CHỨNG TÁ YÊU THƯƠNG

NGẪM NGHĨ NHÂN CHUYỆN 3 CON CÁ

Chuyện con Cá Hồi Chó

Cá Hồi Chó, còn gọi là Cá Hồi Chum, sống ở vùng nước sâu trong biển Thái Bình bao la, đặc biệt ở vùng biển đảo Kyushu của Nhật Bản. Cá Hồi Chó mẹ sau khi đẻ trứng sẽ đợi ở một bên, trứng sau khi nở thành cá con vẫn chưa thể tự kiếm ăn, chỉ có thể dựa vào thịt của mẹ để lớn.

Cá mẹ nhịn đau đớn không hề kêu ca. Khi cá con lớn lên, cá mẹ chỉ còn lại một đống xương, đó là minh chứng đắt giá nhất cho tình mẹ vĩ đại trên thế giới này.

Cá Hồi Chó là loài cá tượng trưng cho tình cha mẹ hy sinh cho các con của mình.

Chuyện con Cá Lóc Tàu

Cá Lóc Tàu sống nhiều ở các vùng biển của các nước Nga, Trung Quốc, Đại Hàn… Loài cá này sau khi sinh con sẽ bị mù lòa, không thể kiếm mồi được nữa mà phải chịu nhịn đói đến chết.

Khi trứng nở thành hàng ngàn con cá con, đàn cá con không nỡ nhìn mẹ chết nên từng con, từng con một, tự nguyện bơi vào miệng mẹ để giúp mẹ đỡ đói. Cá mẹ sống lại, lượng cá con còn tồn tại chẳng đáng là bao, chỉ còn chưa đến 1 phần 10, số lớn còn lại kia đã vì mẹ mà hy sinh chính tấm thân non nớt của mình.

Cá Lóc Tàu là loài cá tượng trưng cho sự hiếu thảo của người làm con đối với cha mẹ mình.

Chuyện con Cá Hồi

Cá Hồi Đỏ sống nhiều ở vùng Bắc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Mỗi năm cứ đến mùa sinh sản, Cá Hồi lại tìm mọi cách để từ đại dương rộng lớn trở ngược về lại dòng sông trong đất liền, bởi lẽ loài cá này không thể sinh nở ở các vùng biển nước mặn, mà phải di cư, bơi ngược về dòng suối ngọt, nơi chúng được sinh ra để tiếp tục đẻ trứng.

Cuộc hành trình di cư thật sự vất vả và gian lao khi chúng phải bơi ngược dòng chảy của tự nhiên để trở về quê hương, trên đường trở về phải đối mặt với bao hiểm nguy thách thức, nào là vượt thác, nào là lo bị loài Gấu Xám bắt ăn thịt…

Những con cá không vượt được thác phần lớn sẽ rơi vào bụng Gấu Xám. Những con vượt thác thành công cũng sức cùng lực kiệt, vừa phải tiếp tục bơi vừa phải đề phòng loài chim Ó Cá tìm bắt mồi.

Chỉ có một số ít những con cá may mắn vượt qua mọi khó khăn để trở về quê hương, hoàn thành việc quan trọng nhất đời mình, đó là tìm gặp Cá Hồi trống, giao hợp, đẻ trứng và cuối cùng là sẽ chết một cách yên bình ở ngay nơi mình đã từng sinh ra.

Và khi mùa xuân đến, đàn Cá Hồi con lại trôi theo dòng nước ra biển, bắt đầu hành trình cuộc đời mình, trưởng thành, cho đến mùa sinh sản…

Cá Hồi là loài cá tượng trưng cho tình yêu quê hương xứ sở.

EPHATA sưu tầm và biên tập

Nếu Quý Vị thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này !

Gửi phản hồi

Người đăng tin

Lm. Giuse Lê Quang Uy, DCCT

Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế