CHỨNG TÁ YÊU THƯƠNG

Ý TƯỞNG LIÊN ĐỚI CỦA CHA PIERRE

 


Mùa lạnh năm đó, vào mỗi buổi sáng tôi cắp sách đến trường. Strasbourg lạnh quá, âm 30 độ. Tôi che mặt mũi, mừng rỡ là vẫn thở ra khí, ngực vẫn ấm, và an tâm chờ mùa xuân sẽ tới. Và trong lòng âm ỉ một niềm hy vọng. Một Linh Mục, một Dân Biểu Quốc Hội, mang cái tên bình dân, “L’Abbé Pierre”, vừa lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ những người sống vất vưởng trên các vỉa hè, có thể chết cóng bất cứ lúc nào. Nước Pháp vừa khám phá ra một vết thương xã hội, và một ánh sáng chiếu rọi vào cái thế giới u ám đó, mà không mấy khi người đi đường để ư. Không mấy ai cầm lòng được trước lời thôi thúc của cha.

Cha Pierre, nguời nho nhỏ, tiếng nói đanh thép. Cha quàng chiếc áo dài màu đen, đội mũ màu đen, đi đôi giầy cũng màu sắc như vậy. Xem ra lúc nào cha cũng đi rảo trên phố, ãn uống chắc cũng qua loa vậy. Cha là hiện thân của lòng bác ái không giới hạn, không ngưng và nhất là không nhân nhượng. Khi phải nói là cha nói. Cha đi đâu người ta cũng nhớ đến hình ảnh các chiếc chãn màu xám từ mọi nơi đổ dồn về các trung tâm, để phân tán đi khắp nơi, trùm lên nhưng thân thể co ro, sống được nhờ vào ngụm rượu đo đỏ, hay điếu thuốc xám xịt những vết tay nhơ nhuốc.

Trong cái thế giới sô bồ này, vẫn có các Dì Phước và các Xứ Đạo theo dõi những con người lạc loài ở kiếp trầm luân, nhưng chỉ có sự hiện diện của cha mới lay động được quần chúng. Người ta làm phim, viết sách về cha.

Cái tên Emmaus, một địa danh, lấy từ Phúc Âm, thuật lại cuộc gặp gỡ giữa hai đệ tử u buồn, lung lạc sau cái chết của Thầy mình, với một người khách có vẻ thản nhiên, nhưng lại có sức đem đến lòng tin tưởng.

“Emmaus” từ đây đối với người Pháp có nghĩa là chia sẻ, là liên đới, một thế giới lạ lùng của những con người bất hạnh muốn làm lại cuộc đời, bắt đầu bằng một mái nhà. Họ đi tìm các thùng rác, đi nhặt các vật dụng phế thải, rồi lau chùi, sửa chữa, chia chác cho nhau, hay đem bán lại với giá rẻ, làm sao cho có đồng ra đồng vào, sống bình thường, dựa vào lòng liên đới của người chung quanh, và cách tổ chức của các cộng đoàn.

Porte de Versailles. Năm nào tổ chức Emmaus cũng đến đây trong bầu khí hội chợ, để tìm những bạn hàng niềm nở, cởi mở. Mua vì nhu cầu một phần, mua vì lòng thiện là chính, và có cơ hội theo dõi hoạt động của cộng đoàn. Theo những hành lang dài thênh thang, la liệt mọi thứ quần áo lành lặn, những nồi niêu bóng nhoáng, radio, đồng hồ, đồ chơi cho trẻ con, đủ mọi thứ, xin quý ông quý bà chiếu cố ! “Tuần nào chúng tôi cũng đóng các thùng quần áo rồi gởi đi Nam Mỹ. Tuần này qua tuần khác, không sao kể hết con số quần áo gởi đi” – “Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam nếu các bạn muốn lập một chi nhánh ở bên đó” – “Ở đây đón nhận mọi người, không phân biệt tôn giáo”…

Tôi bỏ cả một buổi chiều để đi thãm các phòng, lấy tài liệu, và trao đổi với các nhân viên tổ chức. Phục họ quá ! Cha Pierre cũng đến thăm hội chợ, nhưng vài tiếng rồi biến mất, chẳng có lần nào tôi có dịp gặp cha. Cho đến một hôm, cũng ở đây, nhưng vào một ngày hội tưng bừng của thiếu niên, với các bản nhạc hấp dẫn, các cuộc thuyết trình, tranh luận sôi nổi. Bỗng thấy Cha Pierre xuất hiện, bên cạnh một nhân vật khác cũng rất quen biết, soeur Emmanuel. Cả hai có tuổi cả. Cha Pierre ngồi trên chiếc ghế, có người đẩy đi.

Cha đến đây để làm gì giữa lớp trai trẻ, lớp con gái đương lớn lên ? Cha nói đến sự thông cảm giữa các tôn giáo: “Thời nay, một người tín hữu như các em mà không tìm cách chia sẻ tình liên đới với bạn hữu thuộc các tôn giáo khác, thì không đi đúng tinh thần của Đạo !” Tiếng cha nói yếu ớt, nghe qua micro tiếng được tiếng không. Tụi thanh niên vây chung quanh, chãm chú lắm. Có những đứa con nít, thích chạy ngược xuôi trong các hàng ghế, và trên sàn hội, cũng đứng đó, trong vị thế của thính giả.

Một cụ già, đương dọn mình chết, tâm sự với bọn thanh niên. Nếu có sự thông cảm nào, thì đó là khía cạnh thiêng liêng, như cuộc đời dấn thân của Cha Pierre. Cha ra đi vào một mùa rét. Từ cả tháng nay, báo chí, chính khách không ngừng nói đến thân phận của những người sống trong các túp lều ngay trên các vỉa hè. Tôi gặp họ chung quanh nơi tôi ở. Nhìn lâu đã quen. Thỉnh thoảng đi chợ về, tôi đưa mấy quả cam, quả táo. Nhưng có người giơ tay chỉ vào bụng mình, tỏ ra họ không xài được hoa quả. Có lẽ tôi phải liều biếu họ chai rượu, đâu có tội tình gì ?

Trong những người nhớ tiếc cha, khi được tin cha vừa tắt thở sáng hôm nay, ai là những người cảm động nhất ? Tôi đọc báo chí qua Internet, muốn tìm ra những lư lẽ sâu xa đã gắn bó cha Pierre với người Pháp từ 1954, cái năm đáng nhớ đó, vào lúc các anh các chị tôi chung quanh Hố Nai bắt đầu phá rừng xây cất.

Hiện nay có hơn 100.000 trẻ em đi lang thang trên các vỉa hè Sàigòn để kiếm ãn. Các em không được đi học, sống trong đe dọa, đời sống là những ngày mệt mỏi, vật lộn. Có bao Tu Sĩ để ý đến các em ? Đã hiến thân cho Chúa, xin đi đến cùng.

ĐINH VINH PHÚC, Paris, 22.1.2007

Nếu Quý Vị thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này !

Gửi phản hồi

Người đăng tin

Lm. Giuse Lê Quang Uy, DCCT

Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế