Tôi vốn bị đau bao tử hơn hai mươi năm rồi, không được ăn quá no, cũng không được để quá đói. Đâm ra có vẻ xấu thói, phàm ăn, một ngày phải ăn thành nhiều bữa lắt nhắt, lúc nào cũng có thể bị bắt quả tang đang ăn một cái gì đấy. Oan thật ! Nhưng biết làm sao hơn ?
Thế rồi hôm nọ, thứ hai 13.8.2007, trên đường đón tôi về nhà ở ngoại thành Paris, chị chủ nhà người Phật Giáo, đánh xe ghé vào một siêu thị tên là Carrefour để mua thêm các loại thức ăn tiếp khách cho nó thêm phần chu đáo.
Phải nói Carrefour là một thứ “siêu” siêu thị nếu so với các siêu thị ta đã gặp được ở Sài-gòn hay Hà Nội. Nghe nói nó là một tên khổng lồ, có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới, chỉ chưa có ở Việt Nam mà thôi. Kinh khủng thật, mênh mông bao la, bãi đậu xe mịt mù xa tít tắp. Lọt vào bên trong, đi hoài không hết, chẳng cần lên lầu xuống thang chi cả, cứ một tầng trệt thôi đi cũng đã mỏi rã chân, nhìn hàng hóa bày bán cũng hoa cả mắt, sái của cổ !
Thế rồi… tai họa bắt đầu có dấu hiệu sắp… xảy ra. Đi đến khu vực bán thức ăn thì đã 12 giờ trưa, bụng tôi bắt đầu đói cồn cào. Nghe bác sĩ nói acid nó tiết ra trong bao tử, để lâu là coi chừng bao tử bị ăn mòn, có khả năng thủng một lỗ, xì lỗ mọt là xuất huyết tiêu hóa, nguy tai ! Cái túi vải vẫn thường đeo kè kè, trong đó có thuốc Maalox và một túi bánh nhỏ phòng thân thì tôi lại vứt trong cốp xe hơi mất rồi.
Chị chủ nhà vẫn hồn nhiên lang thang một cách thong dong giữa những quầy hàng, có vẻ không gấp gáp gì. Chị ấy bảo: “Để chị phải tìm thứ này… thứ này… để làm cho em món này… món này… nó mới ngon !” Trời ơi, cứ cái điệu này thì có khi phải một hai tiếng đồng hồ nữa mới mua xong, vừa kịp chuyển tôi vào… nhà thương cấp cứu !
Nghĩ thế chứ đâu có dám kêu ca, sĩ diện… ông cha Đạo, tôi cứ lẳng lặng đẩy cái xe mua hàng to đùng lẽo đeo loanh quanh theo sau chị chủ nhà, hết quầy thịt đến quầy cá, hết khu lá đến khu quả, rồi thêm nước chấm, thêm sữa tươi, thêm bánh ăn tráng miệng, thêm kem và mứt, thêm nước suối khoáng có gaz…
Ối giời ôi, bụng tôi càng lúc càng cồn cào mà không tìm ra giải pháp, tiền trong túi có đấy nhưng lại tiếc không dám tiêu pha, cái gì bên này cũng đắt gấp 4 lần bên nhà. Mà nếu có dám lấy vài Euros ra mua cái gì để ăn ngay tại chỗ cho đỡ đói thì lại… xấu hổ quá ! Cứ tự dỗ dành mình là hãy gắng thêm tý nữa đi, sắp về rồi, chỉ cần trở ra xe thôi, cũng thoát nạn, vì đã có thuốc, có sẵn mấy cái bánh biscuit và chai nước dự trữ.
Thế rồi, bất ngờ tôi tìm ra một liệu pháp tâm lý có vẻ khá đạo đức để… “xóa đói giảm nghèo”, đó là liên tưởng ngay đến những người nghèo đói trên thế gian.
Lúc này, chắc chắn có rất nhiều người cũng đang đói, còn đói hơn mình nhiều. Mình đã từng thấy ở Việt Nam nhiều người bị rơi vào cơn đói kinh khủng lắm, nhất là những người ở các vùng thiên tai miền Trung, miền Tây Nguyên. Mình có đói như thế này cũng chưa thấm tháp gì so với họ. Dẫu sao mình còn biết chắc là lát nữa đây thế nào cũng được ăn no, còn người ta thì đói là cứ việc… tiếp tục đói, triền miên đói, đói mà không biết đến bao giờ mới có cái để ăn cho đỡ đói.
Mình lại nghĩ lan man: Cái bi đát khốn khổ là bản thân những người làm cha mẹ đã đói mà lại còn phải nhìn con cái mình cũng đang quá đói. Không phải là bây giờ mới đói, mà là đói đã lâu ngày, đói quanh năm, đói cả đời, dự trữ năng lượng trong cơ thể chẳng còn gì để tạm chống đói. Nhìn hình chụp nạn đói bên Châu Phi, miệng đứa bé nào cũng há ra, mắt thô lố, bụng thì ỏng ra như cái trống tròn xoe mà bộ ngực thì lép kẹp, trơ cả xương sườn. Đến lũ ruồi nhặng hình như cũng đói, cứ bu lại chung quanh cái thân xác dị hình vì đói, sắp chết vì đói. Chưa chết thì cũng coi như chết rồi !
Biafra, Nov. 1969 Medical clinic in Mabaitoti – Owerri.
Đói cái kiểu này bên Việt Nam, bố mẹ chúng tôi kể lại dạo năm Ất Dậu 1945 cũng thế. Thấy người đói ngồi ăn xin bên đường, đem ít tiền ra cho, họ cũng đành cầm tiền mà chết đói vì còn ai bán thức ăn cho mà mua. Mà dẫu có mua được rồi chưa chắc đã kịp ăn. Có kịp ăn thì được một miếng là may, coi chừng chết vì nghẹn ngay giữa cổ họng, hoặc chắc chắn sẽ có một người đói khác dùng hết tàn lực lao đến giựt mất cái nắm cơm hoặc mẩu bánh khúc bé tẹo ấy…
Nghĩ ngợi đến những hoàn cảnh đói kinh hoàng như thế trên cõi đời này, tôi thấy hình như cái đói của mình dịu hẳn đi. Thế nhưng đó chỉ là ảo tưởng đánh lừa chính mình thôi. Bất ngờ cái đói lại ập đến làm tôi choáng váng, toát mồ hôi, ớn lạnh sống lung, chân bủn rủn chực ngã !
Tôi lại nghĩ: Trời ơi, người xưa chết vì đói giữa cảnh đói tập thể, đói toàn quốc, nhìn quanh ai cũng đói, coi như đại hội… đói, đói cả 2 triệu người, thì họ chết cũng đỡ tủi thân. Đàng này, giữa những năm đầu của thế kỷ 21, giữa một Paris hoa lệ, giữa một Châu Âu thống kê chỉ tính riêng số lương thực và thực phẩm dư thừa đem đổ đi cũng đủ để nuôi 6 tỷ người đói ăn trong một năm, giữa một Carrefour khổng lồ tràn ngập thức ăn tươi tốt, mà Quang Uy nhà tôi lại có thể ngã xuống mà… chết vì đói ư ? Nhục quá ! Khốn nạn quá ! Phí đời một ông cha mới chịu chức được có gần 10 năm, chưa làm được gìcho những người đói hơn mình nhiều !
Và phép lạ nhãn tiền xảy ra ! Đúng lúc tôi sắp khụy xuống thì có ai đó nói tiếng Pháp léo nhéo đâu đây. Hay nhỉ ? Đang đói run lẩy bẩy cả người, mắt hoa đầu váng ma sao tai lại thính thế ? Lại hiểu được cả tiếng Tây nói nhanh như gió. Thì ra một cô bán hàng của siêu thị mời chào khách ngang qua hãy dừng chân nếm thử một miếng cá Saumon cô ấy vừa chiên thử trên cái chảo điện, mùi thơm phức thật quyến rũ, ôi cái miếng cá be bé, bằng đúng hai đốt ngón tay. Mấy bà nội trợ, trong đó có cả chị chủ nhà sắp tiếp đón tôi, ai cũng tò mò nếm thử một miếng, chép chép miệng khen ngon.
Tôi còn chưa kịp phản ứng gì thì cô bán hàng dễ thương ấy tiến lại gần đưa cái khay nhỏ với miếng cá chiên cuối cùng mời “monsieur”… nhà tôi. Tôi chậm rãi đường hoàng cầm lấy cái xiên nhỏ nhặt lấy miếng cá, từ tốn đưa lên miệng, nhai rất chậm và nhỏ nhẹ, ra cái điều lịch sự, da vàng mũi tẹt nhưng đừng có mà khinh tôi là dân anamite nhược tiểu thiếu ăn đấy nhé…
May quá, có mấy bà nhao nhao lên muốn mua món cá chiên ấy, thế là tôi nhẹ nhàng đẩy xe mua hàng lỉnh sang một khu khác, y như thể nó cũng chẳng ngon lành gì lám, hoặc là tôi chưa cần thiết phải mua món ấy. Sĩ diện được bảo toàn, mà không ngờ cái bao tử cũng được… cứu bằng một bàn thắng vàng đá bù giờ !
Kỳ diệu thật, ban nãy vận dụng hết trí hồi ức liên tưởng, lại thêm lòng nhân ái được huy động để nghĩ đến người nghèo đói mà đồng cảm, thế mà chẳng ăn thua gì, chỉ quên được cái đói trong 15 phút phù du, sau đó xem ra còn đói ngấu đói nghiến hơn trước, lợi bất cập hại ! Ngược lại, chỉ với một mẩu cá chiên tý teo, chất bổ có đem cân tiểu ly ra cân cũng chẳng được là bao, trong phút chốc, bụng dạ nhẹ tênh, cái đói biến mất, mắt sáng trở lại, tay chân linh động hẳn ra, hoàn hồn !
Cũng phải nửa tiếng sau đó, chị chủ nhà mới mua sắm xong, tôi đẩy xe ra quầy tinh tiên, xếp hàng cũng hết thêm 15 phút, đi bộ ra bãi giữ xe, chuyển hàng vào cốp xe, xe chạy loanh quanh thêm một đoạn đường dài nữa mới về đến căn nhà nằm bên bờ sông Seine ở ngoại ô Paris. Lại phải chờ thêm hơn nửa tiếng nữa để chị chủ nhà nấu nướng, rồi tôi mới được ngồi vào bàn ăn, nhìn đồng hồ đã… xế chiều ! Thế mà chẳng thấy đói gì nữa ! Không phải là chuyện tâm lý, vậy thì là cái gì đây ?
Thôi thì cũng là một lần kinh nghiệm sinh tử về cái đói !
Đương nhiên là từ nay lại càng biết thương người nghèo kẻ đói hơn. Mà cũng đồng thời nhận chân ra thân phận mình, xét cho cùng, cũng chỉ là… “phường giá áo túi cơm” !
Ôi cái giá chỉ để mắc lên đó một manh quần tấm áo ! Ôi cái túi chỉ để đựng vào đấy một tô cơm, một bát canh, thậm chí, một miếng cá chiên, vậy thôi ! Có gì đâu để tôi ảo tưởng mà vênh vang phô trương trước mặt Chúa, mà nghênh ngang hùng hổ trước mặt anh em tôi ?
Lm. LÊ QUANG UY, DCCT, Nantes, thứ bảy 18.8.2007
Nếu Quý Vị thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này !