Thành phố Sàigòn sau khi là thuộc địa của Pháp, họ đã để lại cho dân Sàigòn một gia sản khá đồ sộ về nhiều lãnh vực, đặc biệt về văn hóa nghệ thuật. Một trong các di sản đang tồn tại đó là các công trình kiến trúc, dù rằng trong mấy năm qua người ta đã nhẫn tâm phá rất nhiều các công trình này rồi, nhưng giữa lòng Sàigòn vẫn còn sót lại một số công trình mà vì nhiều lý do họ chưa làm gì được.
Nếu Dinh Thống Nhất (Dinh Độc Lập) được cho là một tuyệt tác kiến trúc có tên tuổi của vị kiến trúc sư danh tiếng Ngô Viết Thụ, thì phải nói rằng vị kiến trúc sư người Pháp trước đó đã quy hoạch vị trí của dinh ở cuối một đại lộ, mặt tiền dinh quay thẳng về phía mặt trời mọc, để ông Ngô Viết Thụ có thể tận dụng hướng ánh sáng mà chắt lọc cho không gian kiến trúc của ông chan hòa sự diệu kỳ từ chính diện cho đến nội thất.
Nếu Nhà Thờ Chính Tòa Sàigòn có là một di sản kiến trúc độc đáo của Sàigòn, thì chính vị trí và cao độ của nền Nhà Thờ đã đóng một vai trò không nhỏ trong sự tinh túy của di sản ấy, thậm chí cả cái quy mô của công trình (dạo xưa ấy không mấy ai chấp nhận nổi tầm cỡ to lớn có phần vô lý của nó).
Đúng là tầm nhìn quy hoạch của người Pháp để lại ch chúng ta thật quý báu.
Thế nhưng trong các công trình kiến trúc của người Pháp để lại cho Sàigòn giờ đây hầu hết đã phải chịu sự đổi thay theo năm tháng, đã có những phần trùng tu quy mô, hoặc nơi ấy đã xảy ra những biến động lớn của thời cuộc, khiến cái cảm nhận, cái duyên dáng của nó chịu ảnh hưởng nhiều của các biến cố.
Dù vậy, có một số ít công trình hầu như không thay đổi, khiêm tốn, nhỏ bé, mỹ miều, duyên dáng ẩn nấp nhẹ nhàng cho đến tận ngày nay, một trong số đó là “Nhà Dây Thép Gió”, đường CMT 8 (Lê Văn Duyệt xưa), gần Ngã Ba Ông Tạ. Căn nhà không đồ sộ, nhỏ bé, dễ thương, nép mình bên những công trinh khác, chung quanh vẫn còn những cổ thụ rợp bóng nghiêng mình.
Trước dây, ngôi nhà có một vẻ đẹp khác, nó nằm giữa một cánh đồng bao quanh là cỏ dại, những hàng dây thép chằng chịt chống đỡ những cây cột bắng sắt mảnh khảnh vươn lên, những cây cột mang nhiều huyền thoại trong đầu của những đứa trẻ chúng tôi thời ấy, phía sau là một khu vườn xanh ngắt những ngàn rau, những luống đất dài mang mầm sống phơi mình giữa nắng trong lành của miền Nam hiền hòa.
Ngày ấy, tôi yêu những cái giếng nước nghèo bên trong khu vườn rau, mỗi giếng nước có cái cần bằng tre mong manh lẩy khẩy làm đòn bẩy kéo từng thùng nước từ giếng sâu, tưới tắm cho những mầm xanh tươi tốt. Nhà tôi gần khu này, nhiều dịp qua lại, nhiều lần dừng chân ngắm những sinh hoạt nhà vườn không biết chán. Trên dưới sáu mươi năm rồi, những hình ảnh cũ vẫn chưa phai mờ trong tôi.
Có ai ngờ đâu mảnh vườn nghèo ấy bỗng một ngày dậy sóng, cuộc sống thanh bình đột nhiên hóa tang thương. Cô bé nhà quê bình dị một ngày hóa thành cô thiếu nữ duyên dáng khi chung quanh giá đất đua nhau nhảy múa, cái đẹp tự nhiên của nàng làm bọn con trai làng ngẩn ngơ thèm muốn. Từ thập niên 80, nhóm lợi ích quận Tân Bình đã xầm xì to nhỏ chuyện lấy khu đất này dùng quyền của mình mà phân lô bán nền, họ đã không màng đến quyền sở hữu và quyền sử dụng đất của cư dân vườn rau theo luật định.
Hôm qua nhân dịp một bữa cơm đầu năm, câu chuyện trên bàn xoay quanh biến cố Vườn Rau Lộc Hưng, một cô giáo đã nghỉ hưu kể rằng, ngày ấy Phòng Giáo Dục quận thông báo có ba người giáo viên thuộc cư dân Vườn Rau Lộc Hưng, các hiệu trưởng phải quán triệt nhân viên của mình, không cho tham dự bất kỳ một sinh hoạt nào của dân địa phương nhằm bảo vệ khu đất, nếu xảy ra hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm.
Họ đã chiếm đoạt hơn 2ha dựa vào sự hiện diện của Nhà Dây Thép Gió, kết quả quan chức to nhỏ đã có được một khu dân cư mọc lên hợp pháp chung quanh cái công trình duyên dáng nhỏ bé kia, đặt ngôi nhà của Bưu Điện lọt thỏm giữa những nhà khu phố cao tầng.
Chưa chiếm đoạt được hết, họ còn thèm thuồng lắm, áp lực không ngừng gây trên những thân gầy nghèo khổ, số phận rủi may sở hữu khu đất đẹp bất ngờ, càng ngày càng đẹp khi giá nhà đất tăng cao, tìm đâu ra giữa thành phố này có một khu đất đẹp như vậy? Phải gọi đúng tên là khu đất… vàng!
Rồi một ngày, khi người ta duyệt 93.000 tỷ đồng để bổ sung đường Metro Sàigòn – Suối Tiên, và mở dự án đường Metro Sàigòn – An Sương, cái trạm Metro trong thiết kế đặt ở công viên Lê Thị Riêng (Nghĩa địa Đô Thành cũ) đã biến khu đất Vườn Rau Lộc Hưng thành khu đất… kim cương, chính thức xác nhận một lời trong chuyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là đúng, vâng, “Hồng nhan bạc mệnh”.
Không chỉ là bọn trai làng, không chỉ là mấy ông đồ gàn, cũng chẳng là những quan quân địa phương, người con gái quá đẹp, trinh nguyên, mộc mạc, là miếng mồi thèm khát của bọn trọc phú, vung tiền ra, quanh chúng nó là cả một bọn xua nịnh, bọn hèn, và bọn nhát sợ quyền lực, chúng nó chiếm cho bằng được bất chấp luân thường đạo lý.
Lên Google mà coi, khu đất Vườn Rau Lộc Hưng thật đẹp, gọn và vuông vắn, nối theo đường Bắc Hải ra khu đất Đài Phát Tín đường Lý Thường Kiệt (Nguyễn Văn Thoại cũ), và còn đẹp hơn nữa, đẹp quá lẽ, liệu bà con khu lân cận Vườn Rau dọc đường ra Đài Phát Tín có tiếp tục yên ổn được không khi trạm Metro tương lai gần sẽ nằm ngay ở công viên Lê thị Riêng ?
Chẳng lẽ những đớn đau của một một kiếp “hồng nhan bạc mệnh” đành phải ngậm im mang xuống tuyền đài?
TÙNG DƯƠNG
Sàigòn, Tết 2019 Kỷ Hợi, một cái Tết không nhà