PHẦN 1
Cách mạng tháng 10 năm 1917 tại Nga do Đảng Bolshevik cầm đầu là biến cố lịch sử tang thương nhất không chỉ cho dân tộc Nga mà còn cho cả nhân loại. Bởi vì biến cố này làm Chủ Nghĩa CS lan rộng khắp thế giới và giết chết hơn 100 triệu người. Một trăm năm nhìn lại, nó đã gây vô số hệ lụy thống khổ cho hàng tỉ người. ( Tranh vẽ: Lenin trong Cách Mạng tháng 10 của Nga ).
Bối Cảnh Xã Hội Nga và Cách Mạng Tháng 10 Năm 1917
Trong tác phẩm “Comrades ! A History of World Communism” ( Các Đồng Chí ! Lịch Sử Chủ Nghĩa CS Thế Giới ), sử gia chống Cộng người Anh chuyên về lịch sử Liên Bang Sô Viết Robert Service viết rằng, “Nghèo đói và áp bức tạo ra mảnh đất phì nhiêu cho chủ nghĩa Marx nảy nở.”
Đúng vậy ! Cách mạng tháng 10 năm 1917 của những người CS Nga bắt nguồn từ bối cảnh xã hội nghèo đói và áp bức của nước Nga. Sau này cũng thế, các cuộc cách mạng CS tại Trung Quốc, Việt Nam, v.v… đều khởi đi từ bối cảnh xã hội nghèo đói và áp bức.
Đầu thế kỷ 20, Đế Quốc Nga vẫn còn bị cai trị bởi chế độ quân chủ của Sa Hoàng ( Tsar ), với hàng triệu nông dân chiếm đa số trong dân số sống nghèo khổ. Lòng dân bất mãn triều đình thối nát và độc tài của Sa Hoàng lên đến cực độ vào năm 1905 qua sự ra đời của hội đồng công nhân được biết với tên “Sô Viết” tại nhiều thành phố ở Nga để buộc Sa Hoàng phải thực hiện cải tổ dân chủ, đưa tới việc ra đời chính quyền dân cử, gọi là Duma.
Khi Nga Hoàng Nicholas II lôi kéo 11 triệu nông dân vào Thế Chiến Thứ Nhất ( 1914-1918 ), dân Nga cảm thấy chán nản cùng cực vì chết chóc và thương tật. Nước Nga lâm vào tình trạng lụn tàn làm cho cách mạng chín muồi. Vì vậy, vào tháng 2 năm 1917, cuộc biểu tình vĩ đại của các nữ công nhân bùng phát.
Lo sợ hỗn loạn đưa tới sụp đổ, triều đình Nga Hoàng kêu gọi quân đội đàn áp biểu tình. Nhưng giới phụ nữ đã thuyết phục binh sĩ buông súng đứng về phía họ để lật đổ Nga Hoàng Nicholas II và biến cuộc biểu tình thành cuộc Cách Mạng Tháng 2 mà kết quả là Chính Quyền Lâm Thời được thành lập.
Tuy nhiên, Chính Quyền Lâm Thời được lãnh đạo bởi các nhà ngân hàng, luật sư, kỹ nghệ gia, và các nhà tư bản, vốn không chuyên môn về chính trị, nên không đủ mạnh để thực hiện cam kết chấm dứt sự can dự của Nga vào chiến tranh. Điều này khiến nước Nga tiếp tục day dưa với cuộc chiến và làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Chính Quyền Lâm Thời vì vậy lại bị chống đối, mà lần này cũng là các Sô Viết, hay “hội đồng công nông”. Họ muốn có được quyền tự quyết đối với vận mệnh của chính họ và của đất nước Nga.
Vào đầu tháng 10, người lãnh đạo Đảng Bolsheviks là Vladimir Lenin tổ chức cuộc nổi dậy chống Chính Quyền Lâm Thời. Những công nhân có trang bị vũ khí được biết với tên Hồng Quân và nhiều nhóm cách mạng khác được lệnh của Ủy Ban Cách Mạng Quân Đội của Sô Viết vào đêm ngày 6 và 7 tháng 11 năm 1917 chiếm các trạm bưu điện, nhà máy điện, nhà ga xe lửa, và ngân hàng quốc gia. Khi tiếng súng nổ ra từ Tàu Chiến Nga Aurora, thì hàng ngàn người trong Hồng Quân như vũ bão tràn vào Dinh Thự Mùa Đông. Chính Quyền Lâm Thời sụp đổ và được thay thế bởi chế độ Bolshevik.
Sau khi nghe tin Dinh Thự Mùa Đông bị chiếm, người dân ở các nơi liền nổi dậy và đổ dồn về đó. Vladimir Lenin tuyên bố xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa tại Nga. Chính quyền mới này được dựng lên bởi các Sô Viết và được lãnh đạo bởi những người Bolsheviks.
Vậy mà vào đầu tháng 11 năm 1917, ngay sau cách mạng, không ai nghi ngờ gì về chuyện giai cấp vô sản đã hậu thuẫn châm ngôn của Đảng Bolsheviks, “Tất cả quyền lực đều thuộc về các Sô Viết !” Thực chất đó chỉ là tuyên truyền mị dân, vì quyền lực thực sự đã không thuộc về các Sô Viết mà là nằm trong tay Đảng CS Nga. Trường hợp này đã tái diễn tại Việt Nam khi CS núp dưới cái bóng của Việt Minh để cướp chính quyền vào ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Đảng Bolsheviks do Vladimir Lenin lãnh đạo là một nhánh chiếm đa số của Đảng Lao Động Dân Chủ Xã Hội Nga ( The Russian Social Democratic Labour Party ) và nhánh thiểu số còn lại có tên Mensheviks do Julius Martov lãnh đạo. Đảng Lao Động Dân Chủ Xã Hội Nga còn có tên là Đảng Công Nhân Dân Chủ Xã Hội Nga ( The Russian Social Democratic Workers’ Party ) hay cũng được gọi là Đảng Dân Chủ Xã Hội Nga ( The Russian Social Democratic Party ) là đảng chính trị cách mạng xã hội được thành lập vào năm 1898 tại Minsk – thời đó là một thành phố nằm trong Đế Quốc Nga, bây giờ là thủ đô của Belarus – để thống nhất các tổ chức cách mạng khác nhau của Đế Quốc Nga.
Năm 1912 đảng này bị chia làm 2 nhóm, Nhóm Đa Số là Bolsheviks và Nhóm Thiểu Số là Mensheviks. Đảng Bolsheviks sau trở thành Đảng CS của Liên Bang Sô Viết. Đảng Lao Động Dân Chủ Xã Hội Nga dựa trên lý thuyết Duy Vật Biện Chứng và Duy Vật Sử Quan của Karl Marx và Friedrich Engels. Nga lúc đó chủ yếu là một nước nông nghiệp, đảng này lại dựa vào lực lượng công nhân để làm cách mạng, dù Nga chỉ có ba triệu công nhân, chiếm 3% tổng dân số.
Trước Đại Hội lần thứ hai của Đảng Lao Động Dân Chủ Xã Hội Nga được tổ chức vào năm 1903 tại Bỉ, một tri thức trẻ có tên là Vladimir Ilyich Ulyanov, lấy tên giả là Vladimir Lenin, gia nhập vào đảng. Trước đó, tức là năm 1902 Lenin công bố bản phác họa nhiệm vụ và phương pháp luận của đảng có tựa đề “What is to be done ?” [ Điều gì cần được làm ? ] để thành lập “đội ngũ tiên phong của giai cấp vô sản.” ( Ảnh: Khủng bố Ảo sau “Cách Mạng Tháng 10” tại Nga đã gây nên nạn đói làm 5 triệu người chết trước tiên là trẻ em ).
Chế Độ CS Nga
Ngày 8 tháng 11 năm 1917, Đại Hội Đảng Bolsheviks đã bầu Hội Đồng Ủy Ban Nhân Dân ( Council of People’s Commissars [Sovnarkom] ) dưới sự lãnh đạo của Lenin trong cơ chế Chính Quyền Sô Viết, là chính quyền đầu tiên được dựng lên sau cách mạng tháng 10. Năm 1921, Lenin đề xuất Chính Sách Kinh Tế Mới, là hệ thống tư bản chủ nghĩa nhà nước khởi đầu tiến trình kỹ nghệ hóa và phục hồi từ Cuộc Nội Chiến giữa những người CS và thành phần chống Đảng Bolsheviks kéo dài 4 năm. Năm 1922, Nhà Nước Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Sô Viết ( the Union of Soviet Socialist Republics – USSR ) được thành lập.
Lenin lãnh đạo chính quyền CS Nga thực hiện các cải tổ xã hội chủ nghĩa, gồm chuyển giao nhà cửa và ruộng đất địa chủ cho các sô viết của giới công nhân. Lenin chủ trương cách mạng thế giới nhưng trước tình hình chưa ổn định của Nga, ông đã phải tập trung vào việc củng cố quyền lực trong nước. Vì vậy, ngay sau cách mạng tháng 10, Lenin chủ trương chính sách hòa bình với các trung tâm quyền lực thế giới và chấp thuận hiệp ước trừng phạt của quốc tế để nhường lại rất nhiều lãnh địa của Cựu Đế Quốc Nga cho Đức. Hiệp ước này đã bị phá bỏ sau khi Đồng Minh chiến thắng trong Thế Chiến Thứ Nhất.
Ngày 9 tháng 3 năm 1923, Lenin bị tai biến mạch máu não làm ông tàn phế và đưa tới sự chấm dứt vai trò lãnh đạo chính quyền của ông. Ông chết vào ngày 21 tháng 1 năm 1924. Người kế nhiệm là Joseph Stalin.
Năm 1925, đảng CS Nga của Lenin trước đó được đổi tên thành Đảng CS Toàn Liên Bang. Trong thập niên 1930s, Stalin bắt đầu chiến dịch Đại Thanh Trừng, một thời kỳ hoang tưởng và đàn áp lan rộng lên đến cao điểm trong hàng loạt vụ án công khai và thanh trừng gần như tất cả Đảng viên. Với sự trỗi dậy của chủ nghĩa Phát Xit tại Ý và Đức, Đảng CS Nga tích cực hình thành các liên minh “an ninh tập thể” với các cường quốc Tây Phương. Khi chưa làm được điều đó, thì Liên Bang Sô Viết ký hiệp ước bất tương xâm với Đức, mà bị phá đổ vào năm 1941 khi Đức xâm lăng Liên Bang Sô Viết, khởi động cuộc “Chiến Tranh Yêu Nước Vĩ Đại”. ( Ảnh vẽ Stalin của Nga Cộng và Mao của Trung Cộng ).
Sau chiến thắng của Đồng Minh vào năm 1945 của Thế Chiến Hai, Đảng CS Nga thực hiện lý thuyết thành lập chính quyền của Stalin trong thời kỳ hậu chiến đi xâm chiếm lãnh thổ và mở rộng không gian ảnh hưởng, dùng chiến tranh ủy nhiệm và gián điệp cung cấp huấn luyện và tài trợ để khuyến khích phong trào CS quốc tế.
Đêm ngày 2 tháng 3 năm 1953, Stalin bị tai biến mạch máu não và được chính thức tuyên bố đã chết vào ngày 5 tháng 3 năm 1953, thọ 74 tuổi. Trong hồi ký chính trị của Vyacheslav Molotov được xuất bản năm 1993, cho rằng Stalin bị ám sát chết, khi kể chuyện bộ trưởng nội vụ Lavrentiv Beria khoe với đệ nhất phó thủ tướng Vyacheslav Mikhailovich Molotov rằng ông đã đầu độc Stalin.
Sau cái chết của Stalin, Khrushchev lên lãnh đạo sau cuộc tranh giành quyền lực nội bộ với bộ trưởng nội vụ Lavrentiv Beria và thủ tướng Georgy Malenkov kéo dài tới năm 1955 mới yên. Khi ổn định vị thế lãnh đạo Đảng, Khrushchev bắt đầu chiến dịch đạp đổ thần tượng Stalin và chấm dứt triều đại khủng bố tập thể của Stalin trong nhiều thập niên trước đó, đã làm giảm sự áp bức xã hội.
Trong Đại Hội Đảng lần thứ 20 được tổ chức vào năm 1956, Khrushchev lên án tội ác của Stalin. Dù nhiều chính sách kinh tế của Khrushchev có mang lại phần nào tiến triển, vẫn không đủ sửa sai quá nhiều vấn đề khó khăn nền tảng của nền kinh tế kiệt quệ của Liên Bang Sô Viết. Dù về đối nội có giảm áp bức xã hội, nhưng các chính sách đối ngoại của Khrushchev không đạt hiệu quả để thiết lập bang giao và quan hệ tốt đẹp với nhiều nước Đông và Tây Âu, đặc biệt với Đảng CS tại Yugoslavia và vụ nổi dậy năm 1956 tại Ba Lan. Nói chung, tất cả đều muốn giữ thế độc lập với Nga. Khrushchev bị lật đổ ngày 14 tháng 10 năm 1964.
Người kế nhiệm là Leonid Brezhnev trong vai trò Tổng Bí Thư Đảng lần đầu tiên của lịch sử Đảng CS Nga. Brezhnev tiếp tục sự nghiệp của Khrushchev trong việc chống lại phương thức khủng bố và bạo hành chính trị của Stalin. Tuy nhiên, Brezhnev chỉ trích các chính sách khác của Khrushchev.
Trong Đại Hội Đảng lần thứ 25 vào năm 1976, tất cả mọi vấn đề khó khăn trong lãnh vực chính trị, kinh tế và xã hội dưới triều đại của Brezhnev đều lên cao điểm khiến chính quyền của ông trở thành bất lực. Sức khỏe ông ngày càng suy nhược đến nỗi ông bị nghiện thuốc giảm đau. Brezhnev chết vào ngày 10 tháng 11 năm 1982 giữa lúc nước Nga rơi vào tình trạng thất bại trầm trọng về kinh tế và đối ngoại với vụ sa lầy trong chiến tranh tại Afghanistan.
Sau khi Brezhnev chết, Andropov, lãnh đạo cơ quan tình báo KGB dưới thời Brezhnev, lên cầm quyền. Sau đó ông thất bại khi muốn đưa Mikhail Gorbachev lên thay thế vị trí lãnh đạo. Andropov chết ngày 9 tháng 2 năm 1984. Người kế nhiệm là Konstantin Chernenko. Nhưng Chernenko không thể xây dựng vị thế lãnh đạo vững vàng trong Đảng và chính quyền bởi vì tất cả đều bị Gorbachev kiểm soát. Chernenko mất ngày 10 tháng 3 năm 1985 để Gorbachev lên nắm quyền ngày 11 tháng 3 năm 1985.
Khi mới lên nắm quyền, Gorbachev thực hiện ngay cải tổ. Ông đẩy tất cả những cán bộ lãnh đạo đảng cựu trào ra khỏi guồng máy chính quyền. Ông hồi sinh lý tưởng của đảng bằng quan điểm mới và cải tiến quan niệm cũ. Một trong những hệ quả của cải tổ này là dẫn tới việc cho phép “đa nguyên tư tưởng” và kêu gọi thành lập “chủ nghĩa đa nguyên xã hội.”
Năm 1986, Gorbachev ban bố chính sách “tái cơ cấu” mà tiếng Nga gọi là “perestroika” nhằm mục đích đưa nước Nga vượt qua khỏi nền kinh tế đang trì trệ bằng cách tạo ra cơ cấu tương quan và hiệu quả để thúc đẩy tiến trình kinh tế và xã hội. Năm 1988, Gorbachev đưa ra chính sách cởi mở [tiếng Nga là glasnost], trao cho người dân Nga quyền tự do mà họ chưa bao giờ có trước đó, gồm tự do ngôn luận.
Tháng 6 năm 1988, trong Đại Hội Đảng CS Nga, Gorbachev đề xuất cơ chế hành pháp theo hệ thống tổng thống và lập pháp cũng được cải tổ gọi là Quốc Hội Đại Biểu Nhân Dân ( Congress of People’s Deputies ) được người dân bầu cử trên khắp Liên Bang Sô Viết vào tháng 3 và 4 năm 1989. Chính sách này đưa tới làn sóng dân chủ hóa ngoài ý muốn của chính quyền. Theo học giả Archie Brown, dân chủ hóa tại Liên Bang Sô Viết giúp Gorbachev làm suy yếu các thành phần chống đối thuộc phe giáo điều bảo thủ trong đảng nhưng cũng làm bùng nổ sự phản kháng quyết liệt của những người bảo thủ. Cuộc đấu tranh giữa Gorbachev và phe bảo thủ kéo dài cho đến khi ông bị đảo chánh vào tháng 8 năm 1991, lúc ông vắng mặt tại thủ đô Moscow.
Ngày 29 tháng 8 năm 1991, Liên Bang Sô Viết bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Ngày 25 tháng 12 năm 1991, Gorbachev từ chức thì một ngày sau Liên Bang Sô Viết cũng bị xóa sổ. Đó cũng là ngày kết thúc 74 năm có mặt và thống trị của Chủ Nghĩa CS trên nước Nga.
Làn sóng đỏ CS lan khắp thế giới
Cuộc cách mạng tháng 10 năm 1917 không chỉ tạo ra chế độ CS Nga mà làn sóng đỏ CS còn lan khắp nơi trên thế giới, tới Á Châu, Đông Âu, Trung Mỹ, v.v…
Tư tưởng Mác Xít bắt đầu truyền tới Trung Quốc sau Phong Trào Ngũ Tứ năm 1919. Vào tháng 6 năm 1920, Quốc Tế CS, được biết như là Đệ Tam Quốc Tế CS tại Nga, đã phái Grigori Voitinsky tới Trung Quốc để gặp Lý Đại Chiêu và một số người khác. Grigori đã tài trợ và lập ra Đoàn Thanh Niên Xã Hội Chủ Nghĩa. Đảng CS Trung Quốc tại tô giới Pháp ở Thượng Hải vào năm 1921 như là một hội nghiên cứu và mạng lưới không chính thức.
Trong Đại Hội Đảng CS Trung Quốc lần thứ 1 vào năm 1921 tại Thượng Hải có 23 đại biểu tham dự gồm, Lý Đạt, Lý Hán Tuấn từ Thượng Hải; Trương Quốc Đạo, Lưu Nhân Tĩnh từ Bắc Kinh; Mao Trạch Đông, Hà Thúc Hoành từ Hồ Nam; Đổng Tất Vũ, Trần Đàm Thu từ Hồ Bắc; Vương Tấn Mỹ, Đặng Ân Minh từ Sơn Đông; Trần Công Bác từ Quảng Đông; Chu Phật Hải đại diện các du học sinh ở Nhật Bản. Trong Đại Hội này, Trần Độc Tú và Lý Đại Chiêu không tham dự vì bận công việc.
