NGHIỆM SINH GIỮA ĐỜI

BẮT ĐẦU LẠI MỘT LẦN NỮA…


Đại bàng muốn có thể sống sót, chúng phải trải qua quá trình lột xác đau đến thấu xương.

Vốn nổi tiếng là loài chim có tuổi thọ dài nhất trên thế giới, những con đại bàng mạnh nhất thậm chí có thể sống lâu như con người, từ 70 đến 80 tuổi. Tuy nhiên, để làm được điều đó, chúng phải trải qua một quyết định quan trọng nhất cuộc đời khi đến tuổi 40. Đó cũng là thời điểm mà đại bàng phải lựa chọn giữa sống và chết, giữa đối đầu và từ bỏ cả cuộc đời.

Đến năm thứ 40 của tuổi thọ, thông thường, đại bàng sẽ rơi vào trạng thái suy yếu tột cùng. Mỏ của chúng trở nên dài và khoằm, gần như chạm đến ngực. Móng vuốt cũng bắt đầu mòn, không thể bắt mồi hiệu quả được nữa. Không chỉ vậy, cả thân thể nó cũng dần nặng nề hơn do bộ lông ngày một dày thêm, khiến cho việc bay lượn trở nên khó khăn, không thể sải cánh bay cao như trước kia nữa.

Chẳng bắt được mồi cũng như đánh mất toàn bộ nanh vuốt, vũ khí sắc bén của mình bấy lâu nay, đại bàng phải đối mặt với nguy cơ lớn nhất cuộc đời nó.

Trước sự thay đổi tàn nhẫn ấy của thời gian, nó chỉ có hai sự lựa chọn duy nhất: Một là phó mặc tất cả và tìm một chỗ chờ chết. Hai là thay đổi toàn bộ đồng nghĩa với sự đau đớn tột cùng.

Trong 150 ngày tiếp theo, đại bàng muốn sống sót phải đi tìm đỉnh núi cao nhất và an toàn nhất để làm tổ trên đó. Chúng sẽ không ngừng đập chiếc mỏ dài và khoằm vào vách đá, đập liên tục cho đến khi nó tự gãy và rụng ra. Sau đó, nó chờ chiếc mỏ mới tự mọc ra và dùng chính cái mỏ mới đó giật đứt từng sợi lông dày và nặng trên người mình cũng như cắn đứt toàn bộ phần móng vuốt đã cùn ở chân.

Cả quá trình không ngừng lột xác ấy kéo dài trong 5 tháng, 5 tháng của sự đau đớn, 5 tháng của sự đổi thay và cũng là 5 tháng của sự sinh tồn. Cái giá phải trả để tiếp tục tồn tại là quá lớn nhưng chỉ khi nào trải qua giai đoạn ấy, đại bàng mới có thể một lần nữa tung cánh thống trị trời cao, nhanh như chớp bắt lấy những con mồi bằng nanh vuốt sắc bén như xưa.

Trong cuộc sống, đôi khi, chúng ta cũng phải đưa ra những quyết định khó khăn như vậy để có thể hoàn toàn thay đổi nghịch cảnh cuộc đời mình. Nếu chỉ biết phó mặc cho số phận, rút lui vì gặp khó khăn, chúng ta sẽ chỉ như một con đại bàng già cỗi đánh mất toàn bộ vũ khí, không thể sống sót giữa thế giới động vật đầy khắc nghiệt và cạnh tranh.

Ngược lại, thay đổi những suy nghĩ cũ, vứt bỏ những thói quen cũ, chúng ta có thể bắt đầu lại một lần nữa và có cơ hội được sải cánh bay cao hơn, giống như sự tái sinh của loài đại bàng mạnh mẽ kia.

KHUYẾT DANH
Chép lại từ sưu tầm của FB Lương Chấn Nguyên Vũ

Nếu Quý Vị thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này !

Gửi phản hồi

Người đăng tin

Lm. Giuse Lê Quang Uy, DCCT

Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế