“Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Anh chị em thân mến,
Chủ đề “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” của phụng vụ Lời Chúa hôm nay đưa chúng ta về với những ý tưởng đơn sơ nhưng tuyệt vời của Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài khuyến khích mỗi gia đình hãy làm một hang đá, bởi lẽ, lễ Giáng Sinh nhắc nhở chúng ta về cách thức Thiên Chúa thể hiện tình yêu của Người bằng cách sinh ra làm người sống giữa loài người. Ngài nói: “Trong một thế giới mà vũ khí không ngừng được sản xuất, thì hang đá máng cỏ là một hình ảnh của hoà bình”.
Đức Thánh Cha mô tả một hang đá, một máng cỏ như là một Tin Mừng sống động. “Hãy mang Tin Mừng vào nơi chúng ta sống: trong các gia đình, trường học, tại các nơi làm việc và sinh hoạt, trong các bệnh viện và các nhà dưỡng lão, tại các nhà tù và ở các quảng trường. Và ở đó, nơi chúng ta sống, nhắc chúng ta một điều thiết yếu: Thiên Chúa không mãi cứ vô hình ở trên trời cao, nhưng Người đã đến thế gian, đã làm người, một hài nhi. Thiên Chúa luôn gần gũi dân Người, nhưng khi nhập thể và chào đời, Người trở nên quá gần, rất gần, vô cùng gần.”
Thiên Chúa không phải là một ông chủ xa xôi hay một quan toà cách biệt, nhưng Thiên Chúa là tình yêu khiêm hạ, hạ mình xuống cho đến bằng với chúng ta. Hài nhi nằm trong hang đá trao chuyền cho chúng ta sự dịu dàng của Người. Một số tượng nhỏ diễn tả Chúa Hài đồng với đôi tay rộng mở, để nói với chúng ta rằng, Thiên Chúa đã đến để ôm lấy nhân loại chúng ta.
Làm hang đá là cử hành sự gần gũi của Thiên Chúa. Thật là đẹp khi đứng trước hang đá và ở đó, chúng ta phó thác cho Chúa cuộc sống mình, nói với Chúa về những con người và hoàn cảnh mà chúng ta đã mang trong lòng; cùng với Chúa làm một tổng kết của năm đang kết thúc, chia sẻ những chờ mong và âu lo của một năm mới.
Hang đá là Tin Mừng của gia đình. Từ hang đá, nghĩa đen của nó là “máng cỏ”, trong khi thành phố của hang đá, Bêlem, có nghĩa là “nhà của bánh”. Máng cỏ và nhà của bánh: hang đá mà chúng ta làm ở nhà của mình, nơi chúng ta chia sẻ cơm bánh và tình yêu thương, nhắc chúng ta rằng Chúa Giêsu là lương thực, bánh sự sống. Chính Ngài nuôi dưỡng tình yêu của chúng ta, chính Ngài ban cho gia đình chúng ta sức mạnh để tiến bước và tha thứ.
Bên hang đá, chúng ta nhìn thấy Đức Mẹ và Thánh Giuse. Chúng ta có thể tưởng tượng những tâm tình của các ngài khi hài nhi Giêsu phải sinh ra trong nghèo khó, vui mừng nhưng cũng sợ hãi. Và chúng ta cũng có thể mời thánh gia đến nhà của mình, nơi có niềm vui và lo âu, nơi mỗi ngày chúng ta thức dậy, ăn uống và mơ ước, gần gũi với những người thân yêu nhất. Hang đá là một Tin Mừng của gia đình vậy.
Hang đá còn trao cho chúng ta một giáo huấn khác về cuộc sống. Trong những nhịp sống đôi khi điên cuồng ngày nay, hang đá là một lời mời gọi suy chiêm. Nó nhắc chúng ta về tầm quan trọng của việc dừng lại. Bởi vì chỉ khi biết suy tư, chúng ta mới có thể đón nhận những gì là quan trọng trong cuộc sống. Chỉ khi chúng ta để cho những ồn ào của thế giới ở bên ngoài ngôi nhà của mình, chúng ta có thể mở lòng mình ra để lắng nghe Thiên Chúa, Đấng nói trong thinh lặng.
Đức Thánh Cha nói:
“Cách đây mấy ngày, người ta tặng tôi một tấm ảnh nhỏ về một hang đá đặc biệt có tên “Chúng ta hãy để cho bà mẹ nghỉ ngơi”.
Có Đức Mẹ đang ngủ và Thánh Giuse ở đó với hài nhi và đang dỗ cho hài nhi ngủ. Bao nhiêu người trong anh chị em, vợ chồng phải chia nhau thức đêm bởi vì đứa con nhỏ khóc, khóc rồi lại khóc…
Chúng ta sống trong một xã hội vội vã, luôn luôn chạy, nhìn thấy và quên đi nhiều thứ, điên cuồng theo đuổi những của cải vật chất. Hang đá, trong sự đơn giản thực sự của nó, nhắc nhở chúng ta rằng trong cuộc sống, số lượng vật chất không quan trọng, nhưng chính là chất lượng của tình cảm.
“Chúng ta hãy để cho bà mẹ nghỉ ngơi”, sự dịu dàng của một gia đình, của một cuộc hôn nhân; nghèo khó vật chất nhưng giàu tình yêu, nó nhắc nhở chúng ta về những gì là thiết yếu.
Hang đá còn mang ý nghĩa của hoà bình. Hang đá thì hiện tại hơn bao giờ hết, trong khi mỗi ngày có rất nhiều vũ khí và rất nhiều hình ảnh bạo lực được tạo ra trên thế giới, đi vào trong các đôi mắt và trái tim, thì ngược lại, hang đá là một hình ảnh thủ công của hòa bình. Trong khi sự huỷ hoại của con người là mỗi người đi theo con đường riêng của họ, thì trong hang đá, mọi người đều quy hướng về Chúa Giêsu, Hoàng Tử Hoà Bình trong đêm đen của thế giới. Chung quanh Ngài, hang động được chiếu sáng bởi sự dịu dàng, chúng ta tìm thấy sự hài hoà. Ở đó, chúng ta thấy những con người rất khác nhau: các đạo sĩ và các mục đồng, các vua và người nghèo, những trẻ em và người già. Và cũng có sự hài hoà giữa con người và công trình sáng tạo, như được gợi lên bởi sự hiện diện của con bò và con lừa và cảnh quan thiên nhiên.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói đến một giáo huấn khác:
“Trong hang đá, chúng ta nhìn thấy những khung cảnh hàng ngày: các mục đồng với các con cừu, những người thợ rèn đập sắt, những người thợ làm bánh mì; đôi khi chúng ta thêm vào các cảnh quan và tình huống của miền đất nơi chúng ta sống.”
Thật là đúng, vì hang đá nhắc chúng ta rằng Chúa Giêsu đến trong cuộc sống cụ thể của chúng ta. Đây là điều quan trọng.
Anh chị em thân mến,
Làm một hang đá nhỏ ở nhà, bởi vì nó nhắc rằng Thiên Chúa đã đến với chúng ta, đã sinh ra giữa chúng ta, đồng hành với chúng ta trong cuộc sống, là người như chúng ta, làm người vì chúng ta. Trong cuộc sống mọi ngày, chúng ta không còn cô đơn nữa, Thiên Chúa ở với chúng ta. Người không thay đổi các sự việc một cách ma thuật nhưng nếu chúng ta đón nhận Người, mọi sự có thể thay đổi.
Làm hang đá ở nhà, như là mở cửa và nói: “Giêsu, xin mời Chúa vào !” là làm cho sự gần gũi này trở nên cụ thể, làm cho lời mời Chúa Giêsu đến trong cuộc sống của chúng ta. Bởi vì nếu Ngài hiện diện trong cuộc sống của chúng ta, cuộc sống sẽ tái sinh. Và nếu cuộc sống được tái sinh thì đó thật sự là Giáng sinh.
Lạy Chúa, người ta giăng đèn thật nhiều, tiệc tùng chỗ này chỗ kia và xem ra họ mừng một lễ Giáng Sinh không có Chúa. Phần con, gia đình con, cộng đoàn con sẽ mừng một lễ Giáng Sinh có Chúa ở cùng, Chúa tràn lan, Chúa dẫy đầy vì chúng con yêu thương, Amen.
Lm. MINH ANH, Huế