Đại Hội do Trương Quốc Đạo chủ tọa, Mao Trạch Đông và Chu Phật Hải làm thư ký. Đại Hội đã bầu Trần Độc Tú là Thư Ký Trung Ương của Đảng CS Trung Quốc đầu tiên, tương đương với chức Tổng Bí Thư Đảng sau này. Trong chiến tranh Hoa-Nhật lần thứ 2 diễn ra từ năm 1937 tới 1945, Đảng CS Trung Quốc và Trung Hoa Quốc Dân Đảng tạm thời hợp tác để chống kẻ thù chung là Nhật Bản. Trong 8 năm này, Đảng CS Trung Quốc gia tăng số lượng đảng viên từ bốn vạn lên tới một triệu hai còn quân đội tăng từ ba vạn tới một triệu.
Sau Thế Chiến Hai, nội chiến giữa Trung Hoa Quốc Dân Đảng và Đảng CS Trung Quốc lại tiếp tục. Dù lúc đầu Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch thắng thế, kết cuộc thì bị Đảng CS Trung Quốc của Mao Trạch Đông đánh bại và bị buộc tháo chạy ra Đài Loan. Sau đó, Tưởng Giới Thạch tái lập Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan và Mao Trạch Đông lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tại Lục Địa.
CS xâm nhập vào Việt Nam rất sớm. Vào mùa xuân năm 1925, người thanh niên có tên Nguyễn Sinh Cung lấy tên giả là Nguyễn Ái Quốc tức là Hồ Chí Minh đã thành lập Hội Thanh Niên Cách Mạng Việt Nam mà đọc theo kiểu Hán Việt là Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh Hội ( Vietnamese Revolutionary Youth Association ), là một tổ chức chính trị CS.
Hội này lợi dụng lòng yêu nước muốn đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước để chiêu mộ hội viên. Hội tuyên truyền mục đích giành độc lập cho nước nhà và tái phân phối đất đai cho nông dân có ruộng làm ăn. Hồ Chí Minh lúc đó là một thành viên của Quốc Tế CS được Quốc Tế CS Nga phái tới Quảng Châu của Trung Quốc vào tháng 12 năm 1924 để thực hiện sứ mệnh kết nối vào tổ chức CS các thành phần trí thức Việt Nam chống Pháp đang hoạt động tại Trung Quốc, rồi huấn luyện và gửi về Việt Nam hoạt động.
Tới năm 1928, thì Trung Hoa Quốc Dân Đảng cấm Hội Thanh Niên của Hồ Chí Minh hoạt động tại Trung Quốc, nên hội phải hoạt động bí mật. Ngày 17 tháng 6 năm 1929, 20 đại biểu khu vực Bắc Kỳ họp tại Hà Nội tuyên bố giải tán Hội Thanh Niên và thành lập Đảng CS Đông Dương.
Đến ngày 3 tháng 2 năm 1930 cuộc họp tại Hồng Kông đổi tên đảng thành Đảng CS Việt Nam. Bị Quốc Tế CS chỉ trích và áp lực vì không đặt chủ trương của phong trào CS quốc tế lên trên hết, vào tháng 10 năm 1930 trong cuộc họp cũng tại Hồng Kông Đảng CS Việt Nam lại phải đổi tên thành Đảng CS Đông Dương trở lại.
Điều này cho thấy ngay từ đầu sự lệ thuộc sâu xa của CS Việt Nam với CS Quốc Tế. Trong cuộc họp này ông Trần Phú được bầu làm Tổng Bí Thư Đảng đầu tiên. Tháng 2 năm 1941, Hồ Chí Minh về lại Việt Nam và thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, thường được gọi tắt là Việt Minh. Việt Minh tổ chức Cách Mạng Tháng Tám thành công để sang đoạt chống Pháp nhưng Hồ Chí Minh và Đảng CS của ông thật sự cướp công cách mạng trong lễ tuyên bố độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Hà Nội.
Trận chiến đánh đuổi thực dân Pháp để giành lại độc lập cho đất nước vẫn tiếp tục đối với người dân Việt Nam. Sau biến cố Mùa Thu năm 1945 đó, lợi dụng lòng yêu nước và nhu cầu cấp bách đó của toàn dân, CS núp sau danh nghĩa của Việt Minh tiếp tục xây dựng cơ sở, phát triển sức mạnh của đảng cho tham vọng lâu dài. Nhờ sự tiếp sức mạnh mẽ về nhân lực và tài lực từ Đảng CS Trung Quốc, CS Việt Nam thắng Pháp tại trận Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954 với sự hy sinh xương máu của hàng ngàn thanh niên Việt Nam yêu nước.
Biến cố này đưa tới Hiệp Định Geneva ngày 20 tháng 7 năm 1954 chia cắt Việt Nam làm hai miền Nam-Bắc với hai thể chế Tự do và CS khác nhau. Bất chấp các điều khoản của Hiệp Định Geveva, đặc biệt điều khoản tổ chức tổng tuyển cử toàn quốc để người dân quyết định vận mệnh tương lai của đất nước, Đảng CS Việt Nam vẫn tiến hành cuộc chiến xâm lược miền Nam với sự hỗ trợ tiền bạc, quân đội và vũ khí từ Trung Cộng, Nga Sô và các nước trong khối CS Quốc Tế. Cuối cùng, lợi dụng việc Hoa Kỳ rút quân theo Hiệp Định Paris năm 1973 và cắt viện trợ sau đó, CS Bắc Việt một lần nữa xẻ bỏ Hiệp Định Paris để thôn tính miền Nam vào tháng 4 năm 1975 để nhuộm đỏ cả nước và đặt nền cai trị độc tài toàn trị lên dân tộc Việt Nam từ đó đến nay.
Ngoài Trung Quốc và Việt Nam, các nước như Bắc Hàn, Đảng CS Bắc Hàn được thành lập vào năm 1925; Mông Cổ, Đảng Cách Mạng Nhân Dân Mông Cổ thành lập năm 1924 đồng minh với Liên Sô; Cam Bốt, Đảng CS Campuchia hay Khờ Me Đỏ được thành lập năm 1968; Lào, những người CS Lào thành lập lần đầu tiên vào năm 1950 Mặt Trận Lào Tự Do để chống chính quyền, cũng đã bị làn sóng đỏ tràn ngập một thời hay vẫn còn tồn tại tới ngày nay. ( Ảnh chụp: Prague, tháng 8 năm 1968, quân đội Liên Xô xâm lăng Tiệp Khắc ).
Tại Đông Âu và Trung Âu, sau Thế Chiến Thứ II, Hồng Quân Liên Sô xâm chiếm nhiều nước và dựng lên nhiều chế độ CS tại các quốc gia này. Hầu hết các nước CS Đông Âu và Trung Âu đều nằm trong liên minh với Liên Bang Sô Viết, ngoại trừ Yugoslavia đã tuyên bố độc lập. Quá trình CS Nga nhuộm đỏ Đông Âu không hoàn toàn xuôi chèo mát mái, như trường hợp Hungary và Slovakia là bằng chứng cụ thể.
Cách Mạng Hungary năm 1956 phát sinh ra tinh thần độc lập không muốn bị lệ thuộc Nga Sô đưa tới sự đàn áp đẫm máu hàng ngàn người dân phản kháng bằng quân đội do Đảng CS Hungary điều khiển. Tương tự, tại Slovakia vào ngày 20 tháng 8 năm 1968, khi Đảng CS Czechoslovak Communist Party do Alexander Dubcek lãnh đạo bắt đầu rục rịch vận động cải tổ để hạn chế tập quyền trung ương và đưa nền kinh tế thoát khỏi lệ thuộc, thì lãnh đạo Nga Sô Brezhnev ra lệnh quân đội Nga Sô xâm chiếm.
HUỲNH KIM QUANG, 20.2.2017
( Còn tiếp PHẦN 2 )