CHỨNG TÁ YÊU THƯƠNG

NỮ TÔNG ĐỒ CHO NGƯỜI PHONG HỦI

Eunice Weaver là con gái một nhà chăn nuôi gốc người Thụy Sĩ, còn mẹ lại là người gốc Brasil. Lúc thiếu thời, chị lớn lên ở một trang trại miền Rio Grande de Sul của Brasil.

Một ngày mùa xuân năm 1916, cô bé Eunice lên 9 tuổi bắt gặp lần đầu tiên một cảnh tượng kinh khiếp vẫn thường diễn ra ở vùng này. Cô bé đếm được tất cả 6 con người không còn ra hình dạng là người nữa. Đó là một trong nhiều đoàn người phong hủi áo quần tả tơi bẩn thỉu, da thịt sưng húp, dáng người quằn quại, đều bị què hay thọt một chân. Họ băng qua cánh đồng, miệng kêu lên thảm thiết: “Hỡi những tấm lòng nhân ái, hãy bố thí cho chúng tôi vì lòng yêu mến Chúa…”

Những người này bị những người ăn xin lành mạnh lấy đá ném đuổi đi, trong khi dân chúng quanh đó thì đóng xập các cánh cửa lại. Đoàn người lầm lũi đi qua, Eunice giật mình nhận ra người cùi cuối cùng trong hàng chính là chị Rosa, con gái người láng giềng nhà cô. Rô-da chợt dừng lại, đăm đăm nhìn bé Eunice rồi òa khóc kể lể: “Khi chị biết mình đã lây bệnh, chị đã giả vờ tự tử ở một con sông để rồi sau đó chị đã trốn theo sống với những người đồng cảnh ngộ này…”

Khi đoàn người cùi và chị Rosa đã đi xa rồi, bà dì của Eunice mới nói với cháu: “Họ là những người đã bị Thiên Chúa chúc dữ ! Không còn cách gì cứu vớt họ nữa đâu !” Dù vậy, bé Eunice từ dạo ấy đã đem lòng xót xa những con người đáng thương đó…

Ít lâu sau, ở trường, Eunice hỏi chuyện thầy giáo Weaver về những người cùi thì được thầy dẫn giải: “Chúa không bao giờ chúc dữ cho ai cả. Ngài thương những người cùi ấy như thương tất cả chúng ta…”

10 năm vùn vụt trôi qua, giờ đây cô Eunice đã là một giáo sư giảng dạy Y khoa tại một trường ở Sao Paolo. Cùng chung một lý tưởng cứu vớt những người đau khổ, lại cùng một nghề sư phạm, cô Eunice gặp lại giáo sư Weaver năm xưa và kết hôn với nhau thành một đôi tâm hồn giàu quả cảm và nhân ái, mang hết khả năng, ý chí để giúp những người phong cùi.

Năm 1929, bà Eunice Weaver được thỉnh giảng trên một con tàu đi vòng quanh thế giới như một trường đại học nổi của trường đại học New York. Khi đến quần đảo Hawai, bà được dịp thăm một bệnh viện dành cho người phong tại đảo Molokai của cha Damien, một Linh Mục thuộc Hội Thừa Sai Paris. Ở đây, họ nuôi cách ly các trẻ em để khỏi lây bệnh của cha mẹ. Đến Phi Luật Tân, bà được quan sát công việc của một số vị lương y đang xây dựng những ngôi làng kiểu mẫu cho người cùi.

Trở về Brasil, bà quyết định phải cứu lấy những trẻ em con cái của người cùi. Dự án cần đến một tài khoản rất lớn, cũng như cần cả một tổ chức làm việc có hiệu quả. Bà bắt đầu viết các bài đăng báo, tổ chức nhiều buổi nói chuyện lớn trên toàn quốc, kêu gọi mọi người, nhất là những người giàu có hãy cộng tác với vợ chồng bà để phục vụ người phong cùi.

Năm 1935, dự án hình thành bước đầu với việc quy tụ một nhóm nhỏ những người cố vấn và điều hành bên cạnh bà Eunice. Thủ tướng Brasil mời bà vào dinh và hỏi: “Tôi có thể giúp được bà những gì ?” Bà nói: “Thưa thủ tướng, cứ mỗi lần tôi quyên góp được một đồng thì xin ngài cũng xuất công quỹ cho tôi một đồng thôi. Chúng tôi sẽ thành lập một hội từ thiện chuyên xây cất các ngôi nhà để giáo dục trẻ em con cái người cùi cho mỗi tiểu bang và mỗi vùng sẽ có một nhà tiếp nhận bệnh nhân phong.”

Thủ tướng lại thắc mắc: “Công việc sẽ bế tắc vì nhiều vùng rộng lớn mà vẫn chưa có đường giao thông thuận tiện. Tại sao bà không tập trung vào một vài nơi có điều kiện dễ dàng trước, rồi sẽ tính sau ?” Bà khẳng định: “Chúng tôi sẽ làm ngay những điều khó làm nhất nhờ lòng tin vào sự quan phòng trợ giúp của Thiên Chúa !”

Ít lâu sau, thống đốc các tiểu bang ở Brasil được mời họp tại thủ đô Rio de Janeiro để nghe bà trình bày dự án. Họ có vẻ hoài nghi nên bà phải đưa ra nhiều chứng minh cụ thể cùng những phương pháp làm việc khoa học. Cuối cùng họ hiểu ra và hết lòng hỗ trợ.

Thế là dự án trở thành hiện thực. Các ngôi nhà dành cho trẻ em con cái người cùi được xây cất và đi vào hoạt động tốt đẹp. Người ta nhận ra ngay rằng các trẻ em bất hạnh này nói chung, còn mạnh giỏi, phát triển nhanh về thể chất, sống vui tươi hồn nhiên còn hơn cả các trẻ em bình thường. Đối với bà Eunice, bà không tự coi mình là mẹ của các em ấy, cho dù bà gần như là người đã tái sinh chúng vào một cuộc đời hạnh phúc hơn. Bà chỉ một lòng một dạ cùng chồng giữ vai trò của những người bạn lớn tuổi nhưng chân tình của các em mà thôi…

Ban đầu, nhân dân trong vùng cấm con cái họ không được đi ngang hoặc đến gần các khu cách ly trẻ em con cái người cùi. Nhưng chỉ sau vài năm, tình trạng ấy không còn nữa. Ban nhạc của các em được mời đến trình diễn trong các lễ hội của thôn làng. Đội bóng thiếu niên thì thường xuyên thi đấu giao hữu với các đội ở các trường lân cận. Và không lâu sau đó, những đám cưới tưng bừng đã diễn ra, hội nhập hai bên và xó nhòa mọi thứ kỳ thị cách biệt đã ăn sâu hàng bao thế kỷ nay.

Bà Eunice và Hiệp Hội Bảo Vệ đã không ngừng giúp đỡ, chuẩn bị cho các bạn thanh niên nơi ăn ở và nghề nghiệp sinh sống sau khi ra trường. Năm 1964, tổng cộng đã có 216 bạn trẻ nam nữ con cái người bệnh phong trở thành bác sĩ, nha sĩ, kỹ sư, luật sư, giáo sư… Đặc biệt có một em bé được nuôi dạy trong trường, khi đưa đi dự hội thi bé khỏe toàn quốc đã đoạt được giải nhất… Tính đến lúc này, bà Eunice đã thành lập được tất cả 170 Hội Bảo Vệ Người Phong trên toàn lãnh thổ với hơn 18.000 nữ nhân viên phục vụ. Tháng 9 năm 1964, để ghi nhớ công lao vĩ đại của bà trong việc góp phần đẩy lui căn bệnh phong cùi, tổ chức xã hội Công Giáo Hoa Kỳ đã quyết định tặng thưởng huy chương cho bà trước Hội nghị Quốc Tế Bảo Vệ Người Phong lần 8 tổ chức tại thủ đô Brasil. Bà cũng là nữ sĩ đầu tiên được chính phủ Brasil ân thưởng huân chương danh dự…

Thế nhưng, điều làm bà hạnh phúc nhất lại chính là việc thay đổi được cái nhìn của mọi người về người bệnh phong, nhờ đó đã cứu vớt được hơn 30.000 công dân Brasil thoát khỏi căn bệnh đau xót nhất, giúp họ có học thức, có nghề nghiệp, có một mái ấm gia đình và có cả một cuộc đời hạnh phúc…

Theo tạp chí TIN VUI, Dòng Phanxicô

Nếu Quý Vị thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này !

Gửi phản hồi

Người đăng tin

Lm. Giuse Lê Quang Uy, DCCT

Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế