Năm 1980, khi sinh hoạt trong Nhóm Mai Khôi, hát Lễ chiều ngày thường của cha cố Mai Văn Hùng ở Nhà Nguyện Mai Khôi bé nhỏ đường Tú Xương, tôi được tập và hát bài Lòng Trời. Tôi nhớ ra giai điệu từng được ba ở nhà cho nghe nhạc cổ điển bài O Danny Boy, bây giờ đọc ghi chú trên đầu trang bài Thánh Ca mới biết gốc tích là một cổ ca của người Ireland, lại thấy ghi lời Việt: VKP, tôi cũng không chú ý tìm hiểu thêm VKP là tác giả nào, ở đâu…
Rồi khoảng nửa năm sau, giữa tháng 8 thì vị Linh Hướng của Nhóm MK, cha Tiến Lộc bị bắt đi tù Chí Hòa lần thứ hai, Nhóm MK ngơ ngác bơ vơ không người dẫn dắt, mấy anh em đứng đầu Nhóm chúng tôi ngồi họp với nhau, bàn xem phải chạy đi gõ cửa xin cha nào giúp đây. Bạn trưởng Nhóm vừa kịp nghĩ ra tên cha Phụng, thì cũng đúng lúc ấy, chuông nhà vang lên, chạy ra mở cửa thì không ngờ là chính cha Vũ Khởi Phụng, DCCT. Ngài hỏi: Có phải đây là các bạn Nhóm MK không ? Cha Tiến Lộc trước khi đi “tĩnh tâm dài hạn” có nhờ tôi đi tìm giúp Nhóm MK thay ngài…”
Trời ơi, cầu được ước thấy, chúng tôi mừng rỡ vô cùng mời cha Phụng vào nhà, cũng là vào với Nhóm, cũng là vào với cuộc đời chúng tôi. Khi ấy cha Phụng 40, chúng tôi hơn kém 20 tuổi đời giữa bối cảnh một đất nước tan hoang xạm đen vì bắt bớ, vì Kinh Tế Mới, bán chợ trời, nghĩa vụ quân sự, trại cải tạo, vượt biên, và ăn độn bo bo với rau muống !
Cũng phải ít lâu sau chính tôi mới vỡ lẽ tên viết tắt trên góc hàng loạt bài Thánh Ca 4 bè chúng tôi thường hát: VKP là… Vũ Khởi Phụng !
Loáng một cái đã gần 40 năm, hôm nay tôi 60 tuổi, ngồi xe lăn gõ computer những giòng hồi ức riêng cho bài LÒNG TRỜI, thì anh em DCCT chúng tôi cũng vừa giỗ cha Phụng mãn tang 3 năm. Tôi bồi hồi xúc động, cảm nhận một niềm biết ơn với cha Tiến Lộc, với cha Khởi Phụng. Một vị đã cho cánh trẻ chúng tôi chiều xa, chiều rộng để dấn thân vào đời, yêu cho ra yêu; một vị lại cho chúng tôi chiều cao và chiều sâu để xác tín vào Thiên Chúa và Hội Thánh, sống cho ra sống.
Mở lại clip bài LÒNG TRỜI do ban hợp xướng Trùng Dương trình bày, lần đầu tiên tôi chú ý đến những điển tích Kinh Thánh Tin Mừng cha Phụng đã vận dụng để diễn tả được LÒNG TRỜI đối với con người, đối với chính chúng ta.
Xin mời cứ dõi theo từng phiên khúc của bài hát. Hai câu cuối của mỗi phiên khúc luôn luôn là một lời ngỏ với nhau hoặc là một lời nguyện với Chúa.
Đầu tiên là dụ ngôn “Con chiên đi lạc” của Tin Mừng theo Luca chương 15. Câu chuyện quá đỗi quen thuộc lại được cha Phụng phác họa thành một bức tranh có sắc màu chuyển dịch tài tình: mở đầu là trần gian u tối đã sáng dần lên, vui hẳn lên với một happy ending Thiên Đàng dâng cao niềm vui; mở đầu là con chiên đi lạc đã thoát xác thành tội nhân biết hoán cải trở về. Câu chuyện lại được điểm xuyết bởi những từ ngữ thuần Việt giàu cảm xúc: các động từ long đong, kiếm tìm, dõi theo, nệ hà, ẵm… và các trạng từ chan hòa, mênh mang, xôn xao…
Trần gian u tối, vì đâu Chúa long đong kiếm tìm,
Tựa người chăn chiên dõi theo chiên lạc đã xa,
Vượt miền hoang vắng, dù gian khó cũng không nệ hà,
Chỉ mong tìm thấy, ẵm chiên vui mừng chan hòa.
Một người tội lỗi, nếu biết thoát ly xiềng xích tham tàn,
Niềm vui dâng cao, mênh mang xôn xao Thiên Đàng.
Như một hạnh ngộ, cha Phụng bật thốt lên: “Lòng Trời là thế !”
Xin lan man thêm một chút: Sau dụ ngôn “Con chiên đi lạc” là dụ ngôn “Đồng bạc bị mất”, mức độ đầu tư Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã từ 1% tăng vọt lên 10%. Rồi thấy chuyện chỉ mới loanh quanh ở ví dụ về con vật và đồ vật, Chúa Giêsu đẩy cao lên với chuyện con người ở dụ ngôn “Người con đã chết mà nay được sống”, Lòng thương xót bây giờ đã cao ngất ngưởng, lên tới mức 50%.
Cuối cùng, nói mãi, kể mãi, dạy mãi mà hình như con người ta vẫn chưa chịu hiểu ra LÒNG TRỜI là thế nào, Thiên Chúa đành phải bộc bạch tất cả, vét sạch trọn vẹn tấm lòng của mình để mặc khải một tình thương không gì so sánh nổi: “yêu đến nỗi ban chính Con Một của mình để những ai tin vào Người thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời” ( Ga 3, 16 ). Mức đầu tư đụng trần, không thể cao hơn được nữa: 100% !
Chúng ta hãy được tại sao cha Phụng không cầm được niềm vui hân hoan, đã hô to lên, đã la vang lên cho mọi người: thôi đừng giả điếc làm ngơ nữa, hãy chạy ùa thật nhanh về bên Chúa Giêsu…
Lòng Trời là thế, anh em ta ơi hãy mau quay về,
Tạ ơn Thiên Chúa, dẫu tháng năm qua vẫn chờ đợi ta…
Sang đến phiên khúc thứ nhì, cha Phụng dẫn chúng ta vào vào với Bữa Ăn Cuối Cùng ( The Last Supper, không phải bữa Tiệc Ly như thường dịch sai, nói sai ). Chúng ta được ngồi xen vào giữa các Tông Đồ, hay có thể nói là điền luôn vào cái chỗ trống Giuđa đã bỏ uổng. Và chúng ta như được thấy tận mắt, được nghe tận tai, được cảm nhận Thầy Giêsu của mình tâm sự, dặn dò, trăn trối trước khi ra đi vác thập giá lên đồi.
Đến đây, cha Phụng đẩy thật nhanh câu chuyện, vượt qua cái chết đến với vinh quang phục sinh, cha dùng đến một dụ ngôn thấm thía: “Hạt lúa gieo vào lòng đất”, dụ ngôn của Tân Ước nhưng đã được báo trước từ Cựu Ước với “mùa về đơm bông, thơm hương nương đồng” của Thánh Vịnh 125.
Ngôn từ của phân đoạn thứ hai này vẫn thuần Việt, bóng bảy, nuột nà, gợi thanh, gợi ảnh, gợi cảm xúc như: trông mong, bồi hồi, chứa chan, xao xuyến, vô vàn, ngất cao, mỡ mầu, đơm bông, thơm hương, nương đồng…
Dọc đường dương thế, nhiều phen Chúa trông mong bồi hồi,
Ngày nào dâng hiến, máu tươi thanh tẩy chứa chan,
Và giờ đã đến, giờ xao xuyến đau thương vô vàn,
Một cây thập giá ngất cao thay cờ khải hoàn.
Tựa như hạt lúa ai đem gieo trong lòng đất mỡ màu,
Mùa về đơm bông, thơm hương vui sao nương đồng.
Cuối của phiên khúc vẫn là một lời ngỏ với chính mình, với nhau, với cả muôn dân gần xa: còn chần chờ chi nữa, đã có một Đấng chết thay cho ta được sống, phải lũ lượt trẩy hội quay về với cội nguồn Tình Yêu ấy thôi !
Vì Người đã chết cho ta biết đường sống tuyệt vời,
Đoàn con Thiên Chúa khắp nơi phương xa quay về nguồn vui…
Phiên khúc cuối cùng, không còn là dụ ngôn, mà là một cuộc đối thoại lạ lùng tuyệt vời, thật an tĩnh giữa bao nhiêu những náo động, chửi bới, miệt thị, những kêu la gào thét xen giữa những khóc lóc nức nở ( Lc 23, 42 – 43 ).
Cha Phụng thủ cả hai vai đạo diễn và cameraman, cho hai con người tội nghiệp quay nhìn vào mắt nhau thật ân cần trân trọng. Một bên không hề kêu oan, van xin được tha thứ chi cả, chỉ xin một chuyện rất khiêm tốn, rất nhỏ hèn, đó là “nhớ đến tôi” ( remember me – souviens-toi de moi ); một bên mỉm cười nhẹ nhàng hứa: “anh sẽ được ở cùng tôi ( shalt thou be with me – tu seras avec moi ).
Ở trên thập giá, kế bên Chúa có anh gian tà,
Một đời tan hoang, thốt lên đôi lời thiết tha:
“Ngày nào, lạy Chúa, Ngài đến giữa uy linh huy hoàng,
Thì xin thương đoái, xót con ngu dại hoang đàng…”
Lời xin chưa dứt, Chúa đã ban cho lời hứa diệu kỳ,
“Ngày hôm nay đây, Ta đưa ngươi lên Thiên Đàng.”
Cuối phân đoạn ba cũng là lời kết cho toàn bộ câu chuyện LÒNG TRỜI, lần này là một lời nguyện da diết kêu lên với Chúa Giêsu của tất cả những người đang “gian nan lưu lạc trần ai”, những nạn nhân của gia đình đổ vỡ, của xã hội bất công, của đất nước ly loạn, của thế giới nhiễu nhương…
Này Ngài đã đến, vinh quang uy hùng khắp đất trời,
Thì xin thương xót chúng con gian nan lưu lạc trần ai.
Lòng đời độc ác, Lòng người ngơ ngác… thì đúng lúc ấy, LÒNG TRỜI mở ra để rửa sạch cuộc đời, để chữa lành con người. LÒNG TRỜI vì thế còn có tên gọi khác là Lòng Chúa Xót Thương.
Vâng, ngày xưa, chúng tôi còn trẻ, chúng tôi đã ứa nước mắt khi hát những lời như thế, giai điệu cổ của Ireland có xa chúng tôi bao nhiêu thế kỷ về thời gian, có cách biệt chúng tôi bao nhiêu đặc nét về văn hóa, mặc kệ, không thành vấn đề, đây vẫn là câu chuyện chính Chúa Giêsu kể cho chúng tôi về LÒNG TRỜI, về chính Ngài.
Rồi hôm nay, ngồi viết những giòng bộc bạch này, chúng tôi trên dưới 60 tuổi, nhiều người đã hết hơi, không hát được đúng bè của mình như trước, nhưng click vào link trên Youtube nghe lại, chúng tôi vẫn ứa nước mắt.
Cám ơn cha Vũ Khởi Phụng đã nguệch ngoặc rất nhanh mà viết được lời Việt như thế này thì phải hiểu chính cha đã nghiệm sinh sâu xa ra sao. Ắt hẳn lúc sắp sinh thì ở Hà Nội, cha cũng đã kịp thủ thỉ thì thầm xin với Chúa Giêsu: “Remember me when you come into Your Kingdom”. Và…
Lm. Giuse LÊ QUANG UY, DCCT
Chúa Nhật Lễ Lá 14.4.2019