NGHIỆM SINH GIỮA ĐỜI

THƯ GỬI NGƯỜI-CHA-TỰ-ĐÁNH-MẤT


Dưới đây là một lá thư của một thiếu nữ muốn mượn trang báo của tuần san Tuổi Trẻ Chủ Nhật để nói với người cha đã bỏ rơi mẹ con chị, cũng là để gián tiếp thức tỉnh những mối dây liên hệ gia đình đang bị đe dọa tan rã trong một xã hội nghiêng chiều về sự hưởng thụ ích kỷ hiện nay. Hy vọng, bên cạnh những chứng từ sống động tuyệt vời về tình nghĩa gia đình, những lời tâm sự đau đớn này, như một thứ mặt trái dị dạng, cũng có thể đem lại cho các bạn trẻ một sự cảm thông đối với những bạn đồng trang đang và sẽ gặp nghịch cảnh tương tự…

“Ba đã phản bội mẹ và chúng con để sống với một người đàn bà khác. Con vẫn không tin được điều đáng căm ghét đó là sự thật ! Con không hiểu ba cần gì ở người đàn bà kia, trong khi mẹ và chúng con lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh cho ba. Con không hiểu ba sống từng ấy năm với từng ấy danh dự để rồi mất tất cả. Ba ơi ! Có lẽ nào chúng con và gia đình mình không có nghĩa gì trong cuộc đời ba ? Còn tình yêu của mẹ nữa chứ ?

Bây giờ con ước gì con lại có thể kính trọng ba như ngày xưa, bởi vì con biết rằng con không thể nào ghét bỏ căm thù ba được. Nhưng ba ơi, tình thương thì không đủ để làm nên lòng kính trọng, phải không ba ?

Ba từng là niềm tự hào của con. Trong ý nghĩ của con chưa bao giờ ba là một kẻ phản bội. Giờ đây thì niềm hiêu hãnh của con bị tổn thương mất rồi. Con không thể nào thanh thản khi nghe bạn bè kể về cha của chúng nó, từng mẩu truyện hạnh phúc cứ như cứa vào nỗi đau của con. Tự nhiên những lúc như thế, con lại như trông thấy ánh mắt vô hồn của mẹ…

Thật sự, chẳng bao giờ ba biết mẹ đã đau khổ như thế nào, cũng như chẳng bao giờ ba quan tâm đến chúng con vậy. Dạo ba còn ở nhà, con cứ tự an ủi mình rằng: ba thuộc về thế giới khác của những nốt nhạc vần thơ nên chắc là cách bộc lộ của ba cũng khác…

Giờ thì con tin mình đã sai lầm. Có lẽ mười mấy năm là chưa đủ để con hiểu ba. Nhưng chẳng lẽ hai mươi mấy năm thì không đủ để ba hiểu mẹ sao ? Năm mươi mấy năm vẫn không đủ để ba hiểu thế nào là tình nghĩa vợ chồng sao ? Con sẽ cố mà quen dần với thực tế phũ phàng… Còn mẹ, không biết mẹ có chịu nổi cú sốc này không ? Ba có bao giờ tính được ba đã làm mẹ khổ bao nhiêu chưa ? Chắc là ba không thể nào tính được, không thể nào, phải không ba ?

Con vẫn nghĩ nhân cách thuộc về con người thì bất diệt. Ba đã làm cho con tin rằng không có gì lung lạc được ba, nhưng niềm tin ấy đã bị đạp đổ tan tành. Ba đã là người phản bội… Vậy mà từ trong những giấc mơ, con vẫn cố gạt mình: ba vẫn là ba thuở nào, để khi tỉnh giấc, con dường như vừa bị cướp đi linh hồn.

Ba có biết rằng ba đã mất tất cả rồi không ? Thật sự đã mất hết rồi, cũng như con đã mất ba vậy. Điều làm con cay đắng là chẳng ai cướp đoạt gì ta cả. Chỉ có ba tự đánh mất đó thôi.

Báo TUỔI TRẺ CHỦ NHẬT, 7.5.2000

Nếu Quý Vị thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này !

Gửi phản hồi

Người đăng tin

Lm. Giuse Lê Quang Uy, DCCT

Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế