BẢO VỆ SỰ SỐNG

HÃY CHO CÁC EM CƠ HỘI MỘT LẦN DUY NHẤT ĐƯỢC LÀM NGƯỜI

 

Vào 15 năm trước có một cặp đôi vô danh người Việt, trong một hoàn cảnh ngặt nghèo rất đáng thông cảm, nhưng vô cùng đáng khâm phục, vì thay vì phá thai ( sát hại con mình ) như mấy triệu ca núp dưới mỹ từ ngụy biện “kế hoạch sinh sản” hàng năm ở Việt Nam, đã để cho đứa con gái xương thịt máu mủ của mình chào đời bình thường rồi mang đến giao cho một cơ quan nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Sau đó em được một gia đình ở thành phố Bend, bang Oregon, nằm sát phía Bắc của bang California, nhận làm con nuôi ( giống như hàng ngàn trẻ em mồ côi khác ở Việt Nam cho đến khi chương trình này bị chính phủ Hoa Kỳ tạm ngưng từ năm 2008 cho đến 2014 vì các quan chức Việt Nam hay vòi vĩnh đòi thêm tiền hối lộ của các cha mẹ nuôi trước khi cho các em lên đường bắt đầu cuộc đời mới ).

Không phải các em mồ côi đều sẽ có những cuộc đời tươi sáng khi sống với các cha mẹ nuôi nhưng ít ra các em đều có được một cuộc đời làm người bình thường, dẫu cho có phải đi qua nhiều gian nan thì vẫn đáng sống hơn phải mang thân phận thai nhi chết yểu.

15 năm sau, em lớn lên trở thành một thiếu nữ kiều diễm tài năng có tên Kiarra Saito-Beckman, em được cha mẹ nuôi là Bob Beckman và Jan Saito đem từ Việt Nam sang Mỹ từ hồi còn sơ sinh. Em không biết nói tiếng Việt, có khi không biết nước Việt Nam nằm ở chỗ nào trên thế giới giống như đại đa số học sinh trung học Mỹ.

Em không biết cha mẹ đẻ của mình là ai và họ cũng không biết hiện nay dòng đời trôi dạt đã mang em đi về đâu. Chắc chắn rằng họ không hề hối hận vì đã để cho em được sinh ra làm người. Nếu tình cờ nhìn thấy tấm hình này, bản năng làm cha mẹ có khi sẽ giúp họ nhận ra đây chính là con của họ. Nếu họ còn có những đứa con khác, thì các đứa con cùng cha cùng mẹ bao giờ cũng có một số đặc tính giống nhau.

Dù thế nào đi nữa, họ đều là “cây lành sinh trái tốt”. Biết đâu nhờ tiếp xúc với một tình nguyện viên Bảo Vệ Sự Sống nào đó, vào phút cuối, họ đã không thi hành “kế hoạch” sát nhi.

Khuôn mặt của Kiarra, tuy rất xinh tươi và hạnh phúc, vẫn mang đường nét đặc trưng không thể lầm lẫn và không khác bao nhiêu so với những thiếu nữ Việt Nam chịu thương chịu khó mà ta gặp hàng ngày trên mọi nẻo đường đất nước còn có diễm phúc đến trường học, hay đã phải dầm mưa dãi nắng trên đồng ruộng, công trình xây dựng, buôn thúng bán bưng, có khi đã phải làm tiếp viên trong các quán đèn mờ bên vệ đường hoặc đang ấp ủ dự định kết hôn với một ông Đài Loan hay Hàn Quốc nào đó đáng tuổi cha mình để thoát khỏi kiếp nghèo lam lũ.

Kiarra Saito-Beckman được cả nước Mỹ ngưỡng mộ. Tờ Portland Tribune đặt tựa cho bài viết về em là Violin prodigy has the world on a string: ( tạm dịch ) Thiên tài violin mang cả thế giới lên dây đàn.

http://portlandtribune.com/pt/11-features/244421-111209-violin-prodigy-has-the-world-on-a-string

Kiarra dự trù theo học tại một trường đại học âm nhạc tầm vóc, với khát vọng trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp về nhiều khuynh hướng khác nhau. Trong dịp Giáng Sinh 2014 và ngày đầu năm mới 2015, em được mời độc tấu và hòa tấu cùng các danh cầm khác của các dàn nhạc giao hưởng Oregon Symphony Orchestra, Oregon Ballet Theatre Orchestra ở Oregon, Charleston Symphony Orchestra ở South Carolina và Coeur d’Alène Symphony ở Idaho.

Trên sân khấu Aaron Meyer Holiday Concert tại First Congregational Church, ở trung tâm Rose City Portland trong những từ ngày 18 đến 20.12.2014, em độc tấu bản “Carmen Fantasy” của Franz Waxmen theo lời mời của danh cầm Aaron Meyer. Carmen Fantasy là bản nhạc cực kỳ khó đàn đối với violin. Nhạc sĩ Aaron Meyer đã kinh ngạc nhận xét: “Cô bé đã tấn công cây đàn như thể sắp chẻ nó ra làm đôi ! Đàn như thế thì giống như đang trên đường tiến tới những huy chương vàng. Khi em mới tấu những nốt nhạc đầu tiên, tôi đã nhận ra ngay con đường tương lai vẻ vang rộng mở của em.”

Trong dịp lễ cuối năm, em cũng được mời hòa tấu nhạc cổ điển và hiện đại tại KungFu Bakery Recording Studio cùng với Julian Meyer và tay guitar Tim Ellis để thu đĩa “Father & Son”. Nhóm Meyer dự trù sẽ mời em trình diễn nhạc Vivaldi Concerto ở Portland vào những ngày sắp tới. Dàn nhạc giao hưởng Coeur d’Alène Symphony Orchestra ở Idaho cũng sẽ mời em độc tấu violin vào tháng 8 năm 2015.

Kiarra học đàn từ năm ba tuổi; học 6 giờ mỗi ngày. Chín năm sau, khi lên 12 tuổi và đang học lớp 8 của trường Cascade Middle School, em đã trở thành một “đấu cầm” trong “đấu trường” âm nhạc cổ điển Tây Phương. Kiarra còn chơi thông thạo cả cello và piano. Mẹ nuôi Jan Saito của cô là giáo sư dạy piano. Cô đã đoạt nhiều giải âm nhạc và thí sinh vào chung kết MTNA National Solo Competition tại Chicago vào tháng 3 năm 2014. Kiarra được bầu làm National Young Artist of the Year ( Nghệ sĩ trẻ triển vọng trong năm ) do PepsiCo tổ chức ở South Carolina sau khi thắng giải nhất cuộc thi Charleston Symphony Orchestra National Young Artist Competition. Em cũng từng được mời làm độc tấu với Central Oregon Symphony Orchestra hai lần.

NGUYỄN TRUNG viết theo HÀ BẮC

Nếu Quý Vị thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này !

Gửi phản hồi

Người đăng tin

Lm. Giuse Lê Quang Uy, DCCT

Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế