sạch sẽ, ăn cũng tạm đầy đủ, phải đi thăm và giúp những nơi nghèo đói hơn như trên Tây Nguyên, giúp mồ côi ở Sàigòn là… “chở củi về rừng”.

Chuyến sau chúng tôi đi lên Tây Nguyên giúp người dân tộc nghèo, khi về bà cũng trách chúng tôi là ở đó vào nhà người dân tộc thấy có cái TV đen trắng, thấy có cái Honda cùi bắp, đâu có nghèo khổ chi đâu, cần phải giúp cho đồng bào bị lũ lụt mới là thật sự khốn khổ.

Năm đó xảy ra lũ lụt, chúng tôi rủ đi cứu trợ, bà bảo xem phóng sự TV thì thấy người ta lùa mấy con heo đi chạy lụt, nghèo gì mà nghèo ! Bà nói phải dành cho các trẻ mồ côi tội nghiệp, các em lớn lên cần cả một tương lai !

Vậy là quanh năm bà cứ đòi phải đi giúp chỗ nào thật nghèo cơ !

8. Giúp người nghèo không phải để lập công đức hay chuộc tội.

Chuyện xảy ra ở Trại Tâm Thần Trọng Đức. Một lần chúng tôi đang chuẩn bị nấu bữa trưa cho các bệnh nhân trại nữ thì có một đoàn từ thiện cũng vừa tới. Chúng tôi được cô phụ trách trại xin ngưng lại, để dành đồ ăn cho bữa sau, hôm nay có đoàn họ cho đồ ăn ngon và nhiều lắm rồi, mình mà làm thêm thì dư uổng.

Thế là các bạn trẻ chúng tôi chạy ra phụ mang đồ ăn mới cho vào, không ngờ họ đổ hàng xuống, chụp hình quay phim bên ngoài bãi đậu xe xong là gọi nhau lên xe đi tiếp lại Đà Lạt.

Chúng tôi có mời họ ở lại giao lưu văn nghệ với các bệnh nhân đợi tới giờ ăn luôn. Họ trả lời: “Tụi tui đem cho họ đồ ăn là được rồi, coi như bố thí lập công đức vậy mà, văn nghệ văn gừng chi cho mất công !”

9. “Chúng ta là một Dân hăng say làm việc thiện”. ( Thư Phaolô gửi Titô 2, 14 )

Trích bài đọc 2 Phụng Vụ Đêm Giáng Sinh: “Vì chúng ta, Chúa Giêsu đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc Thiện”.

10. “Mỗi lần các con làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các con đã làm cho chính Ta vậy.” ( Tin Mừng theo Mátthêu 25, 40 )

Thầy Giêsu cứ muốn hòa mình, chìm ẩn vào giữa người nghèo, trở nên chính người nghèo, chứ không phải chuyện giả vờ đóng kịch là người nghèo theo kiểu vua Khang Hy bên Tàu ngày xưa hóa trang làm thảo dân vi hành trong thiên hạ để biết được lòng dân.

Thầy Giêsu muốn chúng ta cư xử đối đãi với nhau thế nào, nhất là với người nghèo, thì cũng chính là đã cư xử đối đãi với chính Thầy.

Cũng vì thế, ở nhiều nhà thương, ở nhiều Nhà Thờ, ở nhiều điểm chia sẻ từ thiện với người nghèo, có nơi đã chọn cách gọi rất hay, rất Tin Mừng, là: Nồi cơm Mt 25, thùng gạo Mt 25…

Lm. Giuse LÊ QUANG UY, DCCT, thứ tư 15.4.2020

Nếu Quý Vị thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này !

Gửi phản hồi

Người đăng tin

Lm. Giuse Lê Quang Uy, DCCT

Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế