CHIA SẺ CHUYÊN ĐỀ

DIỆU CẢM THÁNH LỄ – Bài 4. Phần Phụng Vụ Sai Đi ( Liturgie du Renvoi )

Thap Nen sang cau nguyen o Thai Ha

Lâu nay Sách Lễ ghi phần này là Nghi Thức Kết Lễ, vỏn vẹn chưa đầy một trang, tính cả phần chữ đỏ. Tôi đưa ra một câu đố bất ngờ, xin cộng đoàn đoán thử tất cả phần này trong Thánh Lễ kéo dài bao nhiêu phút ? Bầu khí trong hội trưởng lao xao hẳn lên. Nhiều người mắc bẫy, trả lời: 3 phút. Có người bảo ít hơn, chỉ khoảng 1 phút rưỡi. Người lại bảo đến 5 phút cơ ! Có người nhíu mày nhớ lại rồi khẳng định chỉ có 45 giây thôi… Tôi đề nghị một thính giả có đeo đồng hồ chronometer sẽ bấm giờ khi tôi cùng với mọi người thử đối đáp 6 câu y như diễn tiến trong Thánh Lễ xem sao…

– Chúa ở cùng anh chị em…
– Và ở cùng cha.
– Xin Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, ban phúc lành cho anh chị em…
– Amen.
– Lễ đã xong chúc anh chị em ra về Bình An…
– Tạ ơn Chúa.

Kết quả thật bất ngờ, chỉ có đúng 15 giây vắn vỏi ! Cộng đoàn ngẩn ngơ một thoáng rồi mới cười xòa và ùa lên tiếng vỗ tay. Không ai nghĩ là phần này lại chỉ có thế. Vậy mà không ít người đã bỏ mất phần này, Thánh Lễ chưa trọn, người ta mới bắt đầu lên rước Lễ thì đã vội vội vàng vàng bỏ về rồi ! Cứ tưởng tiết kiệm được nhiều thời gian lắm chứ, ai dè cũng chỉ có một phần tư phút !

Nhưng tôi lại tiếp tục đẩy cử tọa đến một bất ngờ nữa. Hóa ra đây là phần ngắn nhất nhưng cũng là phần… dài nhất của Thánh Lễ ! Bởi Thánh Lễ không kết thúc theo kiểu hạ màn một… vở kịch để mọi người lục tục giải tán ra về, Linh Mục cùng với mấy chú giúp Lễ thì bước vội vào phòng Thánh để thay xống áo đã ướt đẫm mồ hôi, còn ông từ thì lụi cụi đi tắt đèn tắt quạt, khép cửa đóng cổng Nhà Thờ cho xong bổn phận !

Không ! Thánh Lễ lại vẫn còn nối dài mãi vào trong cuộc đời của mọi người và mỗi người, có thể nói là kéo dài ít là cho đến lần cộng đoàn lại tìm đến Nhà Thờ dâng một Thánh Lễ khác, hoặc nói đúng hơn, Thánh Lễ còn tiếp tục nối dài cho đến ngày… tận thế, cho đến khi Đức Giêsu Kitô quang lâm !

Thật ra, phần này là một phần Phụng Vụ hẳn hoi, nghĩa là có tính cách thờ phượng Thiên Chúa, hàm ngụ một lời sai đi của Thiên Chúa đối với đoàn Dân Thánh của Người.

Nhớ lại từ đầu, chúng ta đã nói: Thánh Lễ như một cuộc tập họp gia đình ( phần Phụng Vụ Tập Họp ) cả đàn con đông đúc ở tạn mạn khắp bốn phương trời, quay về xum vầy chung quanh Thiên Chúa là Cha của mình, có Anh Hai là Đức Giêsu, có Chị Dâu Cả là Giáo Hội. Giờ đây, bữa đại tiệc Thánh Ngôn – Lời Chúa ( phần Phụng Vụ Lời Chúa ) và bữa tiệc Thánh Thể – Mình và Máu Chúa ( phần Phụng Vụ Tạ Ơn ) đã hoàn tất.

Bây giờ thì đến phần Phụng Vụ Sai Đi, đàn con no nê phỉ chí toại lòng, vui vẻ đứng lên cám ơn Cha, được Người nhắn nhủ dặn dò những lời cuối cùng. Cha không hề muốn cứ giữ mãi đàn con trong vòng tay của mình, nhưng Cha đã chúc lành và sai tất cả các con hãy chia tay nhau, tỏa ra, trở về chính môi trường đang sống của mình mà thực hành Lời Cha và Anh Hai đã dạy dỗ, làm chứng cho Tình Yêu của Cha, kể lại Tin Mừng của Anh Hai Giêsu, của Thầy Giêsu cho những người anh chị em khác trong Đại Gia Đình vẫn còn đang sống rải rác đây đó khắp nơi, để rồi mỗi lần về thăm Cha thăm Anh, đàn con lại một thêm đông đúc rộn ràng…

Lời chúc Bình An cuối Thánh Lễ rõ ràng không giống như và không phải là một thủ tục xã giao khách sáo của ông chủ tiễn khách đến chơi nhà bây giờ sắp ra về. Bình An được nói đến ở đây không phải là thứ bình an thường tình để đi đường không bị tai nạn bất ưng, ngồi nhà không bị trúng gió bất tử và ăn uống không bị ngộ độc thực phẩm mà đau bụng ! Bình An này cũng chẳng phải là thứ đồ gia bảo để chúng ta đem về mà khư khư cất kỹ trong tủ, chôn sâu xuống đất vì sợ sơ xảy đánh lạc hoặc bị kẻ gian ăn cướp mất thì uổng phí !

Bình An viết hoa ở đây là của chính Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, Bình An mang tên Giêsu: “Thầy để lại Bình An cho anh chị em, Thầy ban cho anh chị em Bình An của Thầy. Thầy ban Bình An cho anh chị em không theo kiểu thế gian…” ( Ga 14, 27 ).

Bình An ấy còn là Sức Sống của Chúa Thánh Thần: “Anh chị em hãy nhận lấy Thánh Thần…” ( Ga 20, 22 ).

Bình An ấy xuất phát từ Chúa Cha như một lệnh truyền lên đường: “Bình An cho anh chị em ! Như Chúa Cha đã sai thầy, thì Thầy cũng sai anh chị em…” ( Ga 20, 21 ).

Nhat rac 4

Bình An như thế sẽ là hành trang trong tâm hồn, lộ ra trên nét môi cười tươi làm cho khuôn mặt bừng sáng, bật lên thành lời nhân ái, bao dung đại độ, khiêm tốn hồn nhiên mà vẫn cương nghị quả cảm. Bình An như thể được vốc lấy trên tay để gieo xuống những luống cầy cuộc đời để rồi từ đấy, giữa cằn khô sỏi đá sẽ mọc lên những đóa hoa thương yêu. Chúng ta sẽ cứ thế mà tung mà vãi những hạt giống Bình An trên mọi nẻo đường quê hương cõi Đất này…

Cho đến khi, cho đến một lúc nào đó, có thể chúng ta sẽ giật thót, thấy mình đã bị tiêu hao Bình An giữa bao nhiêu là nghịch cảnh, khó khăn và cám dỗ, thậm chí chúng ta vô tình đánh rơi mất Bình An giữa chốn xôn xao chợ đời. Chúng ta cảm nhận một sự hụt hẫng thiếu vắng Bình An, cần phải mau mau được… “đổ đầy xăng Bình An”. Chúng ta sẽ lại hẹn nhau quay trở về ngôi Từ Đường của Cha để xin được tiếp tục trao ban lương thực và nhiên liệu sống là Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa thêm một lần nữa, thêm nhiều lần nữa…

Nếu như ở phần Phụng Vụ Tạ Ơn, chính Anh Hai Giêsu là người dâng của lễ, Anh Hai là chính là của lễ và Anh Hai cũng là bàn thờ để dâng của lễ ấy lên Cha thay cho đàn em, thì ở đây, chính Anh Hai sai chúng ta đi trong Bình An, chính Anh Hai là hành trang Bình An của các em, chính Anh Hai lại còn là người đồng hành với các em trên mọi nẻo đường đời.

