
Sau 4 năm làm ở cơ quan ấy, ba tôi đổ bệnh. Khám mãi không ra bệnh gì, thế là người ta cho ba tôi về hưu để chờ chết. Năm ấy ba tôi mới hơn 40 tuổi. May mà ba tôi là thương binh hạng 2/4 (khi ấy hạng 1 là nặng nhất), nên được hưu thật chứ không bị đuổi về không. Cũng không biết có phải vì ba tôi là thương binh mà được về hưu thật, hay vì họ tính, đằng nào cũng chỉ vài tháng lãnh lương hưu là ba tôi sẽ chết.
Đến khi ba tôi chính thức về hưu, dù chế độ vẫn là ăn độn, nhưng mẹ tôi bảo ba tôi đã khổ cả đời, bây giờ sắp chết, phải để cho ba tôi được ăn một bữa tử tế. Nhà có mấy con gà con chưa mọc lông cánh. Mẹ tôi bắt một con, hầm ngải cứu cho ba tôi ăn. Cứ như là có phép màu, sau khi ăn vài con gà con chưa kịp mọc lông cánh, ba tôi khỏe hẳn.
Lúc đó, cả nhà tôi mới biết ba tôi bị bệnh gì, và ai là người chữa bệnh cho ba tôi. Ba tôi tham gia cách mạng từ năm 1945, trên người đầy thương tật, Một tay bị cụt, tay kia chỉ còn 2 ngón tay cử động được. Những vết thương ấy ba tôi nhận được khi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Năm 1954, ba tôi tập kết ra Bắc. Trong hoàn cảnh thương tật như vậy, ba tôi học làm thợ máy. Và với 2 ngón tay còn lại, ba tôi đã là một thợ sửa xe hơi có tiếng tại Hà nội. Những ai sống ở Hà nội những năm đầu thập niên 1960 có thể biết ba tôi với tên gọi Đào Ba, có xưởng sửa xe hơi Quyết Thắng ở phố Quan Thánh.
Tôi không có ý khoe ba mình, dù ba tôi còn có rất nhiều điều đáng để khoe. Tôi cũng không muốn kể khổ. Tôi chỉ muốn nói một điều, rằng ba tôi, một con người đã bỏ một phần xương máu cho chế độ. Khi mang thương tật, cũng không chịu sống nhờ trợ cấp mà tự học nghề, trở thành giỏi nghề, tự nuôi mình, nuôi gia đình, và giúp ích cho xã hội.

Thế nhưng, ba tôi không được bất cứ sự ưu đãi nào. Trong khi đó, sếp của ba tôi, chỉ là sếp, không có trình độ, không phải người có đóng góp, hi sinh, thì lại có chế độ ăn riêng. Có người bảo ông ấy bị đau dạ dày nên phải ăn cơm nếp. Tôi chợt nghĩ, sao ba tôi không bị đau dạ dày mà lại bệnh gì để họ tống về nhà chờ chết nhỉ. Biết đâu, nếu ba tôi cứ bảo là mình đau dạ dày thì có khi đã chẳng đến nỗi phải về hưu chờ chết.
Đó là bản chất của chế độ chúng ta đang sống. Trong những năm chiến tranh ác liệt, trong khi mọi người không có gì để ăn, trong khi một thương binh hạng nặng, một thợ máy lành nghề, suýt chút nữa thì chết đói, lại có những cửa hàng lương thực, thực phẩm dành riêng cho cán bộ trung cao. Trong khi những người lính vào sinh ra tử ăn theo chế độ đại táo, thì các sĩ quan ăn theo chế độ tiểu táo…
Bây giờ, người dân bệnh thì vào bệnh viện, chen nhau trên giường và dưới gầm giường. BHYT lấy tiền của chính họ đóng góp, trả cho cái gì thì hay cái đấy, còn thì móc túi tự trả. Còn cán bộ thì có Ban bảo vệ sức khỏe riêng, có bệnh viện riêng. Bệnh viện của họ được trang bị thoải mái từ tiền đóng thuế của người dân. Họ cũng chẳng bị khống chế bởi các qui tắc của BHYT. Chưa hết, khi nào không tin các bác sĩ trong nước, ngân sách lại móc tiền ra trả cho họ ra nước ngoài chữa bệnh.
Còn nhiều ví dụ về những đặc quyền đặc lợi cho quan chức XHCN ở Việt nam. Trong hoàn cảnh đấy, việc vợ của ông Bộ trưởng, cháu nội của ông Chủ tịch nước, được xe biển xanh (xe xài tiền ngân sách) ra cầu thang máy bay đón, và cả máy bay phải chờ, là chuyện bình thường, hết sức bình thường. Nó còn ít xấu xa hơn rất nhiều so với chuyện đặt các trạm BOT giao thông sai chỗ để trấn lột tiền của dân.
Đất nước này không phải của đám dân đen, ngay cả khi đám dân đen đó hi sinh xương máu cho nó, ngay cả khi đám dân đen đó là những kẻ có tài, đóng góp nhiều cho đất nước. Đất nước này là của những quan chức. Dân thì cứ làm việc, đóng thuế. Quan chức sẽ sử dụng tiền đó, làm gì thì là việc của họ. Đừng thắc mắc. Muốn thì mua lấy chức quan.
Ông bà ta có câu, thắng làm vua, thua làm giặc. Thời La Mã, khi thua thì trở thành nô lệ. Chúng ta đang có nhiều vua, và cũng có quá nhiều kẻ sống như nô lệ. Khác với câu nói của ông bà ta, nhiều người vẫn không phải là vua, ngay cả khi họ thuộc về bên thắng cuộc.