“Khi các bài ca của thiên thần ngưng bặt,
Khi những chòm sao trên nền trời Bêlem lặng khuất,
Khi ba vua đã trở lại quê nhà,
Khi các mục đồng cùng đoàn vật đã rút lui,
Thì bấy giờ, công việc Giáng Sinh lại bắt đầu
để tìm kiếm những gì đã mất,
để hàn gắn những gì đổ gãy,
để các tâm hồn được chữa lành,
để các nước được dựng xây trên hoà bình và công lý…
và để nhân loại được sống trong một nền văn minh mới, văn minh tình thương Kitô”.
Vậy mà tất cả ấy lại được bắt đầu từ một mái ấm, từ một gia đình, gia đình Nadarét mà chúng ta quen gọi là Thánh Gia.
Như bao gia đình khác, Thánh Gia cũng đã trải qua những ngày nắng ấm, những chiều giông bão; cả những khoảnh khắc an vui lẫn những phút giây bồi hồi; nhiều lúc rộn rã tiếng cười, bao lần sùi sụt tiếng khóc.
Thử nhìn lại cái thuở ban đầu lưu luyến ấy của đôi bạn trẻ Giuse – Maria. Từ phút truyền tin, từ buổi đón nhau về cho đến ngày sinh con giữa đồng không mông quạnh, hay khi phải ẵm con đỏ hỏn làm khách trọ quê người…, Thánh Gia phải đương đầu với bao thử thách. Thử thách bên ngoài do hoàn cảnh, thử thách bên trong như các trình thuật Tin Mừng cho thấy, “Giuse thấy bạn mình đang có thai, thì định tâm lìa bỏ bà”, “Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập”; “Con ơi, sao con làm thế, này cha con và mẹ phải lo lắng tìm con?”; “Cha mẹ không biết… con phải lo việc nhà Cha con sao?”… Đó là cả một khủng hoảng, một thử thách. Ngước nhìn lên hang đá, bóng thập giá đã thấp thoáng cuối trời.
Ấy thế mà, gia đình ấy vẫn là một gia đình hạnh phúc nhất trần gian, gia đình ấy vẫn trở nên thước ngọc khuôn vàng cho mọi gia đình trong nhân loại. Bởi lẽ, gia đình đó là một gia đình kính sợ Chúa, một gia đình cầu nguyện, một gia đình mà con cái là tất cả của cha mẹ và cha mẹ là tất cả của con cái. Ở đó, cha mẹ là cả một bầu trời cho con cái và con cái là cả một bầu trời của cha mẹ.
Ở đó, có một người cha chăm chỉ làm việc, một người mẹ ít nói nhưng cầu nguyện nhiều và cả hai cùng ra sức làm gương tốt để nuôi dạy và giáo dục trẻ Giêsu nên người, nên thánh. Ở đó, người con Giêsu hằng vâng lời tùng phục cha mẹ mình.
Trước bao khủng hoảng của cuộc sống hôm nay, đạo đức luân lý gia đình đang hấp hối, không ít mái ấm đang đối diện bên bờ vực đổ vỡ; đời sống vật chất của một xã hội tiêu thụ và hưởng thụ đang chực nuốt chửng các giá trị đạo đức truyền thống của gia đình. Cha mẹ ít có thời giờ cho nhau, chẳng có thời giờ để ở với con cái. Chưa bao giờ mà con cái vuột mất khỏi tầm tay cha mẹ như hôm nay; cha mẹ mất con ngay khi con đang ở trong nhà; gương lành gương tốt đang trở nên một cái gì xa xỉ và hiếm hoi. Đó là chưa nói đến gương xấu gương mù nhan nhản trên báo chí, phim ảnh, truyền hình…
Ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lên Thánh Gia để làm sống lại truyền thống gia phong Á Đông của cha ông bằng cách chiêm ngắm Giuse, Maria và trẻ Giêsu, những tấm gương ngời sáng của một người cha, một người mẹ và một người con hết lòng vì gia đình.
Chuyện kể về một người chuyên nuôi cá cảnh. Một hôm, trong kỳ hè, khi đang dạo chơi trước các quầy hàng dọc theo bờ biển, bỗng anh thấy một con cá ngũ sắc tuyệt đẹp trong một chậu thủy tinh ở quầy. Đó là một con cá nước mặn xinh xắn mà anh chưa từng thấy, anh quyết định mua về. Đến nhà, anh ra sức chăm sóc nó và áp dụng những phương pháp tốt nhất của một người chuyên môn.
Trước hết, anh đặt cá vào chậu nước mặn, cá lội tung tăng trong môi trường quen thuộc; thế nhưng, một tuần sau, với sáng kiến, anh thêm vào một ít nước ngọt, mỗi ngày một ít. Cứ thế, anh tăng dần nước ngọt cho đến khi chú cá quen hẳn với môi trường mới. Không dừng ở đó, anh tiếp tục luyện cá. Mỗi ngày, anh bắt đầu đổ vào chậu một ít bùn, và cứ thế, sau nhiều tuần, nhiều tháng, lượng bùn được tăng lên cho đến khi con cá quen hẳn với việc ngày ngày nằm trên mặt bùn đớp mồi như một loài bò sát. Chưa hết, anh tập cho cá ra khỏi chậu và lẽo đẽo theo anh như một chú cún cưng. Anh đã thành công, vì mỗi lần anh đi đâu, con cá màu ngoan ngoãn theo sau… Cho đến một ngày kia, chuyện đã xảy ra khi anh có việc sang nhà người bạn, có chú cá cùng đi. Lúc trở về, trời đổ mưa, anh phải chạy thật nhanh và quên mất chú cá. Sực nhớ, anh quay lại tìm, nhưng chẳng thấy đâu cho đến khi gặp một vũng nước trên đường, thì hỡi ôi, chú cá yêu quý của anh nằm chết trong đó… vì nó không biết… bơi!
Câu chuyện khiến chúng ta rùng mình sởn ốc khi nhớ đến trách nhiệm và bổn phận của một người làm cha làm mẹ trong việc giáo dục và làm gương sáng cho con cái. Vì “nửa cuộc đời còn lại của một con người được hình thành từ những thói quen có được từ nửa cuộc đời trước đó”. Thói quen cầu nguyện, thói quen đạo đức, thói quen lễ phép, thói quen dùng thời giờ, thói quen đọc sách, thói quen cám ơn, thói quen xin lỗi, thói quen học hành, thói quen dùng tiền… Nghĩa là, giáo dục thế nào, kết quả sẽ thể ấy.
Muốn được như thế, gia đình chúng ta phải là một gia đình mà Thiên Chúa phải chiếm địa vị tối thượng tuyệt đối trong bậc thang các giá trị, “Không ai hơn Chúa, không chi bằng Chúa, Chúa trên hết, Chúa trước hết”. Bởi lẽ, gia đình được dựng xây và phát xuất từ gia đình yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi, nếu Thiên Chúa không chiếm địa vị độc tôn tối thượng, mọi trật tự sẽ đảo lộn. Có Chúa, gia đình sẽ là một gia đình cầu nguyện… yêu mến cầu nguyện để có thể vượt qua tất cả.
Thống Tướng Douglas MacArthur, Tham Mưu Trưởng Lục Quân Hoa Kỳ Quân Đội Philippines thập niên 1930, người đã để lại một câu nói bất hủ, “In war, there is no substitute for victory”, “Trong chiến tranh, không có gì thay được chiến thắng”; vậy mà trong tiểu sử của ông còn có một câu nói bất hủ hơn, “Tôi là một quân nhân chuyên nghiệp, tôi hãnh diện về điều ấy… nhưng tôi còn hãnh diện hơn, hãnh diện hơn rất nhiều vì được làm một người cha… và niềm hy vọng của tôi là: Khi tôi đã về bên kia thế giới, thì con tôi vẫn nhớ đến tôi không phải với những hình ảnh oanh liệt ở chiến trận mà là những hình ảnh ở nhà tôi, khi tôi cùng đọc với nó những lời kinh thường đọc hằng ngày, “Lạy Cha chúng con ở trên Trời…”.
“Lạy Thánh Gia Thất, xin cho chúng con luôn ý thức tầm quan trọng của việc hình thành những chiếc khuôn giáo dục ban đầu… giáo dục nhân cách, giáo dục đạo đức, giáo dục lòng thương người… cho những ai Chúa trao phó. Xin cho mọi thành phần trong gia đình luôn trở nên những gương sáng cho nhau, gương sáng cầu nguyện, gương sáng yêu thương quên mình… nhất là yêu thương những người nghèo khổ”, Amen.
Lm. MINH ANH, Giáo Phận Huế
Tham khảo thêm
New Sunday & Holy Day Liturgies by Flor McCarthy and Mark Link