Xã hội chúng ta hiện nay đang suy đồi đạo đức một cách trầm trọng. Sự suy đồi của đạo đức đang xảy ra ở khắp nơi. Có bao giờ các bạn tự hỏi vì sao chúng ta lại trở nên như vậy? Hay điều đó là tự nhiên? Không hề. Sau đây là góc nhìn của một bạn người Công Giáo. Lập luận của bài viết này là “một xã hội vô thần sẽ trở thành một xã hội vô đạo đức.”
Hiện nay, không lạ lùng gì khi hằng ngày trên các trang thông tin đại chúng, đâu đâu cũng có những chuyện cướp của, giết người một cách lãng nhách, vô nhân tính. Cái ác hoành hành khắp chốn một cách ngang nhiên. Chính bạn ra đường cũng phải đề phòng, cảnh giác cao độ vì lo sợ dàn cảnh, cướp giật. Đi du lịch trong nước, dù là người Việt Nam vẫn sợ bị chính những người Việt Nam lừa gạt, bán hàng với giá cắt cổ. Hoặc cả khi bạn gặp một vụ tai nạn mà không ít lần nghe xì xầm rằng đừng dính vào kẻo vạ lây. Hay nhan nhản trên Facebook những người đưa tin, lên án về mặt trái xã hội thì chỉ nhận được vài comment đại loại như “hơi đâu mà lo việc bao đồng”, “lo mà kiếm cơm đi, dư hơi quá”…
Điều đó cho thấy kháng thể của xã hội trong việc chống cái xấu cái ác đang bị xuống cấp trầm trọng.
Vậy cái ác bắt đầu từ đâu?
Trộm, cướp… đến từ cuộc sống khó khăn nhưng sự chiếm đoạt của cái ác lại nằm ở giáo dục và khi giá trị đạo đức bị hủy hoại, tha hóa rõ ràng. Nền giáo dục không tạo được con người có nhân cách, có niềm tin đạo đức, biết sống lương thiện, biết sống thương yêu. Thay vào đó là từ ngay tấm bé trẻ con đã thấy một xã hội vị kỷ, thực dụng, chỉ thấy tiền là chính.
Một chuyện nhỏ thế này, cô bạn tôi kể rằng, em gái cô ấy đang học cấp hai, về nhà bảo mẹ sao không mua quà bánh trung thu đến biếu cô giáo, vì em cô ấy không muốn bị cô giáo chú ý đến như những năm trước, khi mẹ cô ấy không biếu quà như các bạn. Thay vì chúng ta đem ánh trăng vàng, là câu chuyện về chị Hằng Nga, chú Cuội để con nít biết mơ mộng sáng tạo thì lại cho chúng về lòng tham muốn thành tích, lấy lòng bằng của cải vật chất. Đứa trẻ sẽ nghĩ gì về cô của nó? Và trong tương lai nếu có điều kiện đứa trẻ đó có tìm cách móc tiền bằng địa vị và chỗ đứng của mình và nghĩ đó là chuyện bình thường và đương nhiên?
Đây là những chuyện mà theo ba mẹ tôi kể lại, ở thời của họ không hề có. Đây là không còn là câu chuyện nhỏ mà là một vấn đề trầm trọng. Các em lớn lên trong một môi trường giáo dục như thế, xã hội biến chất, đảo điên như thế. Bởi vậy nên mới có chuyện con giết cha mẹ để có tiền chơi game. Đây là đỉnh điểm của sự bấn loạn rất khó tưởng tượng là có thể đi đến điểm nào tệ hơn nữa.
Nền giáo dục tự hoại
Nói về học đường ở Mỹ và các nước phát triển…
Học sinh tiểu học chả có lý tưởng cao xa gì sất. Chúng không hề có ý định đi học để trở thành ông này bà nọ trong chính quyền! Không hề có học đường nào dành cho chủ tịch, bí thư, ủy viên tương lai, như tôi đã từng thấy hồi còn nhỏ ở quê nhà. Các em không có bài tập về nhà. Bài tập về nhà kiểu như các học sinh như các học sinh Việt Nam là khá xa lạ ở Mỹ.
Trường học ở Mỹ chú trọng đến đạo đức, trước hết để giúp cho các đứa trẻ trở nên những công dân có đủ tư cách, sau đó mới tính đến chuyện lý tưởng lâu dài. Trở thành công dân có đủ tư cách ư? Một quan niệm nghe mới cổ hủ làm sao!
Còn ở Việt Nam, chúng ta đưa chính trị vào trường học, nhồi nhét quan điểm một chiều trong trường học. Thay vì khuyến khích yêu thương nâng đỡ nhau để giải quyết các vấn đề thì ta lại khuyến khích đấu tranh để sống còn. Mà đấu tranh giai cấp lại dùng bạo lực tiêu diệt kẻ thù, tiêu diệt thế lực thù địch, và hả hê vì thành tích giết được mấy chục mạng người, cướp của từ bọn giàu có làm lợi cho mình. Thói ghen ghét, đố kỵ ở đâu cũng có, nhưng tôi có cảm nhận tại Việt Nam ngày nay, những tật xấu này có phần gay gắt một cách không bình thường.
Những nguyên nhân gốc của việc băng hoại đó là từ đâu?
Gần đây trên nhiều tờ báo có viết về những hành động “tự xử” của người dân thay vì báo công an? Đó là hậu quả của việc phải chờ đợi giải quyết từ chính quyền. Tội phạm không sợ bị trừng trị, không sợ bị lên án, họ đánh mất lòng tự trọng nên thay vì xấu hổ và lo sợ chúng lại quay ra thách thức xã hội, hành hung những người dám ngăn cản mình. Hiện trạng này ngày càng nguy ngập.
Chưa bao giờ lòng tin của người dân mất mát ghê gớm đến thế. Từ anh lái taxi, đến anh đi xe ôm hay người thợ cắt tóc đều mang tâm trạng lo âu về cuộc sống. Người ta lo không biết mình sẽ sống thế nào, thu nhập thế này có đủ sống không. Họ cũng theo dõi báo đài, họ cũng đặt niềm tin vào việc chống tham nhũng của chính phủ. Nhưng mọi chuyện dường như lại đâu vào đó.
Thời điểm Pháp thuộc, đất nước ta bị bóc lột, dân Việt bị bần cùng hóa. Hiện thực xã hội lúc đó cũng có thể là thời điểm đen tối nhưng cũng có nhà văn phản tỉnh, trí thức tả chân. Cụ thể như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố trong tác phẩm của họ tố cáo trước dư luận những tội ác của thực dân và sự cùng cực của dân tộc bị trị . Nhưng những cuốn sách ấy được xuất bản, và truyền lại cho hậu thế. Còn bây giờ tôi không thấy những cuốn sách như vậy. Không phải không có những người tài mà những cuốn sách đó khó được in ấn xuất bản một cách chính diện. Người tốt giờ đây phải co cụm lại, im lặng…
Giá trị và quy luật thiện thắng ác đang bị đảo ngược?
Người tốt, người có đạo đức, vốn là rường cột của xã hội họ lại phải lui về thúc thủ, bàn quan. Bởi vì nếu can thiệp họ sẽ gặp tai họa, gặp rắc rối. Chúng ta vẫn biết những câu chuyện về những nhà báo viết về chống tiêu cực phải vào tù, chúng ta biết những người viết ca khúc chống Trung Quốc bị bắt. Còn những người làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng chẳng bị sao cả, có chăng cũng chỉ đi tù sơ sơ vài năm. Điều đó làm xã hội đang đi xuống chứ không phải đi lên.
Xã hội vô thần có phải nguyên nhân dẫn đến sự suy đồi ?
Khoảng trống không có gì bồi đắp nhất là khi lòng tin ở tâm linh bị phá vỡ hay không được vun xén nữa. Hậu quả nhãn tiền là người ta ngày càng coi trọng vật chất hơn là những giá trị tinh thần.
Phạm trù thần linh phai mờ trong tâm thức con người và dần dần lòng tham lam của thân xác, của dục vọng sẽ không có gì ngăn cản nữa. Lương tâm con người chìm xuống, cái ác lên ngôi. Chẳng những kỷ cương xã hội bị phá vỡ mà luân thường đạo lý gia đình tan biến. Đây chính là hậu quả của việc đánh mất niềm tin, xoá bỏ đức tin.
Những người vô thần thường tuyên bố rằng mọi sự sẽ tốt đẹp hơn trong một thế giới không bị chi phối bởi tôn giáo nhưng nếu nhìn kỹ lại thì không phải như vậy. Trung Quốc dưới thời cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông đã gây ra cái chết của không biết bao nhiêu triệu sinh mạng. Pol Pot và nhà nước lý tuởng của ông ta cũng đã sát hại hàng triệu người dân Kampuchea vô tội.
Tại Việt Nam cũng không kém. Tất cả những nước vô thần này đều có một mẫu số chung; dưới ách thống trị của họ dân chúng có rất ít, hoặc không có tự do, nhiều người đã đang và sẽ bị tra tấn, đánh đập dã man, bị bỏ tù nếu không tuân theo đường lối của đảng.
Gần đây tôi nhớ có nghe thấy ông Richard Dawkins, một người vô thần nổi tiếng thế giới tuyên bố rằng lý do duy nhất khiến con người tin vào Chúa là vì từ nhỏ họ đã bị cha mẹ tẩy não để tin vào Chúa. Sở dĩ trẻ con tin là vì cha mẹ chúng bảo phải tin nên chúng tin, cũng như cha mẹ kể chuyện ông già Noël nên chúng tin. Tuy nhiên, ông Dawkins tảng lờ không để ý đến sự kiện là khi trẻ con lớn lên chúng ý thức sự thật về ông già Noel và biết rằng chuyện ông ta chui qua ống khói để đem quà giáng sinh vào nhà cho chúng chỉ là một câu chuyện giả tưởng.
Thế mà nhiều đứa trẻ trưởng thành với cũng một trí khôn ngoan ấy vẫn vững tin vào Chúa của họ, và chúng ý thức với hềt linh hồn, hết trí khôn và hết con tim rằng Thiên Chúa có thật. Chúng nắm vững niềm tin ấy vì đức tin và kinh nghiệm cá nhân chứ không phải vì có người bắt chúng phải tin như vậy.
Ngoài ra, ông Dawkins đã hoàn toàn không nói gì đến những quốc gia bị nhà nước vô thần bách hại tôn giáo, đặt tôn giáo ngoài vòng pháp luật, giết hại, cầm tù và “cải tạo” các tín hữu. Nhà nước cấm không được thảo luận hoặc dạy giáo lý tại trường học.
Tôn Giáo và Quốc Gia
Mới đây, Tổng Thống Vladimir Putin đã khuyến khích sinh viên tại một trường đại học Nga là hãy cố gắng sống đời sống của Thánh Phanxicô Assisi (Phanxicô khó nghèo).
Đầu năm 2011, Hạ Viện Hoa Kỳ đã thông qua một nghị quyết tái khẳng định việc sử dụng tiêu ngữ của Mỹ: “In God We Trust” (Chúng Ta Tin Vào Chúa), đã được in trên tất cả các tờ giấy bạc của ngân hàng quốc gia.
Ngoài việc được in trên tiền tệ của Hoa Kỳ, loại tiền tệ được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới. “In God We Trust” còn được một số bang như Florida, Georgia gắn trên lá cờ của tiểu bang, hoặc được khắc lên tòa nhà thủ phủ bang Pennsylvania như là câu tiêu ngữ riêng của tiểu bang mình.
Bản tuyên ngôn độc lập Mỹ khẳng định con người có những quyền cơ bản bất di bất dịch, các quyền này không phải được ban phát bởi con người, chế độ, vua chúa, hoặc vì một ý do gì đó. Mà được ban phát bởi “God”. Điều đó có nghĩa không một ai, không một thể chế, một cá nhân, hoặc một lý do gì có thể lấy đi cái quyền đó. Còn “God” là ai? là “God” của bất kỳ tôn giáo nào, của bất kỳ công dân Mỹ nào, “God” là chân lý của thiên địa tự nhiên.
Kết Luận
Cũng chính một vị Tổng Thống Hoa Kỳ, Ronald Reagan, cũng đã nói rằng: “Nếu chúng ta quên rằng chúng ta là một quốc gia của Chúa, chúng ta sẽ thành một quốc gia suy tàn.” Vì nếu không có Chúa, ai sẽ là người dẫn đường cho con người? Chúng ta sẽ lấy niềm tin và chuẩn mực đạo đức từ đâu? Dựa trên cái gì chúng ta nói rằng việc kia đúng hay việc này sai? Nếu không phải Chúa thì ai?
NGUYỄN CHÂU