Không quá vắn tắt đến mức nghèo ý và dị nghĩa như trong bản văn Thánh Lễ tiếng Việt của nước mình, Linh Mục ở Pháp sẽ nói to: “Allez dans la Paix du Christ !” Còn trong tiếng Anh, câu sẽ dài hơn, mạnh hơn và thấm thía hơn, đậm đà tính chất Phụng Vụ và Mục Vụ: “The Mass is ended, go in Peace of Christ to love anh serve the Lord”.

Để kết thúc bài chia sẻ về Diệu Cảm Thánh Lễ, tôi đã đọc cho toàn thể cử tọa bà con người Việt mình trong Đại Hội Giáo Lý ở Los Angeles một lời kinh của Đức cố Hồng Y Phaolô Maria Phạm Đình Tụng dạo ngài còn làm Giám Mục Bắc Ninh. Trong gần ba năm tình nguyện ra miền Bắc phục vụ, ngày nào, Lễ nào tôi cũng thấy cũng nghe già trẻ lớn bé những người nông dân nghèo vùng bán sơn địa Đại Lãm thuộc tỉnh Bắc Giang, đọc một cách nhịp nhàng véo von như một làn hơi Quan Họ:

“Lạy Chúa, xin chúc lành cho chúng con. Thánh Lễ vừa xong, chúng con sắp ra về, chúng con sẽ đem Chúa về với chúng con. Chúng con sẽ về lại gia đình, sẽ đến nhà trường, sẽ vào công sở hay ra đồng ruộng… Chúa luôn ở với chúng con. Đó là vinh dự của người Công Giáo, để mọi người biết chúng con là con cái Cha Cả trên Trời. Amen”.

Bầu khí hội trường như chùng xuống… Không để cho mọi người kịp huýt sáo vỗ tay như lệ thường bên Mỹ này khi speaker vừa kết thúc một bài thuyết trình, tôi trân trọng mời tất cả đứng lên cùng hát một bài thay cho lời cầu nguyện.

Đáng lẽ tôi chọn bài của cha Thành Tâm: “Ta về thôi vì Thánh Lễ đã hết, nhưng đời ta là Thánh Lễ nối dài…” thì hợp với nội dung vừa trình bày hơn, nhưng giờ chót, liếc thấy khá đông anh em bạn bè cũ trong Nhóm Mai Khôi, cũng là các đệ tử thân tín ngày xưa của cha Tiến Lộc, có về dự Đại Hội Giáo Lý lần này, tôi quyết định kéo luôn các bạn lên bục thuyết trình để hát chung “Gặp Gỡ Đức Kitô”, hơn thế nữa, bản thân tôi, qua bài hát này, cũng muốn tỏ lòng biết ơn đến cha Tiến Lộc là người đã truyền đạt cho tôi tất cả những vốn liếng kiến thức đầu tiên về Thánh Lễ…

Không ngờ cử tọa ai cũng biết và thích bài hát đã quá phổ biến này, cả hội trường Đại Hội Giáo Lý Hoa Kỳ rền vang tiếng vỗ tay đệm nhịp theo từng câu hát ấm áp tình Giêsu: “Gặp gỡ Đức Kitô, biến đổi cuộc đời mình, Gặp gỡ Đức Kitô, đón nhận Ơn tái sinh…”

Fiat di bus ve Long An tham cac cu o Mai Am Duc Ai thu sau 1.5.2015

Lm. Giuse LÊ QUANG UY, DCCT, 4.2004

Nếu Quý Vị thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này !

Gửi phản hồi

Người đăng tin

Lm. Giuse Lê Quang Uy, DCCT

Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế