Sáng nay, đúng Lễ các Thánh Anh Hài, anh em chúng tôi về đồng tế tại Lăng Anh Hài, một Nhà Nguyện nhỏ bé của DCCT ở vùng ngoại thành Sàigòn. Có thêm các chị bầu của Nhà Tình Thương Giêrađô, các chú Dự Tu DCCT, mấy chị Dòng Bon Pasteur ( Chúa Chiên Lành ), mấy bạn phóng viên và Nhóm Bảo Vệ Sự Sống Sàigòn. Ít ai ngờ được rằng ngay trên cung Thánh, kê ngay phía dưới bàn thờ lại là những viên gạch đựng tro cốt các cháu bé.
Chúng tôi làm một cuộc tổng kết nho nhỏ với riêng DCCT tại vùng Sàigòn này mà thôi, trong 3 năm vừa qua, đã có hơn 1.000 viên gạch 10x10x30cm, mỗi viên có nắp nhựa màu vàng, bên trong gói ghém khoảng 50 – 70 thai nhi, vị chi con số đã tròm trèm 6 – 7 vạn em bé bị sát hại. Đó là chỉ mới xin được ở một số nơi cấp quận, chứ cấp trung ương và thành phố như Từ Dũ và Hùng Vương thì chưa ! ( Ghi chú: đây là thời điểm 2007, bài viết cách đây đã 15 năm ).
Huế đã có Nghĩa Trang Anh Hài từ 1992 do cha Nguyễn Hữu Giải. Rồi đến Nghĩa Trang Đồng Nhi ở Pleiku do cha Nguyễn Văn Đông. Các tỉnh thành như Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, Lâm Đồng, Biên Hòa, Đồng Nai, Hà Nam, Thái Nguyên… nơi nào cũng đều dành cho các thai nhi một mảnh đất thiêng.
Bài Tin Mừng Lễ các Thánh Anh Hài chỉ thẳng ra một… Tin Buồn: đó là ngày xưa hay hôm nay, Hêrôđê hay con người thời đại này, vẫn luôn ẩn dấu phía sau những cuộc thảm sát hùng hổ và hung hăng, là cả một nỗi… kinh hoàng.
Với Hêrôđê, ấy là sợ địa vị và quyền bính ngai vàng của mình bị lung lay do phải tranh chấp với một đối thủ khác nhiều tiềm năng hơn.
Với Việt Nam chúng ta thế kỷ 21 là sợ nền kinh tế có nguy cơ không tăng trưởng kịp với dân số, thu nhập bình quân đầu người sẽ bị sút giảm, mất cơ hội khoe với thế giới về đất nước mình như một con rồng mới xuất hiện, rồi sẽ bị tuột trở lại tốp những quốc gia cầm đèn đỏ về đói nghèo và lạc hậu.
Thế nhưng đó chỉ là ngụy biện, là che giấu lấp liếm vậy thôi. Giá mà bớt được tham nhũng đi; giá mà giảm được nhậu nhẹt, đánh bạc và phi xì-ke; giá mà đừng có quá cách biệt giàu nghèo; giá mà thôi đừng đầu tư quá phí phạm cho những đội tuyển thể thao đi thi đấu một cách bệ rạc; giá mà lược bớt những kỳ thi hoa hậu đủ kiểu đủ cách; giá mà lòng dạ người ta đừng quá bủn xỉn, bần tiện và ích kỷ; giá mà đừng tham lam phá hủy và ngu dốt gây ô nhiễm môi trường… thì Việt Nam chúng ta chẳng sợ con nít thiếu ăn, chẳng sợ thiếu giường sanh trong các bệnh viện và không đủ trường lớp cho trẻ em được học hành tử tế.
Thật ra, không ai lại tàn ác bất nhân đến mức đánh đổi sự phát triển về kinh tế và chính trị bằng cái giá của sinh mạng hàng triệu thai phụ và các thai nhi vô tội mỗi năm. Trớ trêu thay, người ta lại vẫn luôn rêu rao tuyên truyền là phải bảo vệ quyền lợi bà mẹ và trẻ em !
Cuộc thảm sát của Hêrôđê, dẫu sao, chỉ xảy ra trong có một đêm, tại một thành và vài vùng lân cận. Không thấy ghi rõ chết mất bao nhiêu em bé từ hai tuổi trở xuống, chỉ nghe Thánh Mátthêu tả lại rằng: tiếng khóc than rền rĩ suốt nhiều ngày tháng.
Còn chuyện phá thai của ta bây giờ thành ra chuyện thường ngày, ở thủ đô và mọi tỉnh thành, các thị trấn, làng quê, khắp nơi trong cả nước. Không phải chỉ xảy ra trong một số ngày hay nhiều ngày, mà là mỗi ngày, hết năm này qua năm khác, ròng rã suốt mấy chục năm nay rồi. Mỗi năm phải tính bằng con số hàng triệu thai nhi bị loại bỏ và hàng ngàn thai phụ tử vong, hàng trăm ngàn người khác chịu tổn thương về thể lý, tâm lý. Vượt chỉ tiêu ! Đạt thành tích ! Gần đây, người ta tránh không nói là “ngừa thai” và “phá thai” nữa, mà là… “giảm tỷ lệ sinh” !
Thầy Trần Duy Nhiên và cha Tiến Lộc, Noel này, cùng với nhóm kịch Rabboni đi lưu diễn các Nhà Thờ, các Tu Viện. Hôm Chúa Nhật 16 tháng 12 vừa qua, sau khi diễn vở “Ngài đã bị khước từ” tại Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, mọi người ngồi lại chia sẻ thêm những cảm nhận riêng. Một soeur trẻ đã nói:
“Hình ảnh ấn tượng nhất trong buổi diễn là khi Hêrôđê thét lên ra lệnh cho binh lính mang gươm giáo đến Bêlem mà giết các em bé ! Thế là các tướng sĩ đã đáp lại rền vang: Xin tuân lệnh ! Lệnh này, ngày hôm nay, vẫn còn đang được thực thi, nhưng êm ái nhẹ nhàng và trong thinh lặng… Nghe không rùng mình như trong vở kịch nhưng chua chát hơn nhiều: người ta lặng lẽ giết chết bao nhiêu đứa trẻ hằng ngày, mà không có một chút gì động tĩnh cả !”
Còn soeur Bề Trên thì nói lên ý tưởng sau:
“Khi Hêrôđê hỏi thầy thượng tế: “Nếu ta ra lệnh giết tất cả các em bé ra đời từ ngày các đạo sĩ lên đường cho đến nay, thì người nghĩ thế nào ?” Thầy thượng tế trả lời: “Tôi không có ý kiến ! Việc cai trị là việc của vua, tôi chỉ có nhiệm vụ canh giữ lề luật”. Đối thoại này, đêm hôm nay đánh động tôi một cách đặc biệt. Trước những hành vi giết người của kẻ cai trị, phải chăng im lặng là một hình thức đồng lõa. Phải chăng Kitô hữu nói chung, và Tu Sĩ chúng tôi nói riêng, cần phải lên tiếng để nói rằng: giết người, dưới bất cứ danh nghĩa nào, đều là một hành vi chà đạp mọi nền luân lý trên mặt đất này !”
Lm. QUANG UY, DCCT, Lễ các Thánh Anh Hài 28.12.2007