Nước Pháp, tháng giêng 2006. những người vô gia cư dựng những dãy nhà lều vải trải dài trên bờ kênh giữa thủ đô Paris và nhiều nơi khác. Cuộc tranh cử chức vụ Tổng Thống Cộng Hoà Pháp đang hứa hẹn nhiều gay cấn. Những dãy lều vải này là một chiến dịch nhằm bắt buộc các ứng cử viên Tổng Thống của nước Pháp phải quan tâm và có chính sách giúp đỡ những con người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Cũng may mùa đông năm nay dịu mát khác thường, với những chiếc lều vải đó người ta có thể ngủ qua đêm không đến nỗi chết cóng. Có tin Linh Mục Pierre – l’Abbé Pierre, như cả nước Pháp đều biết – nhập viện vì cảm nhẹ.
Đột ngột, ngày 22.1.2007, các cơ quan thông tin loan truyền tin Abbé Pierre đã qua đời. Nước Pháp như lặng đi vì xúc động. Ngày sau đó, tuyết rơi dày đặc. Mùa đông đến chậm một tháng. Nhưng mùa đông đã đến, rất băng giá, rất khắc nghiệt.
Không hẹn mà nên, thời sự xã hội và thời sự thiên nhiên như se kết với nhau thành một điếu văn vĩ đại không lời cho người vừa ra đi. 50 năm trước, cũng giữa một mùa đông khắc nghiệt, Cha Pierre đã đánh thức lương tâm nước Pháp. Tiếng ông ngày đó vẫn còn sang sảng, được đài phát thanh RTL truyền đến mọi người:
“Các bạn ơi, hãy cứu cấp… Một phụ nữ vừa chết cóng đêm qua lúc 3 giờ sáng, trên vỉa hè đại lộ Sebastopol. Tay vẫn còn nắm tờ lệnh trục xuất bà ra khỏi nhà ngày hôm qua. Mỗi đêm có hơn 2.000 người co ro trong giá lạnh, không nhà cửa, không cơm ăn, không áo mặc.
Hãy nghe tôi đây: chỉ trong ba tiếng đồng hồ, hai trung tâm hỗ trợ vừa được thành lập: một, trong một cãn lều ở chân điện Panthéon; một, ở thị trấn Courbevoie. Ấy thế mà đã đầy những người và người rồi.
Phải mở thêm nhiều trung tâm khác nữa ở mọi nơi. Ngay tối nay, tại mọi thành phố của nước Pháp, trong mỗi khu phố ở Paris, những tấm biển dưới ánh đèn đêm, ở cửa những nơi mà chăn màn, nệm rơm, chút cháo lót dạ, với dòng chữ: “Trung tâm huynh đệ đỡ độ đường”, hoặc những chữ đơn giản sau: “Người anh em đang khổ sở ơi, hãy bước vô, ãn một miếng, ngủ một giấc, rồi lấy lại hy vọng. Ở đây, chúng tôi yêu quư anh em”.
Khí tượng dự báo một tháng băng giá kinh khủng. Chừng nào còn mùa đông, các trung tâm cơ nhỡ đó còn mở cửa. Trước những người anh em đang chết vì cơ hàn đó, làm người chỉ có thể có một suy nghĩ: quyết tâm không để cho sự thể đó kéo dài. Xin anh chị em rủ lòng thương yêu nhau đủ để, ngay lập tức, thực hiện được điều này. Tối nay, trễ lắm là sáng mai, phải có ngay 5.000 cái mền, 300 cái lều bạt, 200 lò sưởi…” ( theo bản dịch của báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần ).
Ngay hôm sau, cha Pierre nhận được 500 triệu quan Pháp, tính ra tiền ngày nay tương đương 28 triệu Euros. Từ ngày ấy cho đến ngày ông qua đời, suốt 53 năm, lúc nào cha Pierre cũng nằm trong ba vị trí đầu bảng những người được dân Pháp yêu mến nhất. Xã hội chuyển động ngày càng nhanh, các biến cố dồn dập kế tiếp nhau, những người danh tiếng, chính khách hay tài tử giai nhân, cũng thay nhau xuất hiện, bừng sáng rồi lại rơi vào lãng quên. Nhưng cái gì làm cho Cha Pierre cứ đứng vững mãi trong lòng dân, hơn một thế kỷ không suy suyển ?
“Ngay tối nay, tại mọi thành phố của nước Pháp, trong mỗi khu phố ở Paris, những tấm biển dưới ánh đèn đêm, ở cửa những nơi mà chăn màn, nệm rơm, chút cháo lót dạ, với dòng chữ: “Trung tâm huynh đệ đỡ độ đường”, hoặc những chữ đơn giản sau: “Người anh em đang khổ sở ơi, hãy bước vô, ãn một miếng, ngủ một giấc, rồi lấy lại hy vọng. Ở đây, chúng tôi yêu quư anh em”.
Có phải vì chí hướng như vậy mà từ năm 1949, cha Pierre đã lập ra nhóm “Bạn Đường Emmaus”. Cái danh xưng Emmaus gợi cho ta biết bao dư âm: “Hãy ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, ngày sắp tắt”. Ở đây có bước chân mỏi mệt của những cuộc đời thảm bại, như lời của bài hát: “Mộng vàng tan mây, nhọc nhằn lê gót chân buồn đường dài”, nhưng cũng có bước chân đồng hành của một khách lạ biết nói những lời ấm lòng người, có lữ quán bên đường, bánh thơm, canh nóng, và có Chúa bẻ bánh tạ ơn…
Nghĩa là nếu ta chỉ nhìn cha Pierre như một người làm công tác xã hội, thì ta chưa hiểu được thâm tâm của cha. Cái tình của cha đối với con người bất hạnh nó bắt rễ từ sâu lắm, cao lắm.
Tên thật của cha là Henri Grouès, và cha xuất thân từ một gia đình doanh nhân khá giả, nhưng có ý thức xã hội mạnh. Năm 12 tuổi, cậu bé Henri muốn hiến mình làm vị Thừa Sai truyền giáo. Nhưng ơn gọi đến với cha khi đang học trung học ở trường của các cha Dòng Tên. Ngày ấy cậu Henri đau nặng, phải đi nghỉ dưỡng bệnh, nhưng nhân đó cậu đọc được Hạnh Thánh Phanxicô Khó Nghèo và say mê vị Thánh này. Henri sẽ sống những ngày hạnh phúc nồng nàn ở Assisi. Những người biết chuyện nói rằng trong đời Henri có một lần được sống cảm nghiệm thiêng liêng mãnh liệt. Đó là một hôm chàng thanh niên giàu có ấy cầu xin Chúa để được chết, chết để tìm một tình yêu toàn bích trong tự do tuyệt đối. Rồi chàng nghe như có tiếng nói trong lòng: “Con phải ở lại đây”.
Từ đó không thấy nói Henri có kinh nghiệm thần bí gì đặc biệt. Nhưng một nguồn suối tâm linh đã chảy, càng về sau càng thành một dòng yêu thương mênh mang với con người, nhất là những người bất hạnh.
Đầu tiên Henri Grouès xin vào Dòng Capucino để được theo chân Thánh Phanxicô. Ông được chịu chức Linh Mục năm 1938, nhưng phải ra khỏi Dòng vì lư do sức khoẻ. Thế Chiến thứ hai nổ ra, Henri đang làm cha phó ở Nhà Thờ Chính Toà Grenoble. Đó chính là thời điểm ơn gọi và đặc sủng của ông nẩy mầm. Ông liều mình giúp người Do Thái đang bị quân Đức truy đuổi vượt biên sang Thuỵ Sĩ.
Cuối năm 1942, khi quân Đức chiếm đóng miền Nam nước Pháp, ông vẫn liều mạng đi ãn cắp quần áo trong kho của chính quyền Đức để phân phát cho người nghèo và phe kháng chiến. Và ông làm báo chui chống lại Đức Quốc Xã. Chính vì cần phải lẩn trốn Mật Vụ Đức Gostapo, mà ông tự đặt cho mình bí danh là Cha Pierre – L’Abbé Pierre, cái tên còn mãi với hậu thế.
Trong một chuyến đưa người đi tỵ nạn, ông bị bắt bên Tây Ban Nha. Ông giả dạng thành một hoa tiêu Canada và trốn thoát sang Algérie khi đó đã nằm trong tay “Nước Pháp tự do” của tướng de Gaulle.
Năm 1945, Đồng Minh thắng trận, de Gaulle cầm quyền ở Pháp. Một lần ông cho gọi L’Abbé Pierre đến nói chuyện ( Cha Pierre có ơn với de Gaulle vì trong thời chiến, ông đã giúp cho người em ruột de Gaulle rất thương mến, lại tàn tật, là Jacques de Gaulle chạy trốn khỏi nước Pháp. Ngoài ra ông lại có một người chị em dâu là cháu của bà de Gaulle ).
Trong cuộc nói chuyện với vị lãnh tụ rất cao của nước Pháp mới, Cha Pierre một mực nói về các trẻ em đang thiếu sữa. Tướng de Gaulle phát bực mình: “Quân đội Pháp đang vượt sông Rhin tiến chiếm nước Đức, mà ông chỉ toàn nói chuyện sữa cho trẻ con”. Nhưng L’Abbé Pierre mặc kệ, lúc đó đối với ông chỉ có sữa cho trẻ con mới quan trọng thôi.
Sau chiến tranh đã có lúc ông đắc cử dân biểu Pháp. Nhưng chẳng bao lâu ông bỏ hoạt động tranh đấu chính trị ở nghị trường, để chuyên tâm đấu tranh với nghèo khổ trên thuộc địa. Năm năm sau khi lập Nhóm “Bạn Đường Emmaus”, ông gây chấn động trên toàn nước Pháp với lời kêu gọi ngày 1.2.1954. Từ đó Nhóm “Bạn Đường Emmaus” càng có thêm việc làm. Cùng với tiền bạc, người dân mang đến đóng góp đủ thứ, giường nệm, chãn gối, áo quần, sách vở… cứ việc xếp theo loại để gửi đến những người cơ nhỡ, cũng có những thứ có thể chế tạo lại thành những sản phẩm mới, thứ khác nữa có thể đem bán trong các “cửa hàng Tình Thương”. Cho nên các “Bạn Đường Emmaus” cũng được gọi là Chiffonniers d’Emmaus. Nếu dịch ra tiếng Việt, có lẽ phải dịch là “Ve Chai, Đồng Nát”.
Tình cờ hàng chục năm nay, ở trong Nam lẫn ngoài Trung, ngoài Bắc, nhiều bạn trẻ Việt Nam đã lập các nhóm “Ve Chai” chuyên đi lượm đồ phế thải, mang bán lấy tiền phục vụ người nghèo. Hôm qua tôi mới gặp mấy bạn Sàigòn. Tôi hỏi: “Ve Chai này, ông tổ sư của ve chai thế giới vừa mất, có làm gì để tưởng niệm ổng không ?” Những cặp mắt đôi môi nở tròn bỡ ngỡ: “Ai vậy ?” – “Cha Pierre” – “Cha Pierre là ai ? Làm gì ? – Ôi chao ! Ve chai mà không biết đại lão cái bang Ve Chai. Thôi đi mua báo Tuổi Trẻ cuối tuần mà đọc”.
Lạ thế. Một tờ báo đời như tuần báo Tuổi Trẻ ở Sàigòn ( số ra ngày 28.1.2007 ), đưa L’Abbé Pierre lên trang bìa, một chân dung đen trắng rất sắc nét với hàng chữ đỏ: “Một cuộc đời vì người nghèo”, nhưng người trong Đạo lại chưa biết ông. Nhưng mà cả ở Pháp người ta cũng nói rằng L’Abbé Pierre gây cho người không đi Nhà Thờ ấn tượng sâu sắc hơn là cho người chăm đi Nhà Thờ. Mà ngày nay ở Pháp, người không đi Nhà Thờ lại đông hơn người đi Nhà Thờ rất nhiều.
Tôi mở đài TV5 nhìn cỗ quan tài của ông đặt trong Nhà Nguyện bệnh viện Val de Grâce ? Trên nắp áo quan của một vị Linh Mục bình thường có một chiếc áo các phép và một dây Stola. Nhưng thay vì những phẩm phục lễ nghi ấy, trên nắp áo quan của cha Pierre là chiếc mũ béret quen thuộc và cây gậy ông vẫn chống. Phải chãng những biểu hiện phượng tự truyền thống của Hội Thánh lâu dần thành thói quen, lâu quá hóa nhàm, nay không còn khả nãng diễn cảm điều gì với quần chúng Pháp. Còn chiếc béret và cây gậy đã là thành phần nhân dáng của một người vẫn luôn đi bên cạnh những người thua thiệt, vẫn luôn có mặt trên mọi nẻo đường phấn đấu cho một cuộc sống mang bản sắc con người ?
Ngày nay nhiều người nói rằng các nước Tây Âu nói chung, nước Pháp nói riêng, đang trải qua một cuộc khủng hoảng tinh thần. Về vật chất thì rất văn minh, nhưng văn minh cao tới đâu thì tình người lạnh đi tới đó. Người ta cô đơn, thu mình lại trong cái vỏ cứng của riêng mình. Con người trở nên rất ích kỷ. Có ai đó đã dùng đến từ “hạn hán tâm linh”. Các Nhà Thờ thì trống vắng, sứ điệp Đức Tin hình như chẳng nói gì với đại chúng.
Về nhiều phương diện thì thấy đúng như thế thật, nhưng sức hút và tác động của Abbé Pierre lại cho thấy rằng tình người vẫn như những mạch nước ngầm rất dồi dào, vẫn chất chứa tích tụ đấy, dưới cái bộ mặt khinh khỉnh vô tâm vô tình của xã hội. Nếu không phải thế thì tại sao Cha Pierre lại được yêu mến đến vậy, lại có nhiều người đi theo đến vậy ? Mà tình người đã dâng cao đến thế, thì tình Chúa cũng ở đâu đó không xa.
Vậy khi ta phàn nàn về một xã hội duy vật, ích kỷ, phi nhân, vô tôn giáo, thì hay là ta đã không biết cách đánh trúng những mạch nước ngầm chỉ chờ một cơ hội để trào vọt lên, và L’Abbé Pierre đã đưa lại chính cái cơ hội đó ? Chẳng phải bằng những ý tưởng gì tân kỳ, mà chỉ do ông là hiện thân của một sự nhân ái mà ai ai cũng thèm, cũng cần, nhưng cuộc sống xã hội máy móc và một nền văn hóa nghèo tình thương lại làm cho ta trở nên vụng về, sơ cứng, không còn biểu lộ được nó, không còn biết cho, biết nhận cái nhân ái đó, với người cũng như với trời ?
Từ sáng sớm, người ta tìm đến Nhà Nguyện của bệnh viện Val de Grâce để viếng linh cữu. Chẳng cần ai tổ chức, huy động. Người dân cứ sắp hàng rồng rắn mà đến, tay cầm hoa, tay cầm nến. Những người ngủ trong lều vải bên bờ kênh thò đầu ra la lên rằng: “Bố tôi đấy !” Các báo, các đài tìm đến những người đã quen biết, đã cộng tác với L’Abbé, những người đã được ông giúp đỡ, đã chịu ơn ông, để hỏi chuyện, phỏng vấn, hội thảo. Người ta nói rằng cha Pierre đã tập họp chung quanh ông những người lúc bình thường chẳng bao giờ kết thân với nhau: người phe hữu và người phe tả, người Kitô Giáo và người Hồi Giáo, người có Đức Tin và người vô thần, người Pháp gốc và người nhập cư, da trắng, da vàng, da đen. Bao nhiêu người nếu không có công trình của Abbé Pierre, có lẽ đã trở thành vật phế thải, phế liệu rỉ sét mốc meo, tơi tả đâu đó trong xã hội. Nhưng mái ấm Emmaus đã cho họ một cơ hội vươn lên, giữ lấy nhân phẩm của mình.
Cha Pierre không chủ trương làm phước thiện đơn thuần. Anh đói rét lang thang thì cứ ghé qua lữ quán Emmaus, có một bữa cơm nóng chờ anh, có chỗ cho anh thay đồ, tắm táp; có một cái giường và mái nhà cho anh qua đêm. Nhưng mục đích cuối cùng nhắm tới là làm sao anh sống được bằng đôi chân, đôi tay, bằng khả nãng của mình. Làm sao để anh ở tù ra trở nên thành phần tích cực của xã hội. Làm sao để anh bọt bèo vất vưởng không còn vất vưởng nữa. Làm sao cho anh đã từng tự tử tìm lại được một lẽ sống. Cả những anh cuộc đời đã làm cho tàng tàng tốc tốc cũng có chỗ của mình, v.v… Cha Pierre bảo bắt một con người phải lệ thuộc xin xỏ người khác để sống là làm mất đi phẩm giá của nó.
Và đó là công việc ông miệt mài theo đuổi hơn một nửa thế kỷ. Từ năm 1954 đó, những “Bạn Đường Emmaus” đã lan ra khắp nước Pháp, ngày nay có 4.000 Bạn Đường trong 110 cộng đoàn. Phong trào thành ra quốc tế, có mặt ở 40 nước.
Chúa Giêsu ngày xưa thấy lòng quặn đau bồi hồi trước cái khổ của con người. L’Abbé Pierre cũng được hưởng các ơn huệ đó. Đối với ông, muốn biết một xã hội văn minh tới mức nào, hãy nhìn cách nó đối xử với những con người bạc phận. Ông bảo: “Những cảnh khốn cùng bệ rạc phán xét thế giới” ( La misère juge le monde ). Và nếu các nhà cầm quyền giàu sang viện cớ này cớ nọ để biện minh cho tình trạng tiêu cực kéo dài, thì ông nổi giận: “Tôi thà thấy người ta sống bất hợp pháp còn hơn là chết hợp pháp”. Với mỗi người ông nói: “Tự sức anh thì chẳng làm được gì, nhưng cùng nhau thì cái gì ta làm chẳng được”. Và kết quả của những lần ông khuấy động xã hội, những hoa trái của các cộng đoàn Emmaus, ông gọi đó là “cuộc khởi nghĩa của lòng nhân ái” ( l’insurrection de la bonté ).
Những ngày này, toàn nước Pháp tưởng niệm ông vì ông là hiện thân cho “cuộc khởi nghĩa của lòng nhân ái”. Cứ tưởng ông yêu đời, yêu người thế, thì ra khỏi thế gian này phải là một cuộc chia ly đau đớn lắm. Hóa ra không phải vậy. Từ những ngày niên thiếu, ông xin Chúa cho ông được chết, cái chết đối với ông trở thành sự thân thương. Ông chờ đợi nó như chờ một người bạn thân ông nóng lòng được hội ngộ. Tình yêu người phải nở ra thành một mối tình lớn vô cùng, thành một cuộc giải phóng tuyệt đối. Ông biết rằng đi qua cái chết ông sẽ gặp nó. Lúc ấy con sâu mới hóa bướm. Các bạn ông đều biết trong thâm tâm ông có niềm vui thầm kín ấy. Từ niềm vui ấy đến tình yêu người của ông có một dòng chảy liên tục.
Ở nơi L’Abbé Pierre có một nhà huyền nhiệm. Từ khi bệnh trở nặng đến khi tắt thở, Cha Pierre vẫn sáng suốt. Ông cầu nguyện liên tục, đơn sơ lắm: “Kính mừng Maria, đầy Ơn Phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà…” Trước còn tiếng, sau chỉ còn đôi môi mấp máy.
Hôm nay, Bạn Đường Emmaus và gia đình thân thuộc đưa ông đến Nhà Thờ Đức Bà ở Paris. Bên trong và bên ngoài Nhà Thờ đều chật. Tổng Thống Chirac, chính phủ Pháp, các ứng cử viên Tổng Thống đều có mặt. Nhưng phản ứng của những người không tìm được chỗ trong Nhà Thờ mới thật đậm đà. Có anh vô gia cư hôm trước cắm lều vải trên bờ kênh hôm nay bê nguyên si cái lều vải của mình cắm trại giữa quảng trường Nhà Thờ. Có những anh làm dấu Thánh Giá một cách ngượng ngập như thể đã lâu lắm chưa làm dấu hay mới làm dấu lần đầu. Có người chỉ lặp lại một lời vắn tắt: “Bố tôi đấy”. Một anh râu ria, có vẻ rất “clochard”, chanh chua: “Đáng lẽ mấy ông to bà lớn phải ở ngoài này, để chúng tôi ở trong Nhà Thờ mới đúng !”
Linh cữu sáu người khiêng, ba Bạn Đường và ba thân nhân đi qua đám đông vào Thánh Đường. Người hai bên đưa tay chạm vào áo quan thật dịu dàng trìu mến. Trên nắp áo quan bây giờ cả đến chiếc mũ béret và cây gậy cũng chẳng còn. Chỉ còn Thập Giá. Trong Nhà Thờ ngân lên giai điệu bình ca Cha Pierre đã chọn từ trước cho tang lễ của mình.
Hình ảnh cuối cùng tôi ghi nhận được ở xa Paris, nghĩa trang Estevolle. Cha Pierre muốn gửi lại thân xác cát bụi của mình bên những Bạn Đường Emmaus đầu tiên. Vị Linh Mục đã được cha ủy nhiệm để chủ sự nghi lễ cuối cùng nói một câu ngắn: “Sự chiêm niệm đã giải thích tất cả hành động của Cha Pierre”.
Tôi tắt tivi. Bên ngoài, mấy bạn trẻ Ve Chai Sàigòn vẫn đang cặm cụi phân loại các thứ vừa lượm được, trải đầy một góc sân Tu Viện Kỳ Đồng: chai lọ, lon hộp, những mảng mốp, những thùng carton, và không biết những gì gì nữa. “Mấy cô, mấy cậu à, Cha Pierre cũng chả buồn vì các cô cậu không biết ông là ai đâu. Cứ lượm ve chai đi”. Nhưng mà Chúa ơi ! Phải bao nhiêu ve chai mới đủ. Còn phải nhân rộng tới đâu nữa ?
Cố Lm. VŨ KHỞI PHỤNG, DCCT, Sàigòn, thứ hai 29.1.2007