Sau thời Cách Mạng Pháp ( 1789 – 1799 ), trước cửa một Nhà Thờ ở Paris, người ta luôn nhìn thấy một người hành khất khác thường với một tượng Thánh Giá bằng vàng trên cổ. Một Linh Mục trẻ chuyên đến dâng lễ tại Nhà Thờ này, mỗi lần lễ xong, ông luôn hỏi han và giúp đỡ người ấy.
Ngày nọ, vị Linh Mục trẻ không còn thấy người ăn xin, ông dò hỏi và tìm thăm người ấy. Người hành khất đang nằm trong một xó xỉnh ở chân cầu thang của một toà nhà đổ nát. Ông đang rét run vì bệnh và đói. Cảm động trước nghĩa cử yêu thương của vị Linh Mục, ông ta nghẹn ngào tâm sự:
“Khi Cách Mạng bùng nổ, tôi đang là quản gia của một gia đình giàu có. Chủ tôi là những người đạo đức, rất thương người. Thế nhưng, tôi đã phản bội và tố cáo họ. Quân cách mạng bắt họ, hai vợ chồng và hai đứa con. Họ bị bắt và bị tử hình. Chỉ còn người con trai duy nhất là thoát khỏi”.
Nghe đến đây, vị Linh Mục như muốn té xỉu… Người hành khất nói tiếp:
“Tôi nhìn họ lên đoạn đầu đài và thản nhiên theo dõi cảnh người ta chém đầu họ. Tôi quả là một quái vật khát máu… Từ đó, tôi không thể nào có sự bình an. Tôi bắt đầu đi lang thang khắp các ngả đường để quên tội ác của mình. Tôi vẫn còn giữ tấm ảnh của gia đình họ trong túi áo này đây. Cây Thánh Giá tôi đang treo ở đầu giường này là của ông chủ, chiếc Thánh Giá bằng vàng tôi đeo trên cổ đây là của bà chủ… Xin Chúa tha thứ cho tôi”.
Nghe xong những tâm sự, vị Linh Mục trẻ quỳ xuống cạnh chiếc giường của người hấp hối và thay cho công thức giải tội, ông nói: “Tôi chính là người con trai sống sót đó. Thay cho gia đình và với tư cách một Linh Mục, tôi tha thứ cho ông… nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”…
Từ một bài suy niệm của Lm. MINH ANH, Giáo Phận Huế