MẸ ƠI ĐOÁI THƯƠNG

“Xin ghé mắt thương xem chúng con…”

Đức Mẹ

Trong kinh “Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành” có một câu rất gợi ý đối với tôi. Tôi thường đọc câu đó, để cầu nguyện với Đức Mẹ. Câu đó là “Xin ghé mắt thương xem chúng con”.

Khi nói lời đó với Đức Mẹ, tôi thường nhìn lên đôi mắt Đức Mẹ. Tôi nhìn trong Đức Tin huyền nhiệm. Tôi thấy đôi mắt Đức Mẹ thực là đẹp. Nhất là khi đôi mắt ấy nhìn tôi. Nếu cái đẹp nhất nơi một người chính là cái nhìn của đôi mắt họ, thì nơi Đức Mẹ, điều đó không những rất đúng, mà còn rất khó diễn tả.

Ở đây, tôi chỉ xin diễn tả một cách thô sơ, nghèo nàn, không phải cái nhìn của Đức Mẹ, mà là những gì tôi cảm nghiệm được từ cái nhìn của Đức Mẹ. Nếu con mắt là cửa sổ tâm hồn, thì cái nhìn của đôi mắt Đức Mẹ hé mở cho tôi thấy tâm hồn Đức Mẹ là tâm hồn sống trọn vẹn Tin Mừng.

Thực vậy, đôi mắt Đức Mẹ truyền cảm hơn mọi lời nói. Có lúc đôi mắt ấy như nói về tâm hồn Đức Mẹ đang cầu nguyện. Cầu nguyện của Đức Mẹ chủ yếu là lắng nghe Chúa. Vì thế, đôi mắt Đức Mẹ bao giờ cũng như đắm chìm trong thinh lặng. Một thinh lặng khiêm tốn. Một thinh lặng đợi chờ. Rồi có lúc đôi mắt ấy như nói về tâm hồn Đức Mẹ đang suy gẫm. Suy gẫm của Đức Mẹ là đặt đời mình và mọi sự xảy ra cho đời mình dưới ánh sáng Lời Chúa. Lời Chúa trong Kinh Thánh. Lời Chúa là chính Đức Kitô. Lời Chúa soi sáng, hướng dẫn Đức Mẹ.

Rồi, có lúc đôi mắt ấy như nói về tâm hồn Đức Mẹ đang vâng phục thánh ý Chúa. Vâng phục Chúa nơi Đức Mẹ là khiêm tốn coi mọi sự Chúa chọn cho mình đều là quà tặng quý giá. Mặc dù điều Chúa chọn cho có thể là những khổ đau, nó vẫn mang giá trị cộng tác vào kế hoạch cứu độ.

Rồi, có lúc đôi mắt ấy như nói về tâm hồn Đức Mẹ đang nức nở khóc thương. Khóc thương nơi Đức Mẹ là xót xa cho số phận những người cứng lòng không chịu sám hối trở về đàng lành, là đau đớn nhắn gởi các con cái Mẹ chớ có dại đi vào những con đường dẫn tới hoả ngục, là cảm thương những người đang bị hành hạ bởi cảnh bất công, hận thù, bệnh tật, nghèo túng.

Mấy gợi ý trên đây cho phép chúng ta hiểu: Tâm hồn Đức Mẹ là Đền Thờ của Chúa. Chúa ở trong đó. Tình yêu Chúa hoàn toàn ngự trị trong đó. Đức Mẹ sống trọn vẹn với Chúa, sống trọn vẹn trong tình yêu Chúa. Và như thế, chính là Đức Mẹ sống Tin Mừng một cách trọn vẹn.

Tới đây, đôi mắt Đức Mẹ có thể dạy ta thêm chút nữa. Đó là sống Tin Mừng không phải chủ yếu thuộc lòng Giáo Lý, hiểu sâu xa Thần Học và Kinh Thánh, nhưng là gắn bó với Thiên Chúa là nguồn mạch Sự Sống, và là chọn cho mình những con đường đưa tới nguồn mạch Sự Sống.

Tôi xin đưa ra một kinh nghiệm bản thân. Có nhiều lần, tôi gặp những trường hợp rất khó khăn, tôi cầu xin Đức Mẹ thương cứu tôi thoát khỏi những trường hợp đó. Thế rồi, tôi gặp được cái nhìn của Đức Mẹ đầy xót thương, đầy âu yếm. Cái nhìn nhân ái của Mẹ không nói gì, nhưng không nói mà như nói rất rõ, rất sâu vào trái tim tôi. Tự đáy lòng, tôi nghe được ý Đức Mẹ. Tôi hiểu là Đức Mẹ cảm thương nỗi lo lắng ưu phiền của tôi.

Những trường hợp mà tôi đề cập đến, coi là rất khó khăn, rất khó chịu, nhưng theo cái nhìn của Đức Mẹ thì chúng lại là đường dẫn tới Sự Sống, Sự Sống cho tôi, Sự Sống cho người khác. Vì thế, Đức Mẹ sẽ không cất đi những trường hợp đó đâu. Nhưng, Đức Mẹ sẽ ở bên tôi, và có thể nói, Đức Mẹ sẽ cùng với tôi bước đi tới cùng con đường thử thách. Nghe vậy, tôi được bình an và xin vâng ý Chúa trong tâm tình cảm tạ.

Nhiều kinh nghiệm sống đạo cũng đã cho ta thấy: Đức Mẹ hay ghé mắt thương xem chúng ta, nhất là khi chúng ta chạy đến với Đức Mẹ. Nhưng chúng ta hiểu: Không phải hễ Đức Mẹ ghé mắt thương xem chúng ta, thì thế nào Đức Mẹ cũng thực hiện những gì ta cầu khấn. Không luôn thế. Bởi lẽ chính vì thương xót chúng ta, nên Đức Mẹ sẽ cầu bầu cùng Chúa ban cho chúng ta, không phải bất cứ sự gì ta xin, mà là sự Chúa thấy là tốt hơn và đem lại sự sống thiêng liêng dồi dào hơn cho ta.

Sau mấy suy nghĩ trên đây, chúng ta nên tìm lấy cho mình một số áp dụng. Chẳng hạn, từ nay sẽ tập năng nhìn lên Đức Mẹ. Nhìn như một lời chào. Nhìn như một lời cảm tạ. Nhìn như một lời dâng hiến. Nhìn như một gởi gắm tâm tư. Nhìn như một lời nguyện sám hối trở về.

Một áp dụng khác tôi tha thiết ước mong được đưa ra áp dụng, đó là cầu xin Đức Mẹ giúp chúng ta cũng có được cái nhìn giống Đức Mẹ, cũng có được đôi mắt giống Đức Mẹ, và tất nhiên, cũng có được một tâm hồn giống Đức Mẹ, ít ra phần nào. Tức là: Cái nhìn của đôi mắt phản ánh trái tim cầu nguyện. Cái nhìn của đôi mắt mở ra từ trái tim suy niệm. Cái nhìn của đôi mắt chiếu sáng trái tim vâng phục thánh ý Chúa. Cái nhìn của đôi mắt toả ấm từ trái tim thương xót.

Ra khơi trong một thế giới phức tạp, người truyền giáo có thể dùng những cái nhìn như thế để gieo vãi Tin Mừng, để làm chứng cho những giá trị cao thiêng. Bởi vì khi nhìn cái nhìn của đôi mắt, người ta có thể đọc được rất nhiều, nghe được rất nhiều, cảm được rất nhiều, hiểu được rất nhiều, và đo được rất nhiều chiều kích nội tâm.

Tôi tin tưởng rằng: Rất nhiều người sẽ nhận được tín hiệu Tin Mừng qua cái nhìn của đôi mắt ta, khi cái nhìn của đôi mắt ta phản chiếu tâm hồn ta thực sự là đền thờ của Chúa ( 1Cr 3, 16-17 ), là nơi ta phượng thờ Chúa ( Ga 4, 21-23 ), là nơi Nước Chúa ngự trị ( Mt 5, 3-12 ), là nơi có lửa tình yêu xót thương ( Lc 1, 38 ), là nơi có không khí dịu mát toả ra từ Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường ( Mt 12, 29 ).

Tôi càng rất tin tưởng rằng: Lời nguyện cầu: “Xin Mẹ ghét mắt thương xem chúng con” sẽ là một hành trang gọn nhẹ, nhưng quý giá, cho chúng ta trên mọi chặng đường cuộc sống. Cuộc sống người môn đệ Đức Kitô sẽ không thiếu thử thách. Bởi vì chúng ta tự nguyện “từ bỏ mình, vác thập giá mình, mà theo Đức Kitô” ( Mt 16, 24 ), thì chắc chắn chúng ta sẽ phải chia sẻ số phận của Đức Kitô. Không nhiều thì ít. Nhưng cũng chắc chắn là Đức Mẹ sẽ ghé mắt thương xem chúng ta, và chúng ta sẽ được hạnh phúc khi thấy Đức Mẹ làm cho chúng ta được sống, được vui, được cậy tin, và được bình an tâm hồn.

Gm. BÙI TUẦN

Nếu Quý Vị thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này !

Gửi phản hồi

Người đăng tin

Lm. Giuse Lê Quang Uy, DCCT

Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế