Không biết ý Trời thế nào, hay là cái duyên hạnh ngộ mà “Chuyến Đi Vạn Hành” sang Pháp kỳ này, tôi lại được viếng thăm các… nghĩa trang nhiều hơn là thưởng ngoạn các địa danh và di tích nổi tiếng thế giới của nước Pháp. Những nơi như Nhà Thờ Đức Bà Paris, Nhà Thờ Sacré Coeur, điện Versailles, tour Eiffel, Quartier Latin, khu Mont Martre… tôi đều có dịp đến thăm, nhưng toàn là lướt lướt qua loa vậy thôi. Mà không “cưỡi ngựa xem hoa” như thế thì không tài nào kịp thời gian. Mà hình như không chỉ có hạng khách quèn như tôi mà khoảng tám chục triệu khách du lịch khác hằng năm đến thăm nước Pháp cũng phải tham quan với tốc độ như thế ! Tội nghiệp !
Do vậy, những lần lang thang viếng thăm các nghĩa trang bên này đối với tôi thật sự là những khoảng thời gian tĩnh tâm và nghiệm sinh quý báu về cuộc đời. Không biết cho đến ngày về lại Việt Nam thì sao, chứ chỉ mới tính đến hôm nay, sau nửa tháng chu du, tôi đã được số phận đưa đẩy lọt vào bên trong tất cả là… bốn cái “thị trấn lặng thinh”. Tôi xin gom lại, kể thành một bài có chủ đề là…”chết”, một trong những “viên sỏi” đẹp và quý tôi nhặt được ven đường…
Mới chân ướt chân ráo sang đến Paris vào sáng thứ bảy 4.8.2007 thì trưa thứ hai tôi đã ở Nantes, một tỉnh vùng duyên hải phía Tây nước Pháp. Gia đình một người quen sắp xếp cho tôi nghỉ tại một căn phòng trên lầu một, mở cửa sổ, ngó sang bên kia đường là thấy cổng vào một… nghĩa địa !
Ăn trưa ngon, ngủ giấc mát, tắm nước ấm, xong xuôi tôi xuống nhà định sang lần chuỗi bên nghĩa trang cho nó thanh vắng, không ngờ anh chị chủ nhà bảo là bao nhiêu năm nay ở đây mà vẫn chưa một lần quá bộ, thôi thì lần này đi với cha sang cho biết.
Phía sau cánh cổng sắt cũ kỹ là cả một thế giới hoàn toàn… câm nín mở ra, chỉ có tiếng chim chuyền cành ríu rít, tiếng sỏi lạo xạo dưới từng bước chân. Chúng tôi giữ thinh lặng, len nhẹ qua các lối đi nhỏ giữa các ngôi mộ.
Lạ thật, lần nào cũng vậy, cả ở bên nhà cũng như bây giờ, hễ có dịp ra nghĩa trang, tôi đều dừng lại chăm chú đọc các hàng chữ và số trên từng tấm bia đá, nhiều khi đã mờ đã mòn với thời gian. Làm như thể nhờ vậy mà ta có thể hình dung ra được không ít về cái thân phận con người nằm sâu bên dưới nửa thước đất ấy, những thăng trầm, thành công và thất bại, gặp gỡ và chia ly, hạnh phúc và khổ đau, nụ cười và nước mắt. Tên họ như thế, năm sinh năm mất như thế, những người lập mộ như thế thì chắc là cuộc đời của ông ấy, bà ấy sẽ như vậy như vậy…
Bên Pháp này có cái khác bên mình, là không ai gắn di ảnh lên bia mộ, vì thế tôi thấy tiêng tiếc, bởi có thể chỉ qua ánh mắt, nụ cười, mái tóc bạc hay còn xanh trên tấm hình, ta lại dễ phác họa được thêm nhiều uẩn khúc, nhiều trải nghiệm nhân sinh sâu xa hon nữa. Ấy là tôi cứ… võ đoán chủ quan vậy thôi, khéo tưởng tượng, suy diễn linh tinh, suy đời ta ra đời người ! Có gì đâu để kiểm chứng đúng đến đâu hoặc sai thế nào ?
Xét cho cùng, chính ta cần được làm như thế là cho chính ta. Người quá cố nằm đấy tro xuơng an phận, còn cái anh linh chắc đã siêu thoát cõi nào rồi. Chẳng ai cấm chúng ta dừng chân trước một cuộc đời xa lạ đã lui vào dĩ vãng tít mù tắp, chỉ với một vài phút trầm tư mà rồi có thể liên tưởng, hình dung ra cho chính mình một vị lai.
Có lần ở ngoài Bắc, lúc tôi mới chịu chúc “chui”, ra phục vụ ở làng Bâm, tỉnh Bắc Giang của cha Nguyễn Huy Tảo và cha Trần Bá Hạnh, dịp Giao Thừa, mấy năm liền tôi được theo bà con trong Giáo Xứ xập tối đêm Trừ Tịch, kéo nhau tất cả ra nghĩa trang. Hát Thánh Ca, đọc Tin Mừng, cha sở ngỏ vài lời, rồi mọi người tỏa ra đốt hàng ngàn cây nến màu đỏ gắn trên từng nấm mộ thân hay sơ, trong nhà hay ngoài họ. Tròi ơi, đẹp làm sao những ánh lửa lung linh ! Sao giữa trời gió lạnh cuối năm mà không một ngọn nào phụt tắt ?
Chỉ là một nét văn hóa “đất lề quê thói” thôi sao ? Tôi không nghĩ như thế. Còn có cái gì đấy thiêng liêng vang qua vọng lại giữa hai cõi tạm bợ và vĩnh cửu, trăm năm và nghìn thu bất diệt. Kẻ đến rồi lát nữa cũng về, nến sáng rồi không bao lâu sẽ tàn bấc, để lại cái không gian quạnh vắng hiu hiu như đã từng hiu hiu vắng quạnh cho người đã nằm xuống.
Những cư dân của “thị trấn bình yên” có được thật sự an nghỉ như mấy chữ ghi trên nấm mồ “RIP” ( requiescat in pace ) hay không, không ai biết ! Nhưng người còn sống thì phải quay về cái thế giới ồn ào náo động, tham sân si, khóc cười lẫn lộn, dẫu sao cũng mang theo mình một chút quán tưởng về cuộc nhân sinh, chợt nhận ra mình còn bậy bạ chỗ này, vớ vẩn chỗ kia, không thể cứ… “vũ như cẫn” được nữa, phải sửa phải chữa, nhỡ chẳng may đêm nay… Chúa gọi về, ăn năn tội chẳng kịp thì nguy to !
Thế nên thỉnh thoảng có dịp như tôi, chỉ vỏn vẹn có mười mấy ngày mà bốn phen được vào… nghĩa địa, thì phải xem đây là cơ may trong đời, nhất là cái tính tôi nó hay vọng động, thường xuyên ngó ngoáy ngọ nguậy không chịu ở yên một chỗ !
Sau cái nghĩa trang ở Nantes, khi về làng St-Laurent-sur-Sèvre thuộc vùng Vendée để tham dự cuộc Hội Ngộ Quốc Tế của Association Fiat, tôi còn gặp thêm hai cái nghĩa trang khác nữa nằm cách nhau độ 500m, một của các chị Dòng Filles de la Sagesse, một của các cha Dòng Montfortains và các thầy Dòng Saint Gabriel ( cả ba Dòng Tu này đều phát xuất từ linh đạo Thánh Louis Marie Grignion de Montfort, 1673 – 1716, của nước Pháp ).
Thật cảm động ! Mộ các Tu Sĩ, nam hay nữ, Linh Mục hay Thầy Dòng đều y như nhau, sao mà đơn sơ bình dị thế ? Chỉ là một khoảnh đất thô trồng mấy cụm hoa, được bao quanh bởi bốn thanh ván gỗ tếch sơn trắng, vuông vắn mộc mạc, phía đầu dựng một cây Thánh Giá cao và mảnh khảnh bằng nhựa trắng tinh, trên đó vừa đủ chỗ ghi tên Thánh trong Dòng, năm sinh năm tử của… hai người sống và chết cách nhau khoảng 20 năm, được đặt nằm chồng lên nhau, có lẽ để tiết kiệm diện tích nghĩa trang ( ? )
Sau Hội Nghị, tôi đã trở về Paris rồi, bỗng một cú điện thoại từ Nantes lại gọi giật ngược tôi về lại mảnh đất hiếu khách và hữu duyên này một lần nữa bằng tầu cao tốc TGV. Đấy là một đám tang cho một ông cụ người Việt, ao ước khi chết được dâng Thánh Lễ An Táng bằng tiếng Việt giữa cộng đoàn dân Việt do một cha người Việt cử hành. Tôi đáp ứng được đúng các nguyện vọng này nên cuối cùng của mọi nghi thức Phụng Vụ lại đưa tôi vào cái nghĩa trang thứ tư, lớn nhất và có lẽ cũng đẹp nhất tại Nantes.
Và đây là chuyện lý thú tôi chưa từng gặp ở đâu bao giờ: ngay sau khi tôi hoàn tất các nghi thức tiễn biệt theo tôn giáo, ngay trước lúc bốn ông Tây to con mặc áo đen ròng dây thả linh cữu xuống huyệt, thì một cô gái trẻ, tóc vàng hoe, cũng veston đen của nhà đòn, đứng ra đọc một bài… diễn văn ngắn trước cử tọa.
Và rồi đang lúc tang gia kêu khóc sinh ly tử biệt, tôi lại gần cô gái, khen cô một câu lấy lòng, và ngỏ ý xin cô đoạn văn cô vừa đọc. Người đẹp Tây bèn vui vẻ đưa luôn cho ông cha Ta xấu xí tờ giấy in ấn đơn sơ mà trang trọng !
Tôi xin khép lại bài viết lần này về cái chết bằng chính bài diễn văn vừa kể. Tự dưng cái mùi tử thần tuyệt vọng và bi đát đáng kinh sợ bị đánh bạt đi, thay vào đó là hương vị thoang thoảng dịu dàng của niềm hy vọng, của chính Tin Mừng Sự Sống Chúa Giê-su Phục Sinh. Tác giả Doris Luissier – có lẽ là một nhà văn nhỏ nào đấy – viết như thế này:
Le Souvenir. Un être humain qui s’éteint, ce n’est pas un mortel qui finit, c’est un immortel qui commence. C’est pourquoi, en allant confier le corps de mon aimé à la terre accueillante où il dormira doucement à côté des siens, en attendant que j’aille l’y rejoindre, je ne lui dis pas adieu, je lui dit à bientôt. Car la douleur qui me serre le coeur raffermit à chacun de ses battements, ma certitude qu’il est impossible d’aimer un être et de le perdre pour toujours. Ceux que nous avons aimés et que nous avons perdus ne sont plus où ils étaient, mais ils sont toujours et partout où nous sommes. Cela s’appelle d’un beau mot plein de poésie et de tendresse: le souvenir… Doris Luissier.
Tôi xin phép dịch thoát và thoáng như thế này, hy vọng nghe lọt tai và cảm được:
Kỷ niệm. Một người vừa nằm xuống, không là tận cùng của cái chết, nhưng là một khởi đầu của bất tử. Vì thế, khi gửi gấm thi hài người thân yêu của mình vào lòng đất, nơi người ấy sẽ yên giấc và đợi chờ một ngày sẽ gặp lại, thay cho một lời giã biệt, ta hãy nói với người ấy: “Ồ, chẳng bao lâu nữa, mình sẽ gặp lại nhau mà !” Ôi, nỗi đau đang se thắt lòng ta trong từng nhịp đập con tim, cho ta một xác quyết rằng: ta đã yêu người thì không bao giờ ta mất người vĩnh viễn. Thế nhưng, người vẫn hiện diện mãi mãi quanh ta, bên ta. Chẳng thể nào tìm đâu một tên gọi thi vị hơn, êm ái hơn, ngoài hai chữ: Kỷ niệm…
Lm. QUANG UY, DCCT, thứ hai 21.8.2007
Nếu Quý Vị thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này !