z.BÀI CŨ TỪ WEB FIAT

Chuỗi Mai Khôi và việc sùng kính Mẹ Maria trong Hội Thánh Công Giáo

00. Anh Duc Me 3
PHẦN 1. VIỆC ĐỌC KINH MAI KHÔI TRONG GIÁO HỘI

Giáo Hội Công Giáo dành tháng 10 trong năm là tháng Mai Khôi, chính thức khai mạc bằng Lễ kính trọng thể Đức Mẹ Mai Khôi vào ngày 7 tháng 10. Theo cách hiểu phổ thông bình dân, sở dĩ như vậy là vì, trong tháng này, Giáo Hội khuyến khích các tín hữu tập trung cầu nguyện bằng cách lần chuỗi Mai Khôi để xin Đức Maria cầu bầu cho thế giới biết sám hối, cho cõi trần này tránh khỏi tai họa do hệ quả tội lỗi của loài người.

Các tôn giáo lớn, từ Ấn Độ Giáo, Hồi Giáo, Phật Giáo đều dùng chuỗi tràng hạt cho các tín đồ ghi nhớ số lượng các kinh kệ khi tụng niệm cầu nguyện. Chữ Hán gọi đó là “niệm châu”. Nhà Phật có người gọi là “Phật châu” hay “Chuỗi Bồ Đề”.

Cách đây trên 2.000 năm, Đức Thích Ca Mâu Ni thiền định dưới gốc cây Bồ Đề suốt 49 ngày để đắc quả. Chữ “Bồ Đề” có gốc chữ Phạn là “Bodhi”, nghĩa là “tìm thấy chân lý” là “chính giác”. Chuỗi Bồ Đề là một tràng hạt kết xâu 108 trái Bồ Đề tròn nhỏ dùng để cầm tay lần từng hạt liên tục khi tụng niệm.

Do vậy, có thể nói là người Việt Nam xưa đã biết được công dụng của chuỗi hạt trong phụng tự tôn giáo cổ truyền Đông Phương trước khi được tiếp xúc với những nhà truyền giáo Tây Phương đầu tiên trong thế kỷ thứ 16. Riêng với người Công Giáo, Chuỗi Mai Khôi trải qua 6 giai đoạn hình thành dần dần trong suốt giòng lịch sử Giáo Hội:

1. Giai đoạn thứ nhất:

Trong khoảng từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 8, Thánh Jean Chrisostome, trong các bài giảng thuyết, có đề cập đến chi tiết: các vị ẩn tu Công Giáo tiên khởi ở vùng hạ Ai Cập đã dùng những hạt cây hay những viên sỏi nhỏ để đếm số kinh muốn đọc. Buổi sáng, khi thức dậy sớm, mỗi người tự quyết định sẽ đọc bao nhiêu Kinh Lạy Cha, nhặt số hạt tương ứng đem bỏ vào một chiếc lọ hoặc trong túi áo dòng. Hễ cứ đọc được kinh nào thì lại lấy đi một hạt.

2. Giai đoan thứ nhì:

Đến thời Trung Cổ, từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 11, tại các tu viện Âu Châu, đặc biệt ở Ái Nhĩ Lan, đa số các tu sĩ đều không biết rành tiếng La-tinh, nên khi dự Các Giờ Kinh Phụng Vụ, thay vì đọc 150 Thánh Vịnh bằng tiếng La-tinh thì lại đọc 150 Kinh Lạy Cha. Họ xâu các hạt gỗ tròn và nhỏ thành chuỗi 150 để không bị bỏ sót kinh nào. Đó là Tràng Hạt Kinh Lạy Cha, tiền thân của chuỗi Mai Khôi. Chính Thánh Bernard đã cho dùng Tràng Hạt Kinh Lạy Cha trong tu viện Clairvaux do ngài thành lập năm 1115.

3. Giai đoạn thứ ba:

Đến thế kỷ thứ 12, người giáo dân bắt đầu bắt chước các tu sĩ trong việc lần chuỗi. Họ đọc 150 Kinh Kính Mừng với tràng hạt bằng vỏ ốc hoặc bằng đá quý, gọi là các “Thánh Vịnh Đức Mẹ” hay “Thánh Vịnh Kinh Kính Mừng”. Tài liệu cổ ghi nhận: Tu sĩ Pierre L’Ermite đã dùng tên gọi này và phổ biến trong Đạo Binh Thánh Giá. Còn vua Louis IV thì đặc biệt sùng kính việc lần chuỗi, cứ đọc Ave Maria là lại cúi đầu.

4. Giai đoạn thứ tư:

Đến thế kỷ thứ 13, Thánh Đa-minh được Thiên Chúa sai đi giảng cho bè rối Albigeois mau trở lại. Vào một ngày trong năm 1213, tại thành Toulouse nước Pháp, Đức Mẹ hiện ra chỉ dẫn cho thánh nhân 2 phương thế, đó là: giảng thuyết và cầu nguyện bằng chuỗi 150 Kinh Kính Mừng. Trước khi đọc Kinh thì suy niệm các biến cố chính yếu trong đời Đức Giê-su.

5. Giai đoạn thứ năm:

Đến thế kỷ thứ 15, thầy Alain de Roche thuộc Dòng Đa-minh, một Dòng chuyên về giảng thuyết ( Ordre des Prêcheurs ), đã có công chia Chuỗi Mai Khôi thành 15 chục, cứ đọc 1 Kinh Lạy Cha lại đọc 10 Kinh Kính Mừng sau khi suy niệm 1 biến cố trong đời Đức Giê-su. Từ đó, Dòng Đa-minh chuyên lo việc phổ biến việc lần Chuỗi Mai Khôi thông qua Hội Mai Khôi.

6. Giai đoạn thứ sáu:

Đến thế kỷ thứ 16, Đức Giáo Hoàng Piô V, vốn là tu sĩ Dòng Đaminh, đã ra sắc lệnh về Kinh Mai Khôi năm 1569, trong đó có quy định chia làm 3 phần đặt tên là Năm Sự Vui, Năm Sự Thương và Năm Sự Mừng, với 1 Kinh Lạy Cha mở đầu và 1 Kinh Lạy Cha kết thúc mỗi phần, không kể các Kinh Lạy Cha nằm giữa mỗi chục Kinh Kính Mừng. Từ đó đến nay, cách đọc này vẫn là cách đọc chính thức của Giáo Hội. Đến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2, ngài thêm phần thứ tư là Năm Sự Sáng.

Gần đây nhất, trong thập niên 70, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đề nghị đọc “Kinh Mai Khôi Sống” gồm 3 bước: Đọc Kinh – Suy Niệm – Sống Đạo”. Ngài kêu gọi các tín hữu lập thành từng Nhóm 5 người, mỗi người chỉ đọc 10 kinh nhưng vẫn hưởng ân huệ như đọc đủ một chuỗi 50 kinh. Trong thực tế, Giáo Hội đưa ra 2 cách đọc:

– Cứ đọc kinh nào thì suy niệm ngay với kinh đó;
– Khi lần chuỗi Mai Khôi thì suy niệm về một mầu nhiệm trong đạo thích hợp với đời sống hằng ngày.

Chuỗi Mai Khôi là một xâu chuỗi bình thường gồm 59 hạt hoặc 60 hạt tượng trưng cho 1 kinh Lạy Cha, 3 kinh Kính Mừng và 1 kinh sáng Danh mở đầu, kế đó là 50 kinh Kính Mừng để suy gẫm lần lượt 15 Mầu Nhiệm Sự Vui, Sự Thương, Sự Mừng, xen kẽ với 5 kinh Lạy Cha. Chuỗi của các tu sĩ Dòng nhiều gấp ba, với 150 kinh Kính Mừng tương ứng với 150 Thánh Vịnh Cựu Ước. Người Việt Nam, khi cùng nhau lần chuỗi, còn có thói quen thêm vào đó 5 kinh “Lạy Chúa Giêsu xin tha tội cho chúng con…”, cuối cùng sẽ là một kinh Lạy Nữ Vương và một bài Thánh Ca hướng về Mẹ.

Tựu trung, khi lần chuỗi, người Công Giáo lần lượt suy niệm về các biến cố liên quan đến Đức Giêsu diễn ra trong cuộc đời Đức Mẹ Maria, từ đó ngợi khen chúc mừng Mẹ và khẩn nài xin Mẹ cầu bầu cùng Thiên Chúa cho được những ơn cần thiết trong đời Kitô hữu.

PHẦN 3. NGUỒN GỐC LỄ ĐỨC MẸ MAI KHÔI 7 THÁNG 10

Nguồn gốc lịch sử của Lễ Đức Mẹ Mai Khôi có từ thế kỷ thứ 16. Năm 1570, quân Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ tấn công các nước Công Giáo Phương Tây, đóng quân tại eo biển Lépante ( nay là Naupacte, thuộc nước Hy Lạp. Đức Giáo Hoàng Pio 5 cho triệu tập quân đội hoàng gia Tây Ban Nha phối hợp với quân đội Ý do đại tướng Don Juan d’Autriche chỉ huy. Mỗi binh sĩ được trao cho một xâu chuỗi để đọc kinh cầu nguyện với Đức Mẹ trước khi ra trận.

Rạng sáng ngày 7 tháng 10 năm 1571, nơi hậu phương, các tín hữu già trẻ lớn bé đều cùng đọc kinh Mai Khôi hiệp thông với quân đội ở tiền tuyến. Trận chiến mở màn, quân Thổ Nhĩ Kỳ đông gấp 4 lần, lúc đầu tỏ ra thắng thế. Rồi đến lúc cục diện bắt đầu nguy ngập, đạo binh Thánh Giá quyết định cho đổ các chất liệu gây cháy tràn ra trên khắp mặt biển. Chợt có gió lớn nổi lên tạt lửa về hướng quân Thổ làm vỡ thế trận, các chiến thuyền bị bắt lửa bốc cháy, thua chạy tan tác.

Sau khi đón đoàn quân Thánh Giá khải hoàn, Đức Giáo Hoàng Pio 5 đã dâng Thánh lễ Tạ Ơn và quyết định chọn ngày 7 tháng 10 hằng năm để kính trọng thể Lễ Đức Mẹ Chiến Thắng. Mãi đến năm 1913, Đức Giáo Hoàng Piô 10 đổi tên gọi là Lễ Đức Mẹ Mai Khôi.

PHẦN 4. TÌM HIỂU Ý NGHĨA CỦA TÊN GỌI “MAI KHÔI”

Mai Khôi, hay còn được nhiều nơi gọi là Mân Côi, Mai Côi, Môi Khôi, Văn Côi… đều xuất xứ từ tiếng Latinh là Rosarium có từ thời Trung Cổ, tiếng Ý là Rosario, tiếng Pháp là Rosaire, tiếng Anh là Rosary, có 3 nghĩa như sau:

– một tràng, một chuỗi, một xâu Hoa Hồng ( Rosa, Rose = Hoa Hồng )
– một xâu chuỗi hạt trai, hạt đá quý để đeo quanh cổ người phụ nữ;
– một vườn Hoa Hồng.

Ngày xưa, tràng chuỗi Hoa Hồng là một hình thức của lễ dâng lên các vị thần linh, hay một vòng hoa quàng vào thân mình người được thiên hạ ngưỡng mộ tôn vinh.

Sang đến Việt Nam, chuỗi Rosarium được người miền Bắc gọi là “Chuỗi Mân Côi”, hoặc “Chuỗi Văn Côi”; riêng người miền Nam và miền Trung lại gọi là “Chuỗi Môi Khôi”. Ngoài mấy cách gọi thông thường của từng địa phương nêu trên, các cha Dòng Đaminh chi Lyon Pháp, còn có cách gọi là “Chuỗi Mai Khôi”. Cách gọi này hiện nay được khá nhiều người dùng, nhất là các tu sĩ và giới trẻ, đặt thành nhiều bài hát hay viết các bài suy niệm.

Vậy, phải dùng cách gọi nào cho thật đúng trên bình diện ngôn ngữ học và việc đạo đức thiêng liêng của người Công Giáo chúng ta ? Học giả Đào Duy Anh dịch chữ Rosaire của tiếng Pháp trong ba từ gọn lỏn là: “Tràng hạt dài”. Từ Điển Pháp-Việt của nhà xuất bản Thanh Hóa in năm 1994 dịch ra hai nghĩa là:

1. Chuỗi hạt lớn có khoảng 150 hạt, tràng hạt.
2. Kinh lần tràng hạt.

Tổng hợp các từ điển Việt Nam, Hán-Việt và Trung Hoa, chúng ta không tìm được từ ngữ nào là “Mân Côi”. Vậy từ đâu mà có tên gọi này, cũng như đã có những cách đọc trại ra, na ná giống nhau ?

Thật ra, “Mân” là tên một thứ đá rất đẹp, bên ngoài có vân như ngọc nhưng lại không có giá trị bằng ngọc. Có nơi lại gọi loại đá này là “Văn” có nghĩa là có vân, một thứ đá có vân đẹp. Còn “Môi” hay đọc đúng chính âm là “Mai” lại là tên một thứ ngọc quý màu đỏ. “Côi”, hay còn đọc là “Khôi” chính là tên một thứ đá kém giá trị hơn ngọc ( danh từ ). Ngoài ra, còn một nghĩa khác nữa là hiếm, quý, lạ ( tính từ ).

Nếu ghép thành “Mai Côi”, chúng ta còn có thêm ý nghĩa là: một loài hoa rất thơm, sắc đỏ hoặc trắng, nhánh có gai, ngày nay người ta dùng hoa này chưng cất lấy hơi tẩm ướp vào rượu để sản xuất ra một thứ rượu quý nổi tiếng của Trung Hoa, gọi là “Mai Côi Lộ Tửu”, thường được gọi trại ra là “Mai Quế Lộ”. Riêng ông Nguyễn Văn Khôn và ông Đào Duy Anh đều viết đúng chữ “Mai Khôi Hoa” và giải thích đúng là Hoa Hồng.

Vậy, chúng ta có thể khẳng định các cách gọi “Mai Côi”, “Mai Khôi” hay “Môi Khôi” đều là những âm Hán tự có nghĩa đích xác là Hoa Hồng, trong khi cách gọi “Mân Côi” lại không bao giờ có nghĩa là Hoa Hồng, mà chỉ là nói đến một thứ đá !

Trong việc đạo đức sùng kính Đức Maria, mỗi lời nguyện, mỗi lời kinh là một của lễ xứng đáng, là một đóa Hồng xinh tươi, là một chuỗi Hoa Hồng, là cả một vườn Hồng tuyệt vời mà chúng ta kính cẩn dâng lên Mẹ. Quả là chúng ta không thể dùng từ “Mân” với nghĩa không được cao quý trong “Mân Côi” để tìm lấy một mùi hương ngát thơm lâng lâng bay lên tòa Thiên Chúa được.

Người quân tử quý ngọc, nhưng lại coi thường đá Mân. Thế tại sao chúng ta lại giữ lấy đá Mân thiếu giá trị làm một của lễ cho Mẹ Thiên Chúa ? Chúng tôi chủ trương dùng “Mai Khôi”, hay “Mai Côi”, thậm chí “Môi Khôi” là để thay thế cho từ ngữ “Mân Côi” mà có thể vì chưa hiểu thấu đáo ý nghĩa, chúng ta đã vô tình quen dùng một cách không xứng đáng với Mẹ Maria. Rất mong được các bậc học giả uyên thâm đóng góp thêm nhiều ý kiến chính đáng hầu trang hoàng cho tòa Hoa Thơm của Mẹ.

Tổng hợp từ các tài liệu của cố Lm. Hồng Phúc, DCCT, và Lm. Nguyễn Văn Phượng, Dòng Đaminh

Nếu Quý Vị thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này !

Gửi phản hồi

Người đăng tin

Lm. Giuse Lê Quang Uy, DCCT

Